Cười trên đau khổ?

Cười trên đau khổ?
TP - Chuyện nóng nhất làng văn nghệ tuần này, đó là vụ nghệ sĩ Quyền Linh bị Camera giấu kín đẩy vào tình huống bị công an khám xét vì nghi tàng trữ ma túy, khiến khán giả hiểu lầm còn bản thân anh thừa nhận có sốc trên một tờ báo: Đến giờ này tôi vẫn chưa hết bàng hoàng.

> Quang Thắng: Nếu phát sóng 'Camera giấu kín', tôi sẽ kiện
> 'Quyền Linh bị bắt': Không ổn về mặt pháp lý?

Tổng đạo diễn chương trình phát biểu: “Trải nghiệm ấy sẽ giúp họ có kinh nghiệm nếu rơi vào tình huống tương tự. Nói như Quyền Linh là vàng thật không sợ lửa”.

Mặc dù Quyền Linh sau khi định thần cũng nói “đây là chuyện mắc cười nhất mà tôi gặp” song nhìn vẻ thất sắc, căng như dây đàn trong clip tung lên mạng, có thể thấy đây là một trải nghiệm quá khó khăn của anh.

Không hiểu giới nghệ sĩ và “người thường”, có bao nhiêu người muốn làm giàu kinh nghiệm theo kiểu tìm cảm giác mạnh như thế để được khen là bản lĩnh ứng xử tuyệt vời, là qua vụ này thấy hiện ra hình ảnh cao đẹp (Quyền Linh).

Giả thử người bị thử thách là người trong sạch nhưng họ không quen đối diện với những tình huống bất ngờ có cơ đe dọa tính mạng thì sao? Họ trở nên lúng túng, hoảng loạn theo hướng bất lợi, tình ngay lý gian?

Như vậy, họ đích thị không phải vàng vì đã dám sợ lửa? Và vì không “chứng tỏ bản lĩnh tuyệt vời” được như Quyền Linh nên họ sẽ bị qui vào nhóm có tật giật mình?

Giả thử người đó có tội thật- nghĩa là camera ghi hình ngẫu nhiên nhưng “đương sự” lại vô tình lộ ra rằng họ phạm tội gì đó, thì với bản chất của tội phạm là ngoan cố chối tội, sẵn sàng đổ tội cho người khác, ngụy tạo chứng cớ, thì rốt cuộc điều gặt hái của câu chuyện “truyền hình thực tế” này là gì?

Tổng đạo diễn cũng “giới hạn giả định còn nằm ở chỗ nếu thực tế với tội danh tương tự, Quyền Linh có thể bị còng tay ngay, còn trong chương trình thì không”. May cho Quyền Linh quá, dù tự nhiên anh lại rơi vào cái tình huống giả định oái oăm còng tay hay không còng tay.

Và có phải ai cũng may mắn được nghe những lời giải thích của nhà sản xuất và chính Quyền Linh sau khi clip kia được tung ra. Như thế có phải là thả gà ra đuổi đối với danh dự của một con người không?

Qua vụ này, có người đùa: Nghe đồn đại nhiều về một số người của công chúng thuộc diện “kính thưa các người đẹp chưa bị lộ” (gái gọi cao cấp), hay là phen này tương kế tựu kế, tạo ra kịch bản bắt bớ để buộc họ phải khai (phụ nữ chắc khó bản lĩnh như đàn ông), biết đâu lại tóm được mẻ lớn, một công đôi việc?

Chuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện đọc trên báo, lâu lắm rồi, về một diễn viên điện ảnh nước ngoài được phân vai người mẹ có con bị bắt cóc.

Muốn cô diễn thật đạt cảnh này, đạo diễn bố trí một người lạ đến trường quay để báo hung tin: Đứa con nhỏ của cô vừa bị tai nạn, đang nguy kịch. Tình huống xảy đến sau đó là người mẹ trẻ đã quị hẳn không còn đóng chác gì được nữa chỉ vì cái tin vịt kia.

Nhiều câu chuyện, tình huống trong chương trình Camera giấu kín theo hướng vui vui, cũng có tiểu phẩm khá nhân văn, có cái vô thưởng vô phạt và hầu như chưa có người xem mấy cho đến vụ Quyền Linh.

Cuộc sống vốn đã lấp đầy bởi lo toan bức xúc, nào sinh kế, nào tai ương, hiểm họa khôn lường.

Thiết tưởng những chương trình truyền hình thực tế, nếu có thể, hãy giảm bớt liều lượng bức xúc căng thẳng đó, có phải hơn là thử “sức bền vật liệu” kiểu này, thử xem ai có thần kinh thép để tuyên dương.

Qua vụ Quyền Linh, có khán giả còn kết tội chương trình “cười trên đau khổ của người khác” nghe hơi nặng, âu cũng là bài học cho những người làm truyền hình thực tế nói chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG