Làm rõ 'đường đi' của thông báo xả lũ

Làm rõ 'đường đi' của thông báo xả lũ
TP - Cơ quan chủ quản hồ Vực Mấu ra văn bản số 92/TB-XNTL thông báo xả lũ kể từ ngày 30/9/2013, nhưng văn bản này có đến được các xã vùng hạ lưu hay không? Các xã có thông báo cho dân và phương án di dân được thực hiện hay không, là những vấn đề cần làm rõ.

> Xả lũ đúng quy trình sao dân không kịp trở tay?
> Huyện duyệt quy trình không đúng thẩm quyền

Từ ngày 30/9 đến 2/10/2013, Nghệ An có mưa to đến rất to. Tại hồ Vực Mấu, lượng mưa từ 17h ngày 30/9 đến 14h ngày 1/10/2013 là 541mm; tại hồ Đá Bạc (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) là 567mm. Trước tình hình “cấp bách” trên, Ban chỉ huy PCLB hồ Vực Mấu đã thực hiện qui trình điều tiết vận hành xả lũ.

Theo báo cáo của ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Nghệ An, vào lúc 19h30’ ngày 30/9 mực nước tại hồ Vực Mấu là 20,54 m nên đã mở cửa thứ nhất. Lúc 0h ngày 1/10 mở cửa thứ hai, mực nước là 20,62m. Nước ngày càng dâng cao, đến lần mở thứ 5 lúc gần 4h30 thì mực nước đo được gần 22 m.

Đúng là chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ

Phó GĐ Sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Đệ

Căn cứ để hồ Vực Mấu xả lũ là thông báo số 92/TB-XNTL của Xí nghiệp thủy lợi huyện Quỳnh Lưu, do PGĐ Nguyễn Cảnh Hy ký ngày 30/9/2013. Thông báo xả lũ có được chuyển từ cơ quan quản lý hồ Vực Mấu đến các xã vùng hạ lưu trong ngày 30/9 không? Nếu văn bản này được chuyển đến, các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và thị xã Hoàng Mai có thông báo cho người dân hay không? Thông báo bằng cách nào? Bao nhiêu phần trăm hộ dân tại các xã nói trên chủ động tiếp nhận được thông tin xả lũ.

Ông Hồ Ngọc Mai, GĐ Cty TNHH Môt thành viên thủy lợi Bắc Nghệ An chiều 4/10 xác nhận, trong ngày 30/9 kíp trực tại BQL hồ Vực Mấu “đã chuyển thông báo số 92/TB-XNTL cho các xã hạ lưu bằng đường xe máy. Anh em họ đi từng địa bàn theo sự phân công, thông báo xả lũ giao cho các Chủ tịch, hoặc Phó chủ tịch xã!”.

Khi được hỏi liệu các xã được cảnh báo trong văn bản số 92/TB-XNTL có ký nhận thông báo này hay không, ông Hồ Ngọc Mai nói cái này ông “chưa rõ”. Hơn nữa, nếu văn bản số 92/TB-XNTL được chuyển đến các xã vùng hạ lưu Vực Mấu, thì trong ngày 30/9 các xã đã báo cho người dân bằng cách nào? Phương án di dân lên vùng cao ráo tránh lũ đã được thực hiện tại những đâu?

Thông báo số 92/TB-XNTL ký ngày 30/9/2013 khuyến cáo các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và thị xã Hoàng Mai có phương án di dân lên vùng cao để hồ Vực Mấu xả lũ từ 7h ngày 30/9/2013 cho đến hết mưa bão.

Chẳng cần kiểm tra xem thông báo xả lũ có đến được với dân hay không; không nói rõ lượng nước xả ra khỏi lòng hồ Vực Mấu là bao nhiêu và cũng chẳng cần biết dưới hạ lưu người dân đã được di dời đến nơi an toàn hay chưa, sáng 30/9 ban hành thông báo xả lũ bút ký chưa ráo mực thì Vực Mấu đã tiến hành mở cửa xã lũ. Đỉnh điểm, sang ngày 1/10, Vực Mấu đồng loạt mở 5 cửa xả. Hàng triệu mét khối nước tràn xuống hạ lưu, nhấn chìm hàng nghìn hộ dân.

Rõ ràng, qui trình thực hiện việc xả lũ tại Vực Mấu có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, nhằm tránh tái diễn tình trạng xả lũ ồ ạt tại các hồ đập thủy lợi, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi mưa lớn, nước dâng. Tại sao hồ Vực Mấu không thực hiện chỉ đạo trong công điện số 18 của tỉnh để chủ động điều tiết nước, mà đợi đến lúc mưa lớn mực nước trong hồ dâng lên mức báo động mới ồ ạt mở 5 cửa xả lũ, gây lũ lụt nghiêm trọng tại vùng hạ lưu? Nhiều hộ dân tại Hoàng Mai cho biết, họ hoàn toàn bất ngờ khi lũ ập đến.

Vực Mấu là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Nghệ An, được xây dựng năm 1978-1979, vận hành năm 1982. Hồ có dung tích sử dụng là 75 triệu mét khối nước. Theo quy định khi mực nước trong hồ cao 20,5 m thì bắt đầu xả lũ 1 cửa... Đây là hồ duy nhất ở Nghệ An được lắp đặt hệ thống điện tử SCADA, kết nối việc theo dõi đến Tổng cục Thủy lợi 24/24h.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG