Xử lý thế nào với nạn quảng cáo, tiếp tay cho 'tín dụng đen'?

TPO - Để lôi kéo người dân, các đối tượng cho vay lãi suất cao hay còn được biết đến với cái tên “tín dụng đen” thường sử dụng nhiều chiêu trò quảng cáo khác nhau. Hiệu quả nhất và được các đối tượng áp dụng đó là phát tờ rơi, treo dán quảng cáo khắp nơi cùng lời dụ dỗ ngon ngọt để người dân “sập bẫy”.

Theo luật sư Phạm Thị Thu, giám đốc Công ty Luật Số 1 Hà Nội, tình trạng cho vay với lãi suất cao hay vẫn được người dân sử dụng từ “tín dụng đen” đang diễn ra rất phổ biến với những lời mời chào được thể hiện trên những tờ rơi rao công khai ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm trong nội đô Hà Nội.

Theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì hành vi quảng cáo, phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn xã hội, giao thông như: phát tờ rơi, treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, tại các giao lộ… tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt tiền ở mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm chịu hình phạt bổ sung là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Xử lý thế nào với nạn quảng cáo, tiếp tay cho 'tín dụng đen'? ảnh 1 Các quảng cáo "hỗ trợ tài chính" được dán khắp nơi trong nội đô Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xử lý đối tượng vi phạm còn nhiều khó khăn bởi nhiều người dân vẫn chưa biết hành vi dán, phát tờ rơi không phép là vi phạm pháp luật nên nhận lời làm thuê, phát thuê tờ rơi tiếp tay cho hoạt động quảng cáo trái phép này.

Theo luật sư Thu, vấn nạn cho vay nặng lãi với lại suất “cắt cổ” gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội, tuy nhiên, vẫn chưa thể xử lý các đối tượng cho vay triệt để vì còn gặp phải nhiều vấn đề.

Bản chất “tín dụng đen” là những giao dịch dân sự giữa người cho vay và người vay với lãi suất “cắt cổ” vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép.

Theo Điều 468 Bộ luật dân sự hiện hành quy định thì lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, có thể thấy đã có hành lang pháp lý tuy nhiên hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn ra công khai và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Đầu tiên phải nhắc đến việc các tổ chức, cá nhân cho vay hoạt động rất tinh vi, cụ thể là hành vi cho vay  thường “núp bóng” dưới một số giao dịch dân sự như cầm đồ, mượn tài sản, thuê tài sản…sau đó thỏa thuận “ngầm” về mức lãi suất nhằm che giấu mức lãi suất khủng mà bên cho vay thu lãi. Thông thường chỉ khi các chủ nợ có hành vi vi phạm pháp luật khác như cưỡng đoạt, cướp, đánh, bắt giữ người trái pháp luật thì cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý.

Bên cạnh đó, người vay thường không muốn công khai, tiết lộ thông tin cá nhân, điều này dẫn đến các nội dung giao dịch thường không đầy đủ, do đó thiếu sự giám sát, theo dõi và nắm bắt những hoạt động vi phạm pháp luật từ các cơ quan chức năng;

Xử lý thế nào với nạn quảng cáo, tiếp tay cho 'tín dụng đen'? ảnh 2 Khắp hàng cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những hình ảnh này.

Ngoài ra, thủ tục cho vay thường khá đơn giản và linh hoạt. Khi người đi vay cần tiền là có thể nhận được tiền từ người cho vay mà không cần phải giải trình, trải qua nhiều bước thẩm định như ở các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phát hiện sớm, kịp thời các “lỗ hổng” của pháp luật và nhanh chóng tiến hành việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhất là Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm từng bước hoàn thiện các cơ sở pháp lý đây là công việc quan trọng giúp cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ lụy nguy hiểm từ tín dụng đen, cũng như tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể đối với những hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần có thêm các biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra các cơ quan chức năng cần tăng cường, siết chặt hoạt động quản lý để phát hiện và xử lý nghiêm minh nhằm răn đe.

Đối với người dân theo cần nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật để hiểu đúng về hoạt động “tín dụng đen” từ đó nên có ý thức loại trừ nhu cầu vay với lãi suất này vì hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý cho chính người vay.

MỚI - NÓNG