Hà Tĩnh:

Chuyện về một cựu lâm tặc trở thành người... gác rừng

Chuyện về một cựu lâm tặc trở thành người... gác rừng
Từng "xẻ thịt" từng khối gỗ của rừng xanh, nhưng sau nhiều lần bị bắt, hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng, cựu lâm tặc người dân tộc Lào đã tình nguyện trở thành người gác rừng tại bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Ông còn nhiều lần hỗ trợ với cơ quan chức năng ngăn chặn nhiều vụ phá rừng của lâm tặc.

Trưởng bản người Lào trên đất Việt

Nai Hòe là tên “cúng cơm” của ông Lê Văn Hòe (SN 1965) người dân tộc Lào ở bản Phú Lâm, xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Bố Nai Hòe là gốc người Lào mang họ Nai. Sau rồi gặp và lấy mẹ Nai Hòe người Việt.

Ông sinh ra và lớn lên ở đây rồi mang họ Lê của mẹ trên giấy khai sinh. Nhưng người dân ở đây vẫn quen gọi ông bằng cái tên thân mật là trưởng bản Nai Hòe.

Nai Hòe làm trưởng bản từ năm 2014, hết nhiệm kỳ, ông xin nghỉ nhưng bà con lại tín nhiệm bầu ông lên làm lần nữa cũng bởi không chỉ có tiếng nói mà ông luôn là người tiên phong trong các phong trào nơi đây.

Cơ ngơi của trưởng bản Phú Lâm khiến nhiều người mơ ước. Hiện nay, vợ chồng Nai Hòe có một trang trại rộng 19 hecta. Trước đây, chủ yếu tập trung trồng keo tràm. Nhưng từ khi nhà nước khuyến khích trồng cây ăn quả tăng thu nhập, vợ chồng ông trồng thêm 500 gốc cam, bưởi. Ngoài ra, trong trang trại còn nuôi thêm 20 con lợn rừng, 20 con bò, 7 con trâu và một đàn gà. Cỏ cho bò cũng được tận dụng đất vườn trồng nuôi thả gia súc. “Mình làm trưởng bản, không tiên phong làm thì nói bà con không nghe đâu”, ông cười.

Bản Phú Lâm hiện có 106 hộ trong đó có 61 hộ với hơn 300 khẩu là người dân tộc Lào sinh sống. Trước đây, đời sống người dân rất khó khăn, chủ yếu lên rừng chặt gỗ làm kế sinh nhai, không có vật nuôi, cây trồng chủ đạo.

Thế nhưng, chỉ sau gần 10 năm, cùng với nhà ông trưởng thôn, toàn thôn đã xây dựng được 7 trang trại chăn nuôi quy mô 20 con trở lên; mô hình trồng cây ăn quả phát triển mạnh với hơn 15 mô hình có diện tích trên 500 m2. Từ chính sách hỗ trợ của địa phương và Nhà nước, người dân được vay vốn để sản xuất, phát triển mô hình vườn rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; hệ thống đường giao thông được quan tâm xây dựng, cuộc sống dân bản Phú Lâm ngày càng đổi thay, nhà cửa khang trang.

Từ lâm tặc thành người gác rừng

Ngoài làm trưởng bản, công việc chính của ông vẫn là “gác” 239ha rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ Sông Tiêm.

Đã thành quen, từ sáng sớm ông lại nai nịt gọn gàng, chuẩn bị đồ ăn, thức uống đầy đủ để bắt đầu phiên gác của mình. “Ngày nào cũng đi gác hết, cứ 7h sáng đi thì 12h đến 1h chiều mới về. Mỗi tuần thì có 3 ngày mình đi vào rừng cả nguyên ngày đến tối mịt mới về. Không đi ở nhà cũng không yên tâm được”, ông Nai Hòe cười nói.

Chuyện về một cựu lâm tặc trở thành người... gác rừng ảnh 1 Vết sẹo trong một lần đi gác rừng vào ngày mưa tầm tã trên tay ông Hòe. “Thời tiết càng bất lợi thì mình cần phải đôn đốc công việc hơn vì đây là dịp các đối tượng xấu lợi dụng để chặt cây”, trưởng bản Nai Hòe kinh nghiệm.

Tỉ mẩn với công việc của mình, nhìn ông ít ai ngờ ông Nai Hòe cũng một thời từng là lâm tặc có tiếng thạo đường ở nơi đây.

Sinh ra và lớn lên tại bản, lại thường xuyên qua lại thăm người nhà bên đất Lào nên Nai Hòe thông thạo mọi đường đi lối tắt mỗi cánh rừng nơi đây. Chính vì vậy khi mới lập gia đình, Nai Hòe cũng dành dụm để mua trâu bò làm sức kéo vào rừng chặt gỗ kéo về bán lại cho các đầu nậu. “Ngày đó rừng nhiều loại lắm có de, có táu, sến, lim, dổi… mà mình đi 2 ngày cũng chỉ tầm được một khối gỗ thôi. Giá mỗi khối gỗ thời đó họ trả cho mình tầm 5 kg gạo với 50- 60.000 ngàn đồng”, ông Nai Hòe kể lại.

So với người dân tộc đó là khoản thu nhập vô cùng lớn. Có sức khỏe lại thông thạo từng đường ngang, đường tắt trên mỗi cánh rừng, ông luôn được các đầu nậu “tin tưởng” thuê vào rừng kéo gỗ. Trong một lần truy quét của lực lượng chức năng, ông bị bắt và được các anh trong BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm giải thích về việc làm sai trái của mình.

Chuyện về một cựu lâm tặc trở thành người... gác rừng ảnh 2  
Chuyện về một cựu lâm tặc trở thành người... gác rừng ảnh 3 Một ngày ông phải vượt qua 7 con suối với quãng đường đi bộ hàng chục km để làm nhiệm vụ của người gác rừng.

Hiện nay, ông đăng ký tham gia khoán bảo vệ 239 ha rừng (theo thí điểm gắn với chia sẻ lợi ích SiRAP/BDS với BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm). Thu nhập hằng năm từ rừng và trang trại khoảng 120 triệu đồng. Do được bảo vệ tốt nên khu rừng của ông nhận chăm sóc dần quay về với nguyên trạng là một khu rừng tái sinh khá đẹp.

Ông Nai Hòe cũng nhiều lần cùng với cơ quan chức năng, ngăn chặn nhiều phụ phá rừng của lâm tặc. Ông kể: “Khi đó chuẩn bị ra về thì tôi nghe tiếng máy cưa, tôi lần đi theo thì phát hiện một tốp tầm 4 – 5 người đang bắt đầu đặt cưa lấy gỗ ở cánh rừng giáp với khu vực tôi quản lý. Lúc này, không có sóng điện thoại nên tôi cũng rất lo lắng. Nhưng một lúc sau, tôi quyết định đối diện với tốp lâm tặc vì nhận ra trong đó có một người trong bản. Lúc đầu, họ kháng cự nhưng sau đó tôi cố gắng thuyết phục nên họ cũng xin lỗi và đưa dụng cụ ra về. Cũng may là họ mới đặt cưa nên chưa gây hậu quả lớn”.

Riêng người trong bản đi cùng nhóm lâm tặc, với tư cách là trưởng bản, ông Nai Hòe còn đến nhà vận động từ bỏ thói quen chặt phá rừng bảo vệ rừng. “Cùng với chính sách giao khoán rừng và phát triển sinh kế cho các hộ nên mọi người hăng hái và phấn khởi lắm”, ông chia sẻ.

Nhiều người dân bản được ông vận động cũng từ bỏ "nghề" lâm tặc, chuyển sang trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại.

Nói về trưởng bản người Lào, ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: “Ông Hòe là một gương điển hình của xã về phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng rừng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời là người có đóng góp trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ tại đây. Điều đặc biệt ở ông là khi đã nhận việc thì ông sẽ làm và làm hết trách nhiệm của mình”.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG