Lỗ hổng hệ thống trong quản trị

Lỗ hổng hệ thống trong quản trị
TP - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 26- 10, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, sau Vinashin, chúng ta cần bình tĩnh nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, xác định rõ đâu là lỗ hổng cá biệt, đâu là lỗ hổng hệ thống trong quản trị doanh nghiệp nhà nước…

 >> Bộ GTVT chậm phát hiện lãnh đạo Vinashin độc đoán
 >> Chúng tôi chỉ được góp ý
 >> Một Vinashin mới sẽ có vào tháng 11

Ông Vũ Viết Ngoạn
Ông Vũ Viết Ngoạn.

Ông Ngoạn nói: Một nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nguồn lực xã hội được sử dụng có hiệu quả nhất. Các nghị quyết của Đảng luôn luôn đặt vấn đề tiếp tục tăng cường cổ phần hóa, giảm bớt doanh nghiệp mà nhà nước phải nắm giữ hoặc chi phối vốn.

Nhưng hiện nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn hút quá nhiều nguồn lực xã hội nhưng sử dụng lại không hiệu quả, dẫn đến môi trường cạnh tranh chưa công bằng, minh bạch?

Đúng là hiện nay hiệu quả sử dụng vốn trong một số doanh nghiệp không cao. Doanh nghiệp nhà nước có 2 yếu tố quan trọng chi phối là: sở hữu và quản trị. Việc sở hữu đồng tiền nguồn gốc từ đâu không quyết định được hiệu quả của đồng vốn mà quan trọng là phụ thuộc vào yếu tố quản trị.

Quản trị hạn chế sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp. Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến yếu tố quản trị. Cơ chế quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay còn lúng túng.

Chính điều đó dẫn đến khi xảy ra sự cố với doanh nghiệp nhà nước, chúng ta thường lúng túng và bị động trong việc tái cơ cấu?

Đó là một thực tế không thể né tránh. Tư tưởng chỉ đạo chúng ta đã có, việc tách quản lý hành chính nhà nước với chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã được đề cập từ Đại hội IX và Nghị quyết Đại hội X.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định, tách biệt 2 chức năng này. Vấn đề là chúng ta thực hiện và cụ thể hóa nó như thế nào thì vẫn còn hạn chế. Mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa đủ độ chín, ý tưởng thì đúng nhưng triển khai trên thực tế chưa được.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải bình tĩnh nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém, xác định rõ đâu là lỗ hổng cá biệt, đâu là lỗ hổng hệ thống…,để soát xét, thay đổi cả về luật pháp, chính sách để giải quyết tốt vấn đề.

Trong việc tái cơ cấu Vinashin, ông có cho rằng chúng ta cũng có phần chậm và lúng túng?

Vụ Vinashin đã cho thấy vấn đề giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều hạn chế, chậm phát hiện những yếu tố tiềm ẩn. Khi phát hiện ra thì tập đoàn này đã ở mức nguy cấp, bên bờ vực phá sản. Dẫn đến nhà nước phải có biện pháp “cấp cứu”, “tiếp máu” và tìm giải pháp giải quyết, xử lý. Các giải pháp mang tính chất tái cơ cấu căn bản thì hiện nay vẫn đang trong quá trình triển khai.

Vậy trong quản lý, điều hành các tập đoàn, tổng công ty, đâu là lỗ hổng cá biệt, đâu là lỗ hổng hệ thống?

Nghị quyết của Quốc hội sau khi giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kiến nghị 6 nội dung. Báo cáo về vấn đề này cũng đã phân tích rõ các hạn chế yếu kém và thể hiện những lỗ hổng mang tính hệ thống, ở toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nói riêng chứ không cá biệt một đơn vị nào.

Từ đó đặt ra những khuyến nghị liên quan đến vấn đề luật pháp, chính sách, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kiểm tra giám sát hay đưa ra tái cơ cấu…

Theo đó, đối với các tập đoàn, tổng công ty có vị trí then chốt trong nền kinh tế, phải tiếp tục duy trì hoạt động rà soát, đánh giá lại ngay và xem xét các khó khăn tài chính nếu cần thiết thì phải bổ sung thêm vốn để nâng cao năng lực hoạt động sau đó xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty; đồng thời xem xét, cơ cấu lại tài sản.

Những tài sản nào bị sử dụng không hiệu quả thì dừng, những tài sản nào có khả năng quản lý và mang lại hiệu quả nhưng thiếu vốn thì bổ sung thêm vốn. Những dự án nào có hiệu quả nhưng thiếu vốn mà chưa cần thiết thì tạm dừng. Việc tái cơ cấu Vinashin không nằm ngoài các khuyến nghị này của Quốc hội.

Phải chăng chính vì chậm xây dựng luật về đầu tư công và đầu tư nhà nước trong các doanh nghiệp nên mới dẫn đến hệ quả như vừa qua?

Trong báo cáo giám sát về sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty, Quốc hội đã đặt ra việc xây dựng luật về vấn đề này. Khi vấn đề này đặt ra vẫn còn nhiều quan điểm, ý tưởng khác nhau, chưa thống nhất về mặt tư tưởng, lý luận nên dẫn đến hành động cụ thể chưa rõ ràng.

Chính phủ đã xem xét giao cho các bộ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể. Theo tôi cần có một bộ luật về đầu tư công với khái niệm không phải chỉ đề cập vấn đề đầu tư bằng vốn của ngân sách nhà nước vào các dự án công trình mà kể cả đầu tư vào doanh nghiệp.

Cám ơn ông.

Hà Nhân ghi

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.