Ca sỹ Y Moan những ngày chạy đua hối hả

Ca sỹ Y Moan những ngày chạy đua hối hả
TP - Chưa bao giờ quy trình phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và việc tiến hành làm video clip cho một ca sĩ được tiến hành gấp rút đến vậy, bởi Y Moan, giọng ca đại ngàn quý giá hàng đầu Tây Nguyên đang vắt cạn sinh lực để lưu lại những ca khúc tuyệt vời tôn vinh nguồn cội…

>> Đến chơi nhà Y Moan

Kỳ 1: Cháy hết mình ngọn lửa Cao nguyên

Có một Y Moan của đại ngàn

Chào đời năm 1957 tại buôn Dhă xã Lạc Giao thị xã Buôn Ma Thuột, cậu bé Y Moan Enuôl vừa biết nói đã biết líu lo. Cha mẹ Moan nghèo, đông con, cả 7 anh em Moan thuở ấu thơ đều nhọc nhằn chăn trâu làm rẫy.

Moan thuở nhỏ tò tò đi theo ông bác Ama Piêr hát hay, kể Khan (sử thi: Eđê) từ đêm này sang đêm khác nghe không chán, may mắn được ông dạy dỗ từ lễ nghĩa cho tới cách cầm cung, bắn ná, lấy mật, đu dây, và xin cho Moan vào trường tiểu học Nguyễn Du. Y Moan học tới lớp 7 thì bỏ ngang, về buôn làm rẫy.

Năm 1975, Buôn Ma Thuột giải phóng, nhạc sĩ Kpa Púi trưởng đoàn và nhạc sĩ Ama Nô phó Đoàn Văn công B3 lặn lội khắp các buôn làng tuyển diễn viên, tình cờ gặp và nghe Y Moan hồn nhiên hát, chất giọng dày, sâu đầy nội lực. Ông rất mừng và xin phép gia đình đưa Moan theo.

Hai nhạc sĩ trưởng, phó đoàn đối với Moan không chỉ như thầy mà còn như cha, dạy Moan từ cách cầm đũa 2 đầu, cắt lốp xe luồn quai dép cho tới kỹ thuật giữ giọng, hát sao cho người nghe cảm được hết cái hồn của ca khúc.

Cuối 1976 lần đầu tiên Y Moan tham gia hội diễn ca múa chuyên nghiệp các tỉnh tại Quy Nhơn, hát bài Gánh thóc vào kho của Ama Nô đoạt ngay huy chương vàng. Đó là tấm huy chương đầu tiên nâng cánh cho sự nghiệp biểu diễn đầy thành tích ấn tượng của anh liên tục suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Hát dưới chân cầu thang nhà sàn
Hát dưới chân cầu thang nhà sàn.

Hiếm người may mắn có chất giọng bẩm sinh sang trọng, mạnh mẽ và nội lực dồi dào như ca sĩ Y Moan. Suốt thời trai trẻ, Moan xuất hiện bất cứ nơi nào với mái tóc xoăn, làn da nâu cháy, tâm hồn cùng chất giọng đam mê và một cây đàn ghi ta là đã có thể “bao trọn đêm”, hát liên tục cả chục bài, thổi bùng được ngọn lửa phấn khích trong đông đảo công chúng hâm mộ.

Với Moan, không ở đâu hạnh phúc cho bằng hát cho đồng bào mình nghe giữa những buôn làng luôn khát thèm văn hóa nghệ thuật.

Năm 2001, sau một chuyến diễn phát động phong trào dài ngày ở Đắk Nông, ca sĩ Y Moan bắt đầu ho ra máu. Xe đưa Y Moan vào bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ kêu: Rách màng phổi rồi! Nếu còn hát nữa sẽ không cứu nổi đâu! Vậy mà nửa năm sau, vừa xuất viện anh đã lao ngay lên xe đi diễn phục vụ ở Krông Păk.

Ba mươi lăm năm gắn bó với Đoàn Ca múa Đắk Lắk, thu nhập của ca sĩ hàng đầu Tây Nguyên ngoài mức lương hành chính có thêm thắt đôi chút phụ cấp vẫn chẳng đủ nuôi gia đình. Suốt hàng chục năm vợ chồng và 3 con nhỏ của Y Moan phải sống chen chúc trong gian nhà xe chật chội, lợp tôn nóng hầm hập, bít bùng của Đoàn Ca múa.

Phải đem cái danh Nghệ sĩ Ưu tú tín chấp, anh mới vay được một khoản tiền đủ mua 4 hecta đất hoang ở huyện Cư M’gar, cách phố 40km, ngày nào không đi diễn lại chạy vào rẫy tự tay đào hố trồng cà phê. Sau này, nhờ thu nhập từ rẫy cà phê ấy ngoài năm mươi tuổi anh mới cất nổi cho mình ngôi nhà đủ rộng để tiếp đón bạn bè và yên tâm về 2 cậu con trai được ăn học đến nơi đến chốn.

Tổ ấm

Moan siết chặt tay tôi, thì thầm: Mốt anh quay lại bệnh viện để nghe bác sĩ báo kết quả hội chẩn và hướng điều trị. Sau đó, dù bác sĩ bảo thế nào, anh cũng cố gắng cùng anh em quay ngoại cảnh cho xong! Phải để lại cái gì đó đẹp nhất, ý nghĩa nhất của đời mình cho cội nguồn, xứ sở, em ạ.  

Y Moan trải qua một cuộc phẫu thuật từ bệnh viện Ung bướu trở về, tôi đến thăm. Y Moan vén áo, mở chéo băng cho tôi xem vết mổ rạch dài cả gang tay giữa bụng, giọng hài hước:

- Bác sĩ nói trong này lộn xộn quá, thua rồi, tạm đóng lại rồi sẽ tính sau!

Đối với Y Moan, tôi không chỉ là nhà báo gắn bó với văn hóa Tây Nguyên mà còn là cô em nhỏ có thể sẻ chia tâm sự về những vui buồn trong cuộc sống và nghề nghiệp. Đã đôi lần tôi được song ca cùng anh. Có lần hát phục vụ chiến sĩ trên tuyến đồn biên giới dọc tỉnh bạn Môndunkiri.

Tôi hỏi anh: Thế bao giờ em mới được Y Moan tặng DVD?

- Ô, các con trai đã giúp anh hòa âm phối khí và thu xong phần âm thanh rồi, toàn những bài anh yêu thích nhất của các nhạc sĩ bậc thầy, trong đó có những bài đã rất lâu rồi, như bài Đêm thao thức do cố nhạc sĩ Kpa Púi sáng tác từ năm 1969, nói về lòng người Tây Nguyên hướng về Đảng và Bác Hồ, anh hát em nghe này! Và anh hát tựa như chưa hề bị trọng bệnh.

Tiếng hát tha thiết, vang rền. Được vài câu, anh nhăn mặt, da tái sạm. Chị Ngẫu, người vợ đẹp và hiền của Moan vội bưng đến cho chồng cốc nước, thấm mồ hôi rịn đầy trán anh.

Ngồi yên một lát, thần sắc bình thường trở lại, Y Moan dắt tôi ra phía sau giới thiệu căn phòng thu âm tại nhà mà anh mơ ước rất lâu, tới nay mới thành hiện thực. Căn phòng rộng hơn chục mét vuông ngăn đôi, gian trong dán xốp cách âm, gian ngoài ngổn ngang các loại đàn, trống, vi tính, dàn chỉnh âm do cha con anh tự tay xây dựng, thiết kế bằng đủ thứ vật liệu vừa hợp túi tiền.

Cha và con trong phòng thu âm tại nhà
Cha và con trong phòng thu âm tại nhà.

Tại căn phòng này, ngoài cô con gái út quanh quẩn bên bố còn có hai cậu con trai là Y Vôl đã tốt nghiệp Cao đẳng nghệ thuật quân đội khoa Sáng tác, và Y Garia, cậu con trai thứ vừa thi tốt nghiệp Đại học thanh nhạc, đạt điểm tối đa tại nhạc viện Hà Nội đúng vào ngày Y Moan lên bàn mổ tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh.

Y Garia bật máy cho tôi nghe sản phẩm mấy bố con đang chăm chút. Các ca khúc Y Moan chọn thu đều gần gũi thân thương với anh và dào dạt âm hưởng đại ngàn: Giấc mơ Cha Pi của Trần Tiến, Hoa Suối của cố nhạc sĩ Y Sơn Niê, Đêm thao thức của cố nhạc sĩ Kpă Púi, Đôi Chân Trần của Y Phôn Ksor, Suối hát Ay Ray của Kpă Y Lăng, Niềm tin trong tôi của Linh Nga Niêkdăm, và hàng loạt ca khúc đã gắn liền tên tuổi của ca sĩ hàng đầu Tây Nguyên với nhạc sĩ đất Hà thành Nguyễn Cường.

Còn nữa

MỚI - NÓNG