Người nghèo đừng ốm

Người nghèo đừng ốm
TP - Mới chỉ mắc một vài căn bệnh thông thường như nhức đầu hay sổ mũi mà người bệnh nghèo không có cơ hội tiếp cận với bảo hiểm y tế đã kêu trời. Liệu họ có gồng gánh nổi khi lỡ dính phải những căn bệnh nan y lúc viện phí tăng kịch khung như hiện nay. Câu trả lời đơn giản là tốt nhất người nghèo không được ốm!

> Mập mờ giá viện phí mới ở nhiều nơi

Đã có hơn 30 tỉnh thành áp dụng giá dịch vụ viện phí mới từ ngày 1-8 vừa qua. Nhiều bệnh viện cũng đã và đang sẵn sàng đội phí lên mức kịch trần với mục đích được cho đem lại lợi nhuận cho bệnh viện và tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên.

Nhiều nơi vin vào cớ vẫn áp dụng khung giá được ban hành từ 15 năm nay nên đã lạc hậu, không đủ cân đối ngân sách và lần tăng viện phí này để phục vụ tốt hơn người bệnh…Tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải thích nào thấu đáo vì sao viện phí lại đội lên hàng chục lần như vậy trong khi quyền lợi của người bệnh nghèo lại không được đề cập đến.

Với người nghèo- khi mức đóng bảo hiểm y tế chỉ 500 nghìn đồng/năm thôi họ đã không kham nổi thì nói gì đến chuyện được chọn bác sĩ khám, được chọn nằm phòng dịch vụ hạng sang.

Tại cuộc họp thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân được tổ chức mới đây ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “bảo hiểm y tế toàn dân vẫn là khát vọng” bởi theo tính toán thì đến năm 2020 cũng chỉ có 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Vậy nhưng, khi giấc mơ người dân đều được tham gia bảo hiểm y tế, ai cũng giống như ai, không kể kẻ giàu người nghèo khi vào viện đều được đối xử công bằng… thì tại thời điểm này, giá dịch vụ y tế lại thăng thiên một cách khó hiểu.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù quyết liệt trong vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế nhưng đến nay chỉ có hơn 4 triệu thẻ được phát ra so với 9 triệu dân đang sinh sống tại đây.

Khi người dân nghèo vẫn khó tiếp cận bảo hiểm thì mới đây, trả lời một số tờ báo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tân Bỉnh, cho biết đã làm việc với bảo hiểm xã hội TPHCM để điều chỉnh mức viện phí tăng lên 70-80%.

Thông tin trên thực sự làm ngộp thở người bệnh, bởi từ lâu nay mức viện phí mà các bệnh viện tại thành phố 9 triệu dân này đưa ra đã cao chót vót.

Nếu như tăng lên 70% như lãnh đạo Sở Y tế TPHCM tuyên bố, người bệnh khám thông thường phải đóng ít nhất trên 100 nghìn đồng/lượt.

Và dĩ nhiên giá khám dịch vụ chắc chắn sẽ không “chịu thua” giá khám thông thường. Đó là chưa kể hàng trăm dịch vụ lâm sàng, mổ xẻ…cũng đội giá lên chóng mặt.

Được cho là nơi có mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD/năm, trong top cao của cả nước nhưng những người dân ở TPHCM vẫn lảo đảo với mức viện phí hiện tại.

Hãy thử hình dung với những tỉnh nghèo khác, khi người dân vẫn đang chạy ăn từng bữa trong guồng cùng tăng của các mặt hàng khác, liệu họ có gánh nổi chi phí khi những cơn đau ập xuống? Tại bệnh viện Chợ Rẫy, có những bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế đóng 95%, 5% còn lại người bệnh vẫn không đóng nổi để rồi xin về nhà chịu chết.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng việc tăng viên phí bằng 73% mức khung Bộ Y tế quy định đang là đề xuất. Nhưng theo đại diện ngành y tế Hà Nội, tăng viện phí lần này là có cơ sở và viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng lên.

Hứa hẹn này cũng được các giám đốc Sở Y tế tỉnh thành khác đồng thanh, nhưng theo tìm hiểu của báo chí sau gần 10 ngày tăng viện phí, người bệnh vẫn phải nằm chung 3-4 người trên một giường thái độ phục vụ của nhân viên y tế vẫn vậy và chất lượng như cũ.

Người bệnh đang đặt câu hỏi, liệu việc tăng viện phí lần này có vì người bệnh, có vì chất lượng khám chữa bệnh hay chỉ là cơ hội để các bệnh viện lạm thu?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG