1001 thắc mắc: Chăm sóc đào sau Tết, cần lưu ý gì để hoa nở đúng cho năm sau?

Chăm sóc đào sau Tết, cần lưu ý gì để hoa nở đúng cho năm sau?
Chăm sóc đào sau Tết, cần lưu ý gì để hoa nở đúng cho năm sau?
TPO - Hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong các gia đình miền Bắc vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Vậy sau Tết, làm sao để có thể chăm sóc chậu hoa đào của mình để có thể có được chậu hoa đào đẹp cho năm sau.

Đào là cây chủ yếu dùng để chơi Tết, tuy nhiên để tiết kiệm chi phí cho năm sau nhiều gia đình sẽ trồng lại cây đào cũ đã mua để tiếp tục chơi tết năm sau, kỹ thuật hay cách trồng lại đào sau tết không quá khó, tuy nhiên cũng cần sự tỉ mỉ và chăm sóc kỹ càng.

Thời điểm nào để trồng đào?

Đào cảnh sau tết thường nở hết lộc non cũng như các nụ còn lại, chất dinh dưỡng trong bầu tuy không còn nhiều những vẫn đủ để duy trì sự sống cho cây, chỉ cần tưới đủ nước cho ẩm bầu là được.

Công đoạn đầu tiên là phải “làm tươi” cho cây. Mỗi gốc đào sẽ được “hồi sức” bằng cách để trong bóng mát, cắt bớt cành lá, tưới nước, sau vài ngày mới hạ đất, trồng bầu. Mất khoảng vài ba tuần để cây hồi sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành… bình thường.

Đào cần chọn đất cao ráo

Khi bạn muốn trồng lại cây mới từ gốc cũ, thì nên áp dụng kỹ thuật trồng lại đào sau tết được những nhà vườn chia sẻ đó là: chọn loại đào cây còn tơ thì cây mới sống lâu, sinh trưởng tốt và dùng được nhiều năm mà hoa vẫn nở đều, đẹp, đậm màu. Bên cạnh đó, bạn phải cải tạo và tìm được loại đất thịt pha đất sét có độ PH trung bình từ 7 – 8% mới thích hợp để trồng cây.

Nơi trồng cây tốt nhất đó là ngoài vườn, cao ráo, nhiều ánh sáng, nếu không gian nhỏ hẹp có thể trồng trong chậu nhưng cần xử lý tốt khâu thoát nước, tránh tình trạng ngập úng làm chết cây.

Sau tết bạn nên đem cây đi trồng luôn thì mới đảm bảo cây còn tươi, không héo. Thời gian chậm nhất là 15 tháng giêng âm lịch, khi trồng cây nhớ chỉ lấp đất vừa ngang cổ rễ, sau đó, nêm nhẹ đất từ xung quanh dồn cho chặt và tưới nhiều nước.

Khi chuyển đào ra đất trồng các bạn cũng có thể để đào trong chậu hoa đào cũ nhưng nên thay hỗn hợp đất mới trong bầu với tỉ lệ 3-4 phần đất thì trộn với 1 phần phân hữu cơ.

Trồng xong, người trồng cắt ngay cành lần thứ nhất. Lần này cắt thật đau để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Nếu không cắt đau, để cành già, năm tới hoa chỉ có ở phía ngoài đọt cành. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch mới thôi. Trong quá trình cắt sửa cần kết hợp tạo hình tán cây.

Các bạn có thể bón lót khoảng từ 3-5kg phân hữu cơ/cây tùy vào độ lớn nhỏ của chậu hoa đào. Nên bón phân cho cây đào trong thời gian từ 20 ngày sau khi trồng đến tháng 9 hàng năm. Bón mỗi cây từ 0.5 đến 1kg NPK trộn với 2ml Siêu phân bón NEB tùy cây lớn, nhỏ, bón cách gốc 30-50cm theo hình chiếu của tán cây, tưới nước đủ ẩm cho đào trong thời kì bón phân để cây có thể hấp thụ tốt lượng phân và sinh trưởng tốt.

Hãm cây

Hãm cây là nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa.

Dùng dao thật sắc khứa quanh một vòng cho đứt vỏ qua tầng libe vào tận gỗ ở vùng gần cổ cây. Sau khi hãm độ một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3.

Thời gian hãm bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8 âm lịch, hãm trước những cây khỏe, có toàn bộ lá xanh tốt. Hãm sau những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng. Không hãm những cây già.

Tuốt lá: Bạch đào tuốt sớm, bích đào tuốt muộn hơn

Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng giêng hoặc tháng hai năm tới. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên ta phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài, ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già. Thường tuốt lá đào bích từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch, đào bạch từ mùng đến 15/10 âm lịch. Những cây già, yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe.

Cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá. Không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, làm như vậy tổn thương đến mầm hoa.

Có thể thúc và hãm thời gian ra hoa đào không?

Mặc dầu đã thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều khiển như trên, nhưng thời gian ra hoa có năm cũng không đúng Tết. Vì nếu gặp rét, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, gặp thời tiết ấm hoa sẽ ra sớm hơn. Do đó vấn đề thúc và hãm phải thực hiện trong những trường hợp cần thiết.

Thúc: Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm, cần phải thúc bằng cách: Tưới phân đạm Sunfat nitrat hay ure. Bới xung quanh gốc sâu độ 5cm, tưới phân Bắc, nước tiểu. Tưới nước nóng 35 độ -40 độC.

Hãm: Vào hạ tuần tháng 11 âm lịch nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm là che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian mươi, mười lăm ngày. Vừa che vừa theo dõi thời tiết và tiếp tục nghiên cứu cây.

Không tưới, không xới xáo. Dùng dao khứa quanh thân một vòng đứt vỏ như đã nói ở phần trên. Bới đất, chặt bớt rễ, dùng mai xén bớt từ 10-20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc, liệu xén như bầu định đánh lên vào dịp Tết. Thúc, hãm chỉ làm trong trường hợp thật cần thiết. Vì cả hai trường hợp đều ảnh hưởng đến phẩm chất của hoa.

Cách giâm cành đào sau tết

Giâm cành là cách chăm sóc đào sau tết được áp dụng đối với loại đào cành, phương pháp này tương đối đơn giản, dễ thực hiện và tỉ lệ thành công cũng cao hơn so với trồng đào cây. Tuy nhiên, cũng cần đến sự kỳ công, tỉ mỉ của người giâm để cho ra chất lượng tốt nhất.

Đầu tiên chọn cành: Bạn có thể lấy ở hai dạng cành là cành ngang hoặc cành đứng Với cành ngang lấy từ phía ngọn vào khoảng 20 -25 cm, cành đứng lấy từ ngọn khoảng 40 cm. Nên lấy cành vào sáng sớm, để trong bao mát tránh ánh sáng và phun nước vào miệng bao, bên trong bao để tránh mất nước. Sau đó, sử dụng hóa chất kích thích ra rễ cho cành giâm, những hóa chất bạn có thể mua tại cửa hàng chuyên bán và được hướng dẫn cụ thể về cách pha, trộn.

Tiếp theo, sử dụng những dụng cụ chứa cành giâm như: rổ, khay hay bồn chứa, lấy các cành đào giâm đã được chuẩn bị sẵn từ trước, nhúng phần đáy cành giâm vào hóa chất trong 3 – 4 giây, để hóa chất ngấm vào đáy cành, khi thấy cành cây khô thì cắm cành vào giá thể ngâm, để trong dụng cụ đựng, và đặt trong nhà, trùm kín bằng tấm nhựa. Riêng với kỹ thuật trồng lại đào sau tết này thời gian ra rễ của cây tùy thuộc vào sức sống của cành bạn chọn ban đầu, thông thường sẽ từ hơn 1 tháng đến 3 tháng.

MỚI - NÓNG