Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Tháng 12/2019 khai thác thương mại, có khả thi?

Sau 8 lần lỡ hẹn đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm cho sự kiên nhẫn của người dân vơi cạn. Ảnh: T.Đảng
Sau 8 lần lỡ hẹn đường sắt Cát Linh-Hà Đông làm cho sự kiên nhẫn của người dân vơi cạn. Ảnh: T.Đảng
TP - Trước việc lãnh đạo thành phố Hà Nội thông tin, do chậm tiến độ nên nhiều nhân viên dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nghỉ việc. Chiều 19/11, đại diện Công ty TNHH đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đã tuyển bổ sung đủ số lượng nhân viên để sẵn sàng phục vụ dự án. Tuy nhiên trước thông tin đưa dự án vào khai tháng cuối tháng 12, nhiều ý kiến cho rằng, đó vẫn chỉ là đặt mục tiêu.  

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm cuối tuần qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, từ năm 2015 đến nay, thành phố Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo gần 1.000 lao động, trong đó hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nhiều năm, đến nay khoảng 200 người trong tổng số 1.000 lao động đã tự bỏ việc. “Việc này khiến thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp nhận và vận hành dự án sắp tới”, ông Chung nói.

Với khối lượng công việc và những vướng mắc về kỹ thuật của dự án còn lại quá lớn, có thể tiến độ mà Chủ tịch thành phố Hà Nội đưa ra chỉ là mục tiêu để phấn đấu. Còn thực tế, không ai dám đưa dự án trong đó có các đoàn tàu chưa được nghiệm thu kỹ thuật vào hoạt động.

GS.TS Từ Sỹ Sùa

Chiều 19/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty Metro Hà Nội đã xác nhận sự việc trên. Cùng với đó, ông cho biết thêm, những trường hợp nhân viên bỏ việc đã được UBND thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ GTVT để Metro Hà Nội tuyển bổ sung, sau đó đào tạo, trong quá trình đào tạo những người bổ sung này, phía Trung Quốc đã không đòi hỏi thêm kinh phí. “Những nhân viên bỏ việc vừa qua chủ yếu là lao động phổ thông. Họ chủ yếu tốt nghiệp phổ thông trung học nên việc tuyển bổ sung không gặp nhiều khó khăn”, ông Trường nói.

Với đội ngũ vận hành, giám sát đòi hỏi có kỹ thuật, chuyên môn sâu, đặc biệt là lái tàu, ông Trường cho biết, đến nay cơ bản đội ngũ này vẫn giữ ổn định. Hiện tại, đội ngũ này vẫn tâm huyết với nghề và tiếp tục chờ đợi dự án hoàn thành. Do vậy, ông Trường khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, nhân sự cho dự án đã đáp ứng đủ. Trước mắt, đội ngũ này đang đảm bảo yêu cầu vận hành thử 20 ngày, sau đó vận hành toàn hệ thống theo kế hoạch từ nay đến cuối năm”.

Lo tiếp tục vỡ tiến độ

Về tiến độ dự án, cũng tại buổi tiếp xúc cử tri trên, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu như mọi việc suôn sẻ, cuối tháng 12 năm nay dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Metro Hà Nội đang chạy thử với tần suất như khai thác thương mại khoảng 20 ngày, sau đó các đơn vị liên quan sẽ đánh giá, chuẩn bị nghiệm thu.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học về đường sắt cho rằng, mặc dù dự án đã xây dựng xong cơ bản với khối lượng xây lắp đạt 99% nhưng để các đoàn tàu chạy thương mại (chở khách chính thức), dự án phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, đánh giá về độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ của các hạng mục thiết bị.  

“Việc nghiệm thu này phải được triển khai trên toàn bộ dự án chứ không phải từng hạng mục, từng bộ phận như hiện nay. Chưa có nghiệm thu và chưa kiểm định thì không ai dám cho đoàn tàu vào chở khách ”, ThS Nguyễn Văn Tình, Hội Kinh doanh vận tải đường sắt nhấn mạnh.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, Khoa Vận tải kinh tế, Trường Đại học GTVT cũng cho biết, đường sắt đô thi đi vào hoạt động là mong muốn nhiều năm nay của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, lòng kiên nhẫn này đang cạn dần khi dự án nhiều lần lỡ hẹn và đến nay vẫn chưa thể hoạt động chính thức.

Đề cập tiến độ vừa được ông Chung đưa ra, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, tuy muộn nhưng nếu thực hiện được vẫn có ý nghĩa rất lớn với giao thông Hà Nội. Dù vậy ông cũng cho rằng, với khối lượng công việc và những vướng mắc về kỹ thuật của dự án còn lại quá lớn, có thể tiến độ mà Chủ tịch thành phố Hà Nội đưa ra chỉ là mục tiêu để phấn đấu. Còn thực tế, không ai dám đưa dự án trong đó có các đoàn tàu chưa được nghiệm thu kỹ thuật vào hoạt động.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.