Bảo mẫu 'ba không', biết gửi con đâu khác?

Bảo mẫu 'ba không', biết gửi con đâu khác?
TP - Không có kiến thức nuôi dạy trẻ, không có cơ sở đạt chuẩn và nuôi dạy trẻ không phép là thực trạng chung của bảo mẫu ở các khu chế xuất, công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ hiện nay.

> Hên xui phận nghèo
> Chân dung 'bảo mẫu' giẫm chết trẻ qua lời kể hàng xóm

Bà Giai nhận giữ mấy đứa trẻ cho công nhân ở nhà của mình
Bà Giai nhận giữ mấy đứa trẻ cho công nhân ở nhà của mình.

Chị Nguyễn Thị Chi ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa đang làm công việc của một bảo mẫu, với 5 đứa trẻ. Đứa nhỏ nhất chỉ hơn 6 tháng, đứa lớn nhất chưa đầy 2 tuổi. Đã 7 năm nay chị trông giữ hàng chục đứa trẻ. “Không được đào tạo nghề nuôi dạy trẻ mà chỉ giữ, chăm sóc trẻ theo kinh nghiệm”- chị bảo.

Ai làm cũng được

Một ngày của chị Chi là nhận trẻ, cho trẻ uống sữa, tắm rửa vệ sinh cho chúng. Chị nói: “Làm cái nghề này, nhiều khi cũng lo lắm, lại còn mang tiếng là điểm giữ trẻ không phép”.

Mấy năm nay, bà Hoàng Thị Giai, 67 tuổi ở ấp Đồng Nai, phường Hóa An, TP Biên Hòa cũng nhận giữ hai đứa trẻ cho hai gia đình công nhân ở nhà trọ. Hai đứa trẻ đã hơn 2 tuổi, nhưng mẹ các bé gửi bà Giai trông nom do gần nhà và có khi tăng ca còn nhờ được tới tối. Mỗi tháng, bà Giai nhận tiền công 800 ngàn đồng/cháu.

Chị Nguyễn Thị Huệ quê An Giang, cũng đang ở Biên Hòa cho biết, trước đây, chị làm phụ hồ nhưng do thời gian gần đây sức khỏe yếu nên bỏ nghề, đang định tìm công việc mới làm thêm thì gặp những công nhân có nhu cầu gửi trẻ nên chị nhận luôn. “Hiện tôi nhận giữ hai trẻ, một đứa 9 tháng tuổi và một đứa 17 tháng tuổi với giá 50- 60 nghìn đồng/ nửa ngày, buổi sáng 6 giờ tôi đến đón và trưa bố mẹ trẻ đến đón về”, chị Huệ nói.

Cách nơi ở của chị Huệ vài chục mét là phòng của bà Tám, 64 tuổi, quê Kiên Giang. Căn phòng rộng chưa đầy 20m2 này lúc nào cũng ồn ào tiếng trẻ con. Bà Tám đang nhận trông 5 trẻ, giá giữ mỗi trẻ 1,2 triệu đồng/ tháng từ lo ăn, ngủ.

“Riêng trái cây, sữa thì bố mẹ cháu tự mang đến”- bà Tám kể, đồng thời cho biết: “Mấy trẻ ở đây lúc nào cũng được ba mẹ đến đón lúc 9 - 10 giờ đêm vì họ toàn làm tăng ca”. Bà nói: “Tôi không có chuyên môn gì về giữ trẻ, chỉ biết dỗ dành các cháu để đừng khóc thôi”.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổ trưởng tổ 9, khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, khu này có khoảng hơn 2.200 hộ dân, số dân nhập cư chiếm từ 70% - 80%, đa số là công nhân. “Dân nhiều như vậy nhưng cả khu phố 6 không có nhà trẻ. Dân đã nhiều lần phản ánh, đề nghị xây dựng nhưng không được phép”- ông Minh nói.

Biết gửi con ở đâu khác?

 “Ai cũng muốn gửi con em mình tới các nhà trẻ công lập nhưng không phải muốn là được. Tụi em quá khó”. 

chị Phương

Mấy năm nay chị Phương, công nhân làm việc ở KCX Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức phải gửi con ở một nhà trẻ tự phát. “Nếu không gửi con cho các bảo mẫu ở các điểm giữ trẻ tự phát thì chúng tôi cũng không biết gửi con ở đâu nữa. Cả khu phố này chả có điểm giữ trẻ nào”- chị nói. Hầu hết công nhân như chị Phương đều khó khăn, xa quê.

Chị Nguyễn Thị Hải, công nhân Cty Mabuchi ở TP Biên Hòa, mẹ của hai đứa trẻ 18 tháng và 4 tuổi tỏ ra lo lắng, vì mấy ngày nay nghe thông tin về việc một bảo mẫu ngược đãi trẻ đến chết. Hai vợ chồng chị Hải đều làm công nhân, gia đình hai bên đều ở miền Bắc. Sinh con ra, đến tháng đi làm trở lại, không có trường lớp nào giữ trẻ 4 tháng tuổi, vợ chồng Hải phải đi tìm người giữ trẻ.

“Sáng mang con, mang cháo đi gửi ở bảo mẫu tự phát (bảo mẫu không có chuyên môn-PV) đến chiều, có khi tối nếu tăng ca, hai vợ chồng mới đón con về nhà”- chị Hải kể và cho rằng, chị biết không an toàn nhưng không còn lựa chọn nào khác. Còn anh Nguyên, làm công nhân ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì nói: “Vợ chồng tôi muốn cho con đi gửi nhà trẻ lắm nhưng ở đây không có nhà trẻ”.

Ông Hà Minh Đương - Phó Chủ tịch UBND phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai cho rằng, điều bất cập hiện nay là các trường mầm non, nhóm trẻ chỉ nhận giữ trẻ trên 18 tháng tuổi. Dưới độ tuổi này, cha mẹ phải tự tìm nơi gửi.

Vì vậy, dù biết có các điểm giữ trẻ trái phép, nhưng cũng không thể cấm được. Chỉ riêng địa bàn phường, mỗi năm có trên 300 trẻ là con công nhân ra đời, nhưng mẹ chỉ được nghỉ 6 tháng, sau đó phải tìm nơi gửi trẻ. Thiệt thòi nhất cuối cùng là những đứa trẻ. Ông Đương cho hay, 2 năm liên tiếp tại phường xảy ra 2 vụ trẻ chết ở điểm giữ trẻ: một cháu bị sặc cháo, một cháu bị rớt ao chết đuối.

Theo bà Chu Như Ý - Trưởng phòng Mầm non (Sở GD&ĐT Đồng Nai), do số người lao động tăng cao, dân số trẻ nên nhu cầu trường mầm non ngày càng tăng trong khi đó ngân sách không đủ để xây trường lớp. Vì vậy, theo bà Ý, ngành giáo dục rất cần sự đầu tư từ xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG