Chuyên gia 'điểm mặt' lỗ hổng quản lý từ vụ nước sông Đà nhiễm bẩn

TPO - PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, kinh doanh nước sạch là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. Đến giờ khi vụ việc sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng, đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà đây là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. 

Cty sông Đà vô trách nhiệm với dân

Liên quan đến vụ việc nước sông Đà bị nhiễm bẩn gây bức xúc dư luận thời gian qua, chia sẻ tại tại buổi toạ đàm “Nước và không khí trong phát triển Công trình Xanh”, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư là công ty CP nước sạch Sông Đà.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, khi người dân phản ánh rất nhiều về tình trạng nước có mùi lạ, bị nhiễm bẩn nếu là nhà đầu tư có trách nhiệm thị họ sẽ cử người xuống xem thế nào, thực hư ra sao, lấy mẫu nước đi phân tích và có thể làm ngay giải pháp nước thay thế nhưng Cty nước sạch sông Đà đã không làm được việc đấy. Không những thế khi biết dầu thải tràn vào nguồn nước doanh nghiệp cũng không báo cáo hoặc có báo cáo thì cũng báo cáo chậm. 

Chuyên gia 'điểm mặt' lỗ hổng quản lý từ vụ nước sông Đà nhiễm bẩn ảnh 1 Nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Điều đáng nói, theo PGS.TS Bùi Thị An chủ đầu tư đã không thông báo đến người dân đang sử dụng nguồn nước, thông tin đến người dân về vụ việc một cách không trung thực…

“Trách nhiệm đầu tiên là thuộc về chủ đầu tư, bởi vì anh là người bán hàng nhưng bán sản  phẩm không đúng chất lượng thì người dân có thể khởi kiện anh rồi. Anh bảo là A nhưng bán cho tôi là B, đương nhiên đây là sự gian dối không được phép. Bây giờ bảo là trách nhiệm của người đổ trộm dầu thải cơ quan chức năng xử lý sau. Nhưng nếu anh đổ dầu tôi phát hiện ra ngay, tôi có bộ lọc tốt thì nước đến dân chúng vẫn tốt. Tôi xin khẳng định để nước nhiễm bẩn, Cty sông Đà là vô trách nhiệm với dân”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm trong việc này. Trước hết, cơ quan quản lý ngành dọc là Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý địa phương là tỉnh Hòa Bình, cơ quan chịu trách nhiệm liên đới là Sở Y tế…

“Vụ việc nước sạch sông Đà nhiễm bẩn xảy ra là vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân và không cho phép lặp lại nữa, cho nên bây giờ phải có chế tài xử lý nghiêm”, PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.

Lỗ hổng quản lý từ vụ nước sông Đà nhiễm bẩn

Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh đặt câu hỏi: Từ vụ nước sạch sông Đà cho thấy quá nhiều lỗ hổng an ninh nguồn nước, vậy lỗ hổng này có xuất phát từ quy hoạch nguồn nước? Luật Tài nguyên nước 2012 có nội dung về quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước, các nội dung này được thực hiện ra sao? Cần điều chỉnh gì trong bối cảnh môi trường ngày một ô nhiễm và xảy ra ngày một nhiều những vụ việc gây ảnh hưởng nguồn nước và không khí như thời gian qua?

Chuyên gia 'điểm mặt' lỗ hổng quản lý từ vụ nước sông Đà nhiễm bẩn ảnh 2 PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, để nước nhiễm bẩn, Cty nước sạch sông Đà vô trách nhiệm với người dân. Ảnh: Ninh Phan.

PGS.TS Bùi Thị An cho biết, trước hết phải nói là luật quy định khá đủ về vấn đề quy hoạch; điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn; khi lấy nước mặt thì thế nào; khi lấy nước ngầm thì thế nào... đã có hết trong các văn bản quy phạm pháp luật. Còn về nguyên tắc, ai là chủ đầu tư thì phải làm đúng luật.

Về câu hỏi thực hiện ra sao, chúng tôi mới kiến nghị là có lẽ phải có giám sát của Quốc hội các vấn đề liên quan đến nước bắt đầu từ quy hoạch, sau đó là chất lượng nước. Đây là những việc lớn nhưng chưa làm được, vì không có giám sát, kiểm tra mà cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Theo PGS.TS Bùi Thị An kinh doanh nước sạch là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. Đến giờ khi vụ việc sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng, đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà đây là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Đáng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho cục nào hay sở nào là phải báo cáo, nhưng thực tế là không báo cáo.

"Tôi nghĩ không phải chỉ có sự việc sông Đà, có thể là cả những nơi khác nữa, nhưng chuyện này hãy để cho cơ quan quản lý trả lời...", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG