Khúc tráng ca trên cao nguyên M’Nông

Khúc tráng ca trên cao nguyên M’Nông
TP - Với thực dân Pháp, cao nguyên M’Nông là vùng đất mãi mãi không thể khuất phục. Cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng và bi tráng do thủ lĩnh N’Trang Lơng khởi xướng kéo dài bền bỉ đến một phần tư thế kỷ đã ghi dấu ấn lịch sử đáng tự hào.

> Đấu giá quà của Thủ tướng để xây tượng đài

Một cảnh trong ca kịch “Những người con của núi”
Một cảnh trong ca kịch “Những người con của núi”.

Đắk Nông và niềm tự hào N’Trang Lơng

Trên mảnh đất Đăk Nông, tròn một trăm năm trước đã nổ ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược do N’Trang Lơng lãnh đạo, giành nhiều chiến công vang dội mà nổi bật là trận đánh tan tác chuỗi đồn Tây Bu Nor - Bu Mêra vào tháng 7-1914, khiến thực dân Pháp phải kinh hoàng, nể phục.

Đại lễ kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, chương trình nghĩa tình Quảng Đức-Đắk Nông, biểu diễn vở ca múa nhạc kịch “Những người con của núi” , phát sóng trực tiếp 90 phút từ 20h ngày 25-7-2012, trên các đài VTV2, HTV, PTD và Đài PTTH các tỉnh Tây Nguyên.

Từ cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp tràn lên Tây Nguyên, gom phu bắt lính, sưu cao thuế nặng, vơ vét tài nguyên, cướp bóc hà hiếp dân lành.

N’Trang Lơng - một thanh niên M’Nông, sinh năm 1870 tại bon Bu Par đứng lên công khai chống đối. Lần lượt vợ và các con gái, con trai của N’Trang Lơng đã bị thuộc hạ của quan tham tá Henri Maitre bắt làm nhục, giết hại.

Từ đầu năm 1912, phong trào kháng chiến chống Pháp do N’Trang Lơng phát động bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Nhiều lần ông cầm đầu hàng trăm nghĩa quân bao vây, tập kích, đốt đồn giết giặc. Cũng nhiều lần Maitre phản công khốc liệt, phá sạch buôn làng và truy lùng N’Trang Lơng.

Sáng 30-7-1914, Hội đồng thủ lĩnh M’Nông đã dùng kế chiêu dụ kẻ thù bằng lễ “kết minh - trá hàng” tại làng Bu Nor. Chuốc rượu cho lũ giặc say sưa, lơi lỏng cảnh giác, thu gom sạch vũ khí của chúng rồi N’Trang Lơng mới công khai ra mặt, tự tay đâm chết Henri Maitre, rửa hận cho vợ con, đồng bào.

Với hàng loạt chiến thắng liên hoàn như đốt đồn Bu Sra, chiếm đồn Mêra, giải thoát tù binh ở Bu Bông, nhấn chìm lính khố xanh áp tù xuống đoạn sông sâu trên dòng Đắk Bukso, thanh thế N’Trang Lơng lẫy lừng khắp vùng cao nguyên rộng lớn.

Suốt 20 năm sau đó, N’Trang Lơng kiên trì tổ chức sản xuất nuôi quân đánh giặc, xây dựng căn cứ.

Năm 1935, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, quyết tâm quét sạch phong trào kháng chiến. Những trận đánh dữ dội giữa nghĩa quân chỉ có tên nỏ súng trường với thực dân trang bị súng ống hiện đại, huy động cả máy bay ném bom khủng bố khiến cả 2 phía đều thương vong nặng nề.

Bị kẻ phản bội chỉ điểm, N’Trang Lơng cùng tùy tùng lần lượt hy sinh trong trận đấu không cân sức tại quê nhà Bu Par. Ông ngã xuống, trên tay vẫn cầm súng, sáng 23-5-1935.

“Hậu duệ” bất ngờ

Tỉnh ủy Đắk Nông vừa phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật biên soạn cuốn sách “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng”, tập hợp và phân tích các nguồn tư liệu có giá trị về N’Trang Lơng, chính thức phát hành trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm N’Trang Lơng dấy binh khởi nghĩa.

Theo cuốn sách, chưa xác định được N’Trang Lơng chôn ở đâu, hậu duệ của ông còn ai.

Đọc đến trang cuối cuốn sách do bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao, tôi nhớ lại chuyến đi 20 năm trước về Đắk Bukso tìm dấu tích anh hùng N’Trang Lơng, cùng người bạn M’Nông dẫn đường Điểu Kré khi ấy còn là cán bộ Đoàn huyện Đắk Rlấp, nay đã là Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông.

Già làng Điểu Siêng, từng là nghĩa quân, đưa chúng tôi đến đầu nguồn thác Đắk Glung, chỉ cho thấy trong lòng vách đá có hang sâu mà N’Trang Lơng từng ẩn náu; chỉ cho thấy ngôi mộ đất chôn Henri Maitre lùm lùm dưới vạt cỏ lau; còn hỏi mộ N’Trang Lơng ở đâu, thì già? không biết.

Trong chuyến điền dã mới đây về huyện Tuy Đức (huyện mới tách ra từ huyện Đắk Rlấp), chúng tôi lại đến di tích đồn Tây Bu Mêra ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So.

Dấu tích còn lại là hệ thống hầm hào cao 3-4m đã sạt lở, nhiều cây mít cây xoài to hơn một người ôm. Mặc dù đã làm bảng sơ đồ di tích cần bảo vệ nhưng nhiều cây trong đồn vẫn bị người dân chặt lấy gốc làm… nọc tiêu.

Xuôi theo tỉnh lộ 1, bia tưởng niệm Henri Maitre do người Pháp xây nằm trơ trọi cạnh QL 14B, cách Đồn 9 - Đồn biên phòng Tuy Đức khoảng 100m. Bia được xây ba cạnh vững chắc, giữa có hình trụ tròn cao khoảng 3m, tên Maitre đã bị đập vỡ chỉ còn năm sinh và mất 1881-1914.

Cán bộ Bảo tàng Đắk Nông cho biết, đã tổ chức rất nhiều đợt tìm kiếm hậu duệ của N’Trang Lơng nhưng không có kết quả. Già làng Điểu Siêng ở bon Bu Nor A thì đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu.

Được cán bộ xã Đắk R’Tih giới thiệu, chúng tôi đến gặp cụ Điểu Krơi 78 tuổi, một cựu giáo viên ở bon Bu M’Blanh A và hết sức bất ngờ khi nghe cụ tự giới thiệu mình là cháu ruột của anh hùng N’Trang Lơng.

Cụ bảo, N’Trang Lơng chính là em trai của cha cụ -M’Brưnh (trong gia đình 7 anh em trai và 1 gái gồm: Srưng, Bloi, Sa Roi, M’Brưnh, Lơng, N’Krong, M’Blar và Thị Song - cha tên Nglưn, mẹ tên Ưn).

Chính cha cụ đã đưa thi thể N’Trang Lơng sang chôn cất ở bon Jâm, xã Ga Te, huyện Ôran, tỉnh Munđunkiri, Campuchia. Từ đó, người thân của N’Trang Lơng mai danh ẩn tích vì sợ lộ ra sẽ bị thân nhân của những người từng đi lính khố xanh cho Pháp trả thù.

Hiện, tại huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) vẫn còn 2 người cháu của Lơng tên Krông và Mlar.

Cụ Điểu Krơi lại là bố vợ của ông Điểu Kré, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, thành viên Ban Chỉ đạo nội dung cuốn sách “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng”.

Trao đổi về lời khẳng định của cụ Điểu Krơi, ông Điểu Kré xác nhận đã vài lần nghe bố vợ kể về việc này, nhưng chưa có điều kiện xác minh. Còn ông Tô Đình Tuấn Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông cho rằng có thể trí nhớ của cụ không tốt lắm, nên mỗi lần kể mỗi khác. Nhưng dù sao cũng nên tổ chức đi đến tận nơi cụ đã mách để tìm kiếm chứng tích. Biết đâu... ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG