VCTV 'bán khách dọc đường' cho K+

Ông Cao Văn Liết
Ông Cao Văn Liết
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc VCVT tự động chuyển thuê bao của mình sang K+ cũng giống như việc các nhà xe “bán khách” dọc đường cho nhau.

 >> Quyền lợi của khách hàng bị xâm hại
 >> VCTV 'bán khách' cho K+?

Trong khi đó, ông Cao Văn Liết - Tổng Giám đốc VSTV, sở hữu truyền hình K+, đơn vị liên doanh giữa Trung tâm Kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) và Canal+ (Pháp) khẳng định, việc dùng thuê bao của VCTV góp vốn vào liên doanh là đúng luật vì “đã được Thủ tướng, các bộ ngành phê duyệt”.

Ông Cao Văn Liết
Ông Cao Văn Liết.

Bộ ngành phê duyệt là phải đúng luật 

Ông Liết nói: Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc chuyển giao các thương hiệu từ công ty này sang tập đoàn khác cũng là điều bình thường trong một nền kinh tế phát triển. Ban đầu, VCTV không hẳn chỉ có truyền hình trả tiền mà còn dựa vào đặc tính phủ sóng rộng để phủ sóng tới vùng sâu vùng xa với công nghệ truyền hình vệ tinh DTH. Mục tiêu là ai cũng được xem truyền hình, thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đến thời điểm giao cho liên doanh, ở hệ thống DTH chỉ có 21 kênh. Khi chuyển giao số thuê bao DTH sang cho K+, K+ vẫn giữ nguyên số kênh đã có sẵn trên DTH và còn bổ sung thêm thành 32 kênh. Trong tương lai gần K+ còn có thể bổ sung thêm nữa.

Trước đây, thuê bao cáp của VCTV được xem giải ngoại hạng Anh trên ESPN và Star Sport, nhưng thuê bao DTH của VCTV không được xem những chương trình này vì không được phép của hai kênh trên.

Số lượng thuê bao được chuyển sang liên doanh là bao nhiêu?

Khoảng 100.000.

Việc góp vốn này gây ra thay đổi gì đối với thuê bao?

Trong định giá, góp vốn của doanh nghiệp bên cạnh giá trị hữu hình còn giá trị vô hình. Để có được những thuê bao tích cực, VCTV phải hoạt động tích cực để tạo ra được thương hiệu DTH của VCTV và thương hiệu này được định giá thành tiền để tính vào vốn góp với đối tác. Điều này không mang lại thiệt hại gì cho khách hàng. Như vậy cái lợi thuộc về phía Việt Nam chứ không phải phía đối tác Pháp.

Giá trị đó là của VCTV chứ không phải của khách hàng?

Đúng thế. Đó là phần góp vốn của VCTV với Canal+.

Thay đổi một bên của hợp đồng như thế có ảnh hưởng gì đến khách hàng?

Chẳng có ảnh hưởng gì. Trước đây thuê bao thuộc quản lý của VCTV, bây giờ chuyển sang VSTV. Đây là sự phát triển đi lên thôi. Trước đây thuê bao chỉ được xem 21 kênh phải trả là 65.000 đồng/tháng nhưng bây giờ xem 32 kênh chỉ phải trả 50.000 đồng/tháng.

Nếu có vấn đề gì phát sinh trong việc thực hiện điều khoản hợp đồng giữa 2 bên, thuê bao biết tìm ai để giải quyết?

Trước khi thuê bao được chuyển sang VSTV, chúng tôi đã thông báo trên VTV trong thời gian dài với nội dung nếu khách hàng không đồng ý, họ vẫn thuộc quản lý của VCTV. Nhưng một thời gian dài sau đó không thấy thuê bao nào có ý kiến gì.

Thời gian thông báo dài là bao lâu?

Hàng tháng trời. Chúng tôi vẫn còn lưu những băng đó. Tôi không nghĩ thuê bao đã bỏ tiền ra để được xem TV lại không xem TV đến hàng tháng trời.

Tại sao VCTV không gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng bằng văn bản?

Số lượng thuê bao hàng trăm nghìn, rất lớn. Hồi đó hệ thống quản lý của VCTV cũng chưa hiện đại đến mức có thể quản lý được từng thuê bao mà chỉ quản lý đến tổng đại lý triển khai hợp đồng với thuê bao. Địa chỉ của nhiều thuê bao cũng không chính xác.

Khi K+ bắt đầu hoạt động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên lạc với thuê bao hết hợp đồng. Hết hạn mà họ không kích hoạt lại thì đương nhiên chúng tôi bị thiệt hại. Địa chỉ trong dữ liệu không chính xác so với thực tế hoặc thuê bao chuyển đi nơi khác. Hệ thống quản lý mới của VSTV đã có thể quản lý đến từng địa chỉ khách hàng.

Vấn đề phát sinh nếu có sẽ được giải quyết thế nào?

Nếu khách hàng không muốn thuê bao tiếp nữa thì chúng tôi sẽ giải quyết theo ý khách hàng. Gói thuê bao dài nhất hồi đó chỉ kéo dài một năm. Liên doanh này đã hoạt động được hơn một năm cho nên đến giờ không còn thuê bao nào trả tiền theo hợp đồng cũ với VCTV nữa. Nhưng ngay cả đến bây giờ, khách hàng còn thắc mắc, chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi vẫn là người của VCTV và phải có trách nhiệm với thuê bao của VCTV.

Làm như vậy có đúng luật không?

Liên doanh này đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo, các bộ ngành phê duyệt. Đã có các cấp quản lý đó phê duyệt, tôi nghĩ việc góp vốn bằng thuê bao là đúng luật.

Nhưng luật sư nói việc này không đúng luật?

Tôi không có bình luận về khẳng định đó.

Hải Hà

Đó là bán khách dọc đường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Việc VCVT tự động chuyển thuê bao của mình sang K+ cũng giống như việc các nhà xe “bán khách” dọc đường cho nhau. Tôi không nghĩ một đơn vị chính danh lại có thể làm một việc như những xe khách trên đường như vậy. Cả về mặt đạo lý và pháp luật đều sai. Theo tôi, VCTV phải có câu trả lời rõ ràng với những người xem truyền hình.

Người dân Việt Nam đã bắt đầu quen với việc xem truyền hình phải trả tiền, nhưng không thể quen với cách làm “du kích” như của VCTV và K+. Đặc biệt, người tiêu dùng khó chấp nhận mức giá thuê bao đội lên như thế. Một mức giá không bình thường bắt nguồn từ việc cạnh tranh của K+ với các đài truyền hình khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông phải ra tay can thiệp. Bởi trường hợp nhà cung cấp dịch vụ độc quyền ấn định giá là nhà nước phải can thiệp, chứ không thể là giá thị trường khi có đơn vị “một mình một sân”

Hà Nhân ghi

MỚI - NÓNG