'Nhầm' hàng trăm người Ơ Đu vào đề án 120 tỷ đồng: Lộ nhiều thiếu sót

Người dân Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương
Người dân Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương
TP - Ban dân tộc tỉnh Nghệ An không đi khảo sát thực tế mà kế thừa số liệu để xây dựng đề án dẫn đến nhầm lẫn 231 người và hệ lụy sai số trong các quyết định từ tỉnh đến trung ương. Việc nhập nhèm trong cách triển khai đề án của đơn vị này cũng khiến người dân bức xúc.  

Số liệu “trên giấy”

Ơ Đu là một trong năm dân tộc ít người ở Việt Nam có số dân dưới 1.000 người. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Nghệ An có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu, sống tập trung chủ yếu tại huyện Tương Dương. Cuộc sống lạc hậu, khép kín, tỷ lệ hộ nghèo cao, ngôn ngữ, phong tục tập quán bị mai một, đồng hóa không còn bản sắc riêng. Vì vậy, dân tộc Ơ Đu là cộng đồng cần được đặc biệt quan tâm, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu, tỉnh Nghệ An là cấp thiết.

Tuy nhiên, để xây dựng đề án Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An lại dựa trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế tại huyện Tương Dương từ năm 2010 - 2015 và niên giám thống kê huyện Tương Dương năm 2010 ở xã Lượng Minh. Ngày 31/10/2016, Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án, trong đó có bản Đửa và bản Văng Môn (huyện Tương Dương, Nghệ An). Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 3829/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025. Tổng số vốn của đề án là 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 108 tỷ đồng; ngân sách địa phương 12 tỷ đồng). Quy mô địa bàn thực hiện tại bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương).

Điều đáng nói, đề án được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An mới thành lập đoàn khảo sát thực tế. Qua đó, số liệu dân tộc Ơ Đu tại bản Đửa, xã Lượng Minh “vênh” với số liệu mà đề án xây dựng trước đó. Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An phải có quyết định rút bản Đửa ra khỏi đề án.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Thanh Hải cho rằng: “Số liệu của dân tộc Ơ Đu liên tục thay đổi trong các lần điều tra dân số. Bởi người Ơ Đu sống chung với cộng đồng của dân tộc khác, hay trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là người Ơ Đu...”. Nắm được điều này, tại sao Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An không khảo sát thực tế để xây dựng đề án mà lại kế thừa số liệu trên giấy? “Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án là do kế thừa các số liệu và đề án đã cung cấp trước đó. Trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu và lãnh đạo Ban giai đoạn 2015-2018”, ông Lương Thanh Hải nói.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương khẳng định: “Xã bất ngờ với thông tin này. Chúng tôi không hề nhận được thông tin về Đề án và quyết định phê duyệt của cấp trên”.    

Nhập nhèm trong triển khai đề án

Ngày 9/1/2019, Sở Tài chính Nghệ An đã có quyết định về việc giao bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 cho Ban Dân tộc tỉnh số tiền 18,812 tỷ đồng, nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu năm 2018 từ ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh. Nguồn vốn được cấp, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp các sở, ngành và huyện Tương Dương phân công các tổ công tác, cán bộ phụ trách có mặt tại địa bàn nơi hưởng thụ dự án để tiến hành thực hiện. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương bức xúc trước cách tổ chức, quá trình triển khai việc tổ chức dạy tiếng Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật nuôi trồng; phòng, chống bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối cho đồng bào.

Theo bà Mạc Thị Tím (43 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, xã Nga My: “Bà con không được thông báo khi đi học, không biết thời gian học và kinh phí hỗ trợ cho mỗi buổi học được cấp là bao nhiêu”. Bà Tím cho biết thêm, tại lớp học tiếng Ơ Đu, đối tượng học bao gồm cả trẻ em và người lớn nhưng số trẻ em của bản được tham gia lớp học không được thanh toán hỗ trợ. Với giấy tờ, chứng từ sau khi hoàn thành lớp học, bản thân các đối tượng tham gia không được ký, chỉ được nhận số tiền (theo lớp học). Sau này, người dân nắm được, toàn bộ kinh phí cho lớp học cao hơn nhiều lần số tiền người dân nhận được”.

Ông Kim Văn Bốn - Phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc Nghệ An) cho hay: “Đối với lớp học tiếng Ơ Đu thời gian 20 ngày theo dự toán nhưng thực tế chỉ học 15 ngày, thời gian còn lại 5 ngày là dành cho lớp tham quan mô hình và du lịch tại thị xã Cửa Lò. Tuy nhiên thực tế việc dành thời gian đi tham quan mô hình và du lịch lại không diễn ra”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.