Chính quyền cho thuê đất sai, hậu quả dân chịu

Nhà xưởng của các hộ dân bị giải tỏa Ảnh: K.N
Nhà xưởng của các hộ dân bị giải tỏa Ảnh: K.N
TP - Vượt thẩm quyền khi ký hợp đồng cho các hộ dân sử dụng đất công tại khu vực đê quai để kinh doanh, chế biến lâm sản rồi lại ép giải tỏa hành lang đê. Việc làm của chính quyền xã Liên Trung (Đan Phượng, Hà Nội) gây bức xúc cho dân.

> ‘Xử’ hàng loạt khu ‘đất vàng’ sử dụng sai mục đích

Trong đơn gửi Tiền Phong, các hộ dân trình bày: Từ năm 1997 đến 2000, UBND xã Liên Trung đã ký hợp đồng với thời hạn mỗi năm một lần các hộ gia đình thuê đất thuộc khu vực đê quai đường 422 của xã để kinh doanh lâm sản, tiền thu nộp ngân sách xã.

Đến năm 2001, xã không thu tiền theo dạng hợp đồng nữa mà chuyển sang thu lệ phí sử dụng đất (từ 2001-2004), mỗi năm thu khoảng 1 đến 2 triệu đồng.

Sau đó xã không thu tiền nhưng vẫn để chúng tôi sản xuất kinh doanh bình thường. Như vậy, việc người dân có địa điểm kinh doanh là do sự chấp thuận của UBND xã Liên Trung từ trước chứ không tự ý xây dựng.

Gần đây, các hộ dân nghe nói khu vực mình đang kinh doanh sẽ được giải tỏa để quản lý đê và thực hiện dự án cứng hóa đường cơ đê bao Liên Trung.

Ngày 11-5 và 10-6-2012, các hộ dân lần lượt nhận được hai thông báo của UBND xã Liên Trung yêu cầu họ phải thu dọn tài sản, nhà xưởng ra khỏi nơi cần giải tỏa nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế.

“Ngày 15-6, tiếp các hộ dân, một cán bộ có trách nhiệm của UBND xã Liên Trung sau khi gọi điện trao đổi với cấp trên đã trả lời: Các hộ có hợp đồng thì được hỗ trợ 50% tài sản bị tháo dỡ, còn không có hợp đồng thì được hỗ trợ 10%”- anh Võ Văn Dũng, một chủ xưởng sản xuất gỗ cho biết.

Nhưng ngày 16 và 17-6, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa nhà xưởng của các hộ kinh doanh mà không đề cập việc đền bù.

Ông Nguyễn An Năm, đại diện cho các hộ dân kiến nghị “Việc bảo đảm hành lang đê và cứng hóa đê bao Liên Trung chúng tôi sẵn sàng chấp hành, nhưng cần được hỗ trợ đền bù vì thiệt hại của việc giải toả là không hề nhỏ. Bởi căn cứ Quyết định 108 (ngày 29-9-2009) của UBND TP Hà Nội chúng tôi thuộc diện được hỗ trợ do công trình được xây dựng trước ngày 1-7-2004”.

Làm việc với phóng viên Tiền Phong, một số cán bộ có trách nhiệm huyện Đan Phượng cho biết việc giải tỏa vừa qua chỉ tiến hành làm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê để thực hiện Kế hoạch số 49 (ngày 8-5-2012) của huyện về xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều, hành lang thoát lũ.

Cấp có trách nhiệm của huyện Đan Phượng cũng nhận định việc chính quyền xã Liên Trung trước đây cho dân thuê đất là sai, trong hợp đồng lại không đề cập rõ nội dung khi thu hồi, giải tỏa sẽ như thế nào đã gây nên việc yêu cầu được đền bù của các hộ dân như hiện nay.

“Trước kiến nghị của các hộ dân, tới đây chúng tôi sẽ gặp họ để giải quyết sự việc”- ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG