Cửa biển bồi lấp, nghề cá khủng hoảng

Cửa biển bồi lấp, nghề cá khủng hoảng
TP - Đã hai tháng nay, cửa biển La Gi (thị xã La Gi, Bình Thuận) bị bồi lấp khiến tàu cá của ngư dân không thể ra vào cảng. Dưới nước, tàu cá khốn khó; trên bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá bế tắc.

> Không để mất quyền khai thác trên biển ta
> Những người đàn bà gánh cá ngừ đại dương
> Khai thác cá ngừ đại dương: Bấp bênh

Hàng ngàn tàu cá đang nằm tại cảng cá La Gi chờ khai thông cửa biển
Hàng ngàn tàu cá đang nằm tại cảng cá La Gi chờ khai thông cửa biển.

Cửa biển La Gi - nơi tiếp giáp giữa dòng chảy sông Dinh với biển, cũng là cảng cá – địa điểm tập kết hàng ngàn tàu ghe đến bán cá và mua xăng dầu, nước đá, lương thực thực phẩm phục vụ cho việc ra khơi đánh bắt hải sản.

Từ cuối 2012, cửa biển này đã cạn bởi cát biển dồn vào. Hàng trăm tàu cá không thể ra khơi, các tàu đánh bắt trở về cũng không thể vào cảng, đành phải tiếp tục hành trình đi đến cảng Phan Thiết, cảng Vũng Tàu để bán cá.

Ông Huỳnh Công đi bạn cho cặp giã cào công suất 300CV từ Ninh Thuận vào bán cá rồi neo đậu tại cảng La Gi từ trước tết đến nay vẫn chưa thể ra khơi cho hay: “Mỗi tàu đã đóng hàng trăm cây nước đá, chuẩn bị lương thực, nước ngọt đầy đủ chờ ngày ra khơi thì kẹt lại cho đến nay, ông chủ cho người về nghỉ hết, chỉ còn lại mấy người trông tàu”.

Ông Nguyễn Minh, chủ tàu đánh cá 150 CV đang nằm trong cảng Lagi cho biết: “Tàu tui nhỏ, nhưng cũng chỉ ra tàu không mới lọt, nhiều chủ tàu nóng ruột cho tàu ra thì chân vịt chém vào đá hư hỏng phải quay về lại”.

Ông Năm Hải, một chủ tàu khác kể: “Tàu tui đi biển về mới biết không thể vào cảng, lại phải quay đầu chạy ra cảng Phan Thiết bán cá tốn thêm cả trăm lít dầu. Về lại cũng phải neo tàu ngoài biển rồi đi thuyền thúng vào bờ”.

Một chủ tàu cá khác tên Thông nói: “Được mấy tháng biển yên mà ngư dân lại ngồi nhà như vậy thì tiền đâu mà trang trải?”.

 Nguyên nhân của việc khắc phục chậm trễ nạn cát bồi lấp cửa biển là do tỉnh không có ngân sách. Chính quyền phải kêu gọi xã hội hóa bằng cách cho doanh nghiệp nạo vét kết hợp tận thu cát. Điều này lại vướng vào thủ tục lập dự án, đánh giá tác động môi trường...

Ông Huỳnh Hồng Thế
Trưởng phòng Kinh tế thị xã La Gi, Bình Thuận

Trong khi tàu cá của ngư dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì dịch vụ hậu cần nghề cá ở La Gi cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi hàng chục vựa cá, vựa nước đá, cửa hàng kinh doanh dầu, nhớt sút giảm doanh thu, nhân công bốc xếp cá thiếu việc làm. Bà Hai Hồng- chủ một vựa cá cho hay tàu không đi đánh bắt được thì vựa cá cũng nghỉ theo.

Bà Ngô Thị Hồng Phước - chủ vựa đá ở cảng cá La Gi cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi sản xuất bán ra vài ngàn cây đá, cả tháng nay do nhiều tàu lớn không ra khơi được, nhu cầu mua đá cây giảm hẳn. Tình trạng này kéo dài chắc nhiều người phá sản”.

Ông Trần Thanh Quế, Chánh Văn phòng UBND thị xã La Gi thừa nhận tình trạng bồi lấp cửa biển xảy ra từ cuối năm ngoái, do tác động của thủy triều kết hợp với gió mùa đông bắc đưa cát biển bồi lấp cửa sông, trong khi đó lượng nước từ thượng nguồn đổ vào sông Dinh không nhiều nên không đẩy được cát ra biển.

Chính quyền địa phương đã hợp đồng với một công ty nạo vét cát khơi thông luồng lạch. Tuy vậy, ông Huỳnh Hồng Thế, Trưởng phòng Kinh tế thị xã La Gi nhìn nhận: “Việc nạo vét cửa biển chậm đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân và dịch vụ hậu cần nghề cá”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.