BOT tránh thành phố Thanh Hóa: Những bất thường nào chờ hóa giải?

Trạm thu phí Bỉm Sơn sắp hồi sinh
Trạm thu phí Bỉm Sơn sắp hồi sinh
TP - Bộ GTVT, UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan đang tiến hành các bước để chuẩn bị thu phí cho tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa tại trạm thu phí Bỉm Sơn nằm trên QL 1A. Đây là một kế hoạch với 2 trở ngại lớn: Trạm thu phí đặt ngoài dự án và đây là dự án BOT đầu tiên làm đến 2 tuyến tránh qua một thành phố…  

Trạm BOT Bỉm Sơn hoạt động trở lại thế nào?

Người tham gia giao thông trên QL 1A đoạn qua dốc Xây, giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn lâu nay không phải trả phí khi qua trạm thu phí tại đây (gọi là trạm Bỉm Sơn). Trạm thu phí này dừng hoạt động từ tháng 8/2017 vì đã đủ kinh phí hoàn vốn cho tuyến tránh thành phố Thanh Hóa ở phía Đông. Tuy nhiên, trạm này đến nay chưa được dỡ bỏ nhằm tiếp tục thu phí cho tuyến tránh mới nằm ở phía Tây thành phố Thanh Hóa mới hoàn thành. 

Cụ thể, về hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa (tuyến tránh phía Tây), để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 8270/UBND-CN ngày 09/9/2014 đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, cùng sử dụng trạm Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn. Theo kết quả rà soát đến thời điểm hiện nay, dự kiến kinh phí đầu tư tuyến tránh phía Tây khoảng 820 tỷ đồng (giảm 194 tỷ so với tổng mức đầu tư được duyệt). 

“Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhiều lần tuyên bố chỉ lập trạm thu phí trong phạm vi dự án, dẹp bỏ các trạm nằm ngoài dự án. Nay Bộ GTVT lại vi phạm cam kết mình đưa ra là không ổn”.

Ông Nguyễn Văn Thanh – 
nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí tại đâu là một điều “khó xử” với Bộ GTVT. Trong cuộc họp mới đây với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa và các bộ ngành liên quan, lãnh đạo Bộ GTVT kết luận: Việc đặt trạm trên tuyến tránh phía Tây không khả thi do: Theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện có thể lựa chọn đi theo 3 tuyến (quốc lộ 1 qua thành phố Thanh Hóa, tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây), nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía Tây thì các phương tiện sẽ hầu hết sử dụng Quốc lộ 1 qua trung tâm thành phố Thanh Hóa và tuyến tránh phía Đông để lưu thông do không mất phí. Thứ hai, trên tuyến tránh phía Tây chủ yếu thu hút các phương tiện từ các huyện phía Tây theo hướng quốc lộ 45 và quốc lộ 47 đi về phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, chỉ tính trong phạm vi tuyến tránh phía Tây đã có tới 16 vị trí giao cắt nên các phương tiện có thể sử dụng để tránh mất phí.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT và các bên liên quan thống nhất lựa chọn phương án tiếp tục sử dụng trạm Bỉm Sơn để hoàn vốn với các điều kiện: chỉ thu với mức phí phù hợp (khoảng 15.000 đồng/xe con/lượt), có chế độ miễn, giảm phí cho người dân khu vực lân cận trạm; không tăng phí trong suốt quá trình khai thác.

Gây sức ép cho vận tải trên QL 1A

Theo phương án trên, trạm thu phí Bỉm Sơn cách xa dự án khoảng 40 km. Bộ GTVT cho hay, do việc bổ sung nằm ngoài phạm vi dự án, Bộ GTVT có văn bản số 12891/BGTVT-ĐTCT ngày 13/10/2014 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tại văn bản số 9786/VPCP-KTN ngày 08/12/2014. Mới đây, Bộ GTVT có văn bản đề nghị gửi UBND thành phố Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư xác định cụ thể mức giá và phương án miễn giảm giá dịch vụ đối với người dân và doanh nghiệp khu vực lân cận trạm thu phí. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và nhà đầu tư, tổ chức thông tin rộng rãi về phương án miễn, giảm phí; tuyên truyền, vận động để tạo sự thống nhất, đồng thuận của người dân.

Dù phương án thu phí chưa được triển khai nhưng không ít chủ phương tiện và chuyên gia băn khoăn. Chủ một hãng xe khách chạy tuyến thành phố Thanh Hóa - Hà Nội cho rằng, xe Cty đã đóng góp để thực hiện tuyến tránh phía Đông thành phố Thanh Hóa, nay lại phải tiếp tục đóng góp để hoàn vốn tuyến phía Tây thành phố là gây sức ép lớn đến hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, tuyến tránh phía Đông đang bị đô thị hóa mạnh với rất nhiều nhà cửa, khu đô thị bám tuyến đường này nhưng cũng chưa mãn tải. 

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay: “Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhiều lần tuyên bố chỉ lập trạm thu phí trong phạm vi dự án, dẹp bỏ các trạm nằm ngoài dự án. Nay Bộ GTVT lại vi phạm cam kết mình đưa ra là không ổn”. Ông Thanh cho rằng, việc phát triển hạ tầng đường tránh thành phố là cần thiết, tuy nhiên, cần hết sức tránh gây sức ép lên hoạt động vận tải vì chi phí vận tải hiện đã quá cao. “Tốc độ phát triển đô thị của Thanh Hóa rất cao, cần đường tránh. Như Hà Nội có vành đai 3, 4, 5. Tuy nhiên, kinh phí để làm các đường vành đai cần chuẩn bị cụ thể, mang tính dài hơi, tránh ảnh hưởng đến vận tải của địa phương cũng như toàn quốc” - ông Thanh bình luận.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.