Bảo vệ 'cụ Rùa' - Cần nghiên cứu bài bản

Bảo vệ 'cụ Rùa' - Cần nghiên cứu bài bản
TP - Cục Di sản văn hóa sẽ kiểm tra lại sự việc cụ Rùa hồ Gươm bị mắc lưỡi câu chùm và đề nghị Sở VHTTDL Hà Nội tăng cường các biện pháp bảo vệ - TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL, khẳng định với PV Tiền Phong.

>> Bảo vệ 'cụ' Rùa: Vòng luẩn quẩn

Bảo vệ 'cụ Rùa' - Cần nghiên cứu bài bản ảnh 1

Việc bảo vệ cụ Rùa và hồ Gươm như bảo vệ một di sản văn hóa đã bao giờ được Bộ VHTTDL đặt ra chưa, thưa ông?

Giá trị lịch sử văn hóa và tâm linh của hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, chúng ta đều đã biết. Trước hết chúng ta nên xem xét xem lực lượng bảo vệ hồ Gươm đã đảm bảo quản lý tốt phần mặt hồ chưa? Với loài rùa đang sống ở hồ,trước hết phải nhìn nhận là một loài động vật đặc biệt, cần được quản lý, nghiên cứu theo phương pháp khoa học.

Cần có nhà khoa học có kiến thức về động vật, môi trường để làm việc này. Chúng ta không nên coi nó là di sản văn hóa đơn thuần. Không thể mang kiến trúc sư, hay người quản lý về bảo tồn di tích để thực hiện công việc nghiên cứu và bảo vệ cụ Rùa.

Tôi nghĩ, thành phố Hà Nội chắc chắn đã có chương trình nghiên cứu để bảo tồn. Năm ngoái, khi nạo vét hồ Gươm, đã phải sử dụng các công nghệ đặc biệt, chính là để bảo vệ các loài động thực vật dưới hồ. Nếu không coi trọng, không thấy được những giá trị đó thì thành phố đã không làm thế.

Vậy là Bộ VHTTDL đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ di sản văn hóa và tâm linh quan trọng như cụ Rùa?

Đối với việc bảo vệ di sản văn hóa trên cả nước, Bộ VHTTDL đều có trách nhiệm. Nhưng trong thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý hồ Gươm có đầy đủ điều kiện để thực hiện việc nghiên cứu tập tục sống của rùa, kiểm soát chất lượng nước hồ bằng máy móc, cử người trông coi để ngăn chặn việc câu trộm ở hồ...

Có thể chấp nhận coi rùa hồ Gươm như di sản văn hóa. Nhưng ngay cả với những di sản thiên nhiên, như Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng thì cần những người có chuyên ngành để bảo vệ hệ động thực vật ở đó, không phải cứ coi nó là di sản văn hóa thì đưa người chỉ biết về nghiên cứu văn hóa làm.

TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL
TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL.

Một số cơ quan chức năng của Hà Nội đưa ra lý do tâm linh và cho rằng, khó lấy được giấy phép để tiến hành tất cả những nghiên cứu trên?

Họ đã đề xuất chưa? Ai không đồng ý? Chúng tôi chưa bao giờ nhận được giấy xin phép nào quanh việc đó. Nếu được giao thẩm quyền cấp phép thì chúng tôi sẵn sàng. Miễn là việc nghiên cứu đó phải do một cơ quan khoa học tiến hành theo một đề tài, một chương trình cụ thể có mục tiêu, mục đích luận chứng khoa học rõ ràng và do các nhà khoa học chuyên ngành tiến hành. Bảo vệ di sản không chỉ bằng nhiệt tình mà phải có chuyên môn.

Đừng nhầm lẫn vấn đề tâm linh với khoa học. Chúng ta từng di dời xương cốt 2 vị sư ở chùa Đậu về Bệnh viện Bạch Mai để giám định bằng các biện pháp khoa học, từ đó mới có cơ sở tu bổ, phục chế lại.

Vấn đề là mình làm việc đó với tấm lòng tôn trọng các di sản và bằng các biện pháp khoa học thật sự, nhằm mục đích bảo tồn, giữ gìn các giá trị tâm linh, văn hóa, thiên nhiên, tồn tại một cách lâu dài. Nếu cứ e ngại việc tâm linh mà không thực hiện các nghiên cứu khoa học, thậm chí còn có lỗi với các di sản của đất nước.

Chẳng lẽ chúng ta cứ phải đợi một đề tài khoa học trong khi cụ Rùa rất có thể đang bị dính lưỡi câu chùm và khả năng nguy hiểm về sức khỏe là không hề nhỏ?

Chúng tôi đã trao đổi với Sở VHTTDL Hà Nội, Ban quản lý di tích Thành phố, trong việc tăng cường bảo vệ hồ Gươm. Ngay sau đây chúng tôi sẽ kiểm tra tình hình thực tế vấn đề này. Phải có biện pháp ngăn chặn những hành động gây tổn hại tới cảnh quan của hồ Gươm và hệ sinh thái.

Người có hành vi gây tổn hại phải được xử lý, nhẹ là nhắc nhở, xử phạt hành chính, nặng thì cơ quan quản lý hồ Gươm phải có kiến nghị tới cơ quan chức năng, tới thành phố để có biện pháp xử lý cao hơn.

Trong trường hợp các cơ quan địa phương không thực hiện đầy đủ thẩm quyền của mình, Bộ VHTTDL sẽ nhắc nhở. Một mình cơ quan quản lý khó có thể ngăn chặn hết các hành động vi phạm, để bảo vệ hồ Gươm hay hồ Tây chắc chắn cần có sự tham gia của cộng đồng và báo chí.

MỚI - NÓNG