Dùng xe chữa cháy vận chuyển nước phục vụ khám bệnh ở Bệnh viện Sa Pa

Dùng xe chữa cháy vận chuyển nước phục vụ khám bệnh ở Bệnh viện Sa Pa
TPO - Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã tỉnh bố trí xe chữa cháy và huy động các xe téc trên địa bàn thực hiện việc chở nước sạch từ bể của Chi nhánh cấp nước Sa Pa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa để có nước sạch phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước Sa Pa trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Dọc theo quốc lộ 4D không khó để bắt gặp tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh giành nguồn nước từ các khe suối của người dân.

Dùng xe chữa cháy vận chuyển nước phục vụ khám bệnh ở Bệnh viện Sa Pa ảnh 1

Còn trong thị trấn Sa Pa, người dân, các hộ kinh doanh khách sạn phải dùng xe bán tải, xe máy với những chiếc can cồng kềnh đi mua nước. Các xe bồn chở những téc nước chạy khắp các ngóc ngách để bán nước cho các hộ dân.

Không chỉ các cơ sở kinh doanh, nhiều gia đình ở thị trấn Sa Pa cũng phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác về sử dụng trong những ngày nắng nóng, khan hiếm nước sinh hoạt. Để có nước sạch phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa, cơ quan chức năng đã huy động xe chữa cháy và xe của các cơ quan, đơn vị tham gia vận chuyển nước sạch từ Chi nhánh cấp nước Sa Pa về.

Dùng xe chữa cháy vận chuyển nước phục vụ khám bệnh ở Bệnh viện Sa Pa ảnh 2 Công an tỉnh bố trí xe chữa cháy chở nước sạch từ bể của Chi nhánh cấp nước Sa Pa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa. Ảnh: Xe chữa cháy tiếp nước ở bệnh viên Đa khoa huyện Sa Pa. Ảnh: Tùng Lâm.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa, cho biết: Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa có nhu cầu sử dụng gần 80 m3 nước; tuy nhiên từ ngày 14/4 đến nay, Chi nhánh cấp nước Sa Pa chỉ cung cấp được khoảng từ 20 đến 30m3/ngày, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa đã có kiến nghị lên huyện Sa Pa. Sau đó, Chi nhánh cấp nước Sa Pa đã điều chỉnh phương án cấp nước theo hướng ưu tiên cho tuyến đường ống đến bệnh viện, song giải pháp này cũng không đạt hiệu quả và hiện tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra gay gắt.

Dùng xe chữa cháy vận chuyển nước phục vụ khám bệnh ở Bệnh viện Sa Pa ảnh 3 Xe của Đội trật tự đô thị huyện chở nước sạch phục vụ Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa. Ảnh: Tùng Lâm.
Khan hiếm nước sạch đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện đã báo cáo UBND huyện Sa Pa đã đề nghị Công an tỉnh bố trí xe chữa cháy và huy động các xe téc trên địa bàn thực hiện việc chở nước sạch từ bể của Chi nhánh cấp nước Sa Pa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lượng nước vận chuyển bằng xe từ Chi nhánh cấp nước Sa Pa mỗi ngày chỉ đảm bảo nhu cầu tối thiểu của Bệnh viện Đa khoa huyện.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các nguồn nước tại Sa Pa cạn kiệt; ngoài Suối Hồ 2, 4 nguồn nước khác cạn đến mực nước chết, mức nước dưới 1m, không còn khả năng khai thác. Ở Suối Hồ 2 có lượng nước tương đối lớn, nhưng thời gian gần đây, nhà máy không thể khai thác do 24 hộ dân thôn Suối Hồ chặn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Vấn đề người dân huyện đã làm việc và người dân đã đồng ý cho Chi nhánh cấp nước Sa Pa tiếp tục khai thác. Nhưng giờ nguồn nước chỉ đáp ứng mức 3000 m3/ngày đêm. Trong khi Sa Pa cần trên 8000 m3 nước/ngày đêm mới đủ sinh hoạt. Như vậy nguồn nước chưa đáp ứng 50%”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu không có mưa từ giờ đến 30/4, lượng nước ở Sa Pa sẽ trở nên khan hiếm, không đủ đáp ứng cho khách du lịch về nghỉ lễ. Sắp đến cao điểm lễ 30/4, 1/5. Huyện đã chỉ đạo, khuyến cáo các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ nếu không có giải pháp giữ nước, không đảm bảo kinh doanh phải dừng lại.

MỚI - NÓNG