1001 thắc mắc: Phi cơ nào bay nhanh nhất thế giới, không cất cánh từ đường băng?

1001 thắc mắc: Phi cơ nào bay nhanh nhất thế giới, không cất cánh từ đường băng?
TPO - Có hình dạng giống một viên đạn, loại phi cơ này ra đời vào thập niên 60 và vẫn đang giữ ngôi vô địch về tốc độ khi bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Ra đời vào thập niên 60, North American X-15 trực thuộc Không quân Mỹ và NASA là chiếc máy bay độc nhất vô nhị: đây là chiếc phi cơ có người lái nhanh nhất thế giới từ trước tới nay.

Trong khoảng thời gian 1959-1968, chiếc X-15 với hình dạng giống một viên đạn hơn là máy bay thông thường và được trang bị động cơ tên lửa đã hoàn thành 199 chuyến bay thử nghiệm.
Không giống những loại máy bay khác, X-15 thực chất là một tên lửa có trang bị buồng lái, do đó không được thiết kế để cất cánh từ đường băng.

Thay vào đó, để bay vào không trung, phi cơ này cần được đưa lên một độ cao nhất định bằng máy bay mẹ, sau đó thả ra khí quyển. Máy bay mẹ của X-15 là một máy bay ném bom B-52 được điều chỉnh đặc biệt phù hợp để thực hiện nhiệm vụ đưa phi cơ này vào không trung ở độ cao khoảng 14km.

Vỏ của X-15 được làm bằng hợp kim đặc biệt có tên gọi Inconel X, bao gồm niken và crom để giúp chiếc máy bay chống chịu được với cái nóng lên đến gần 6.500 độ C do phi cơ này bay với vận tốc lên đến vài nghìn km/h, tạo ra lực ma sát lớn khủng khiếp giữa vỏ máy bay với không khí.

Cất cánh đã khó, hạ cánh X-15 thậm cí còn được đánh giá là khó hơn nhiều so với việc đưa chiếc phi cơ này vào không trung. “Một khi cạn nhiên liệu hoặc động cơ ngừng hoạt động, toàn bộ chiếc máy bay không hơn không kém một chiếc tàu lượn khổng lồ.

Thậm chí, nó còn không phải là một chiếc tàu lượn lý tưởng, bởi X-15 rất nặng, lao đi nhanh và có đôi cánh nhỏ, do đó các phi công chỉ có thể dựa vào tốc độ và độ cao sẵn có để tìm cách hạ cánh xuống địa điểm định sẵn”.

Chiếc X-15 thậm chí không thể hạ cánh bằng đường băng vì thiết bị hạ cánh chỉ có hai dầm thép có thể thu vào trượt qua bề mặt hạ cánh nên sau cùng phi cơ phải hạ cánh trên một mặt hồ cạn.
Trong 9 năm hoạt động, dự án X-15 thu về khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các chuyến bay tốc độ cao. Năm 1967, chuyến bay do phi công Pete Knight cầm lái đã xác lập kỷ lục với tốc độ lên đến hơn 7274 km/h, gấp gần 7 lần vận tốc âm thanh.

X-15 cũng sản sinh ra một thế hệ phi hành gia xuất chúng, bao gồm Neil Amstrong - một trong những huyền thoại của ngành hàng không vũ trụ.

Năm 1962, khi cầm lái một trong bảy chuyến bay mà ông từng thực hiện với X-15, Amstrong đã đạt độ cao hơn 62 m và vận tốc lên đến 4692 km/h, sau đó ông đã thể hiện khả năng giải quyết vấn đề lên đến tầm đỉnh cao, góp phần giúp Amstrong được chọn làm chỉ huy tàu Apollo 11.

Top phi cơ bay nhanh nhất thế giới

Sukhoi Su-27

Su-27 (tên ký hiệu của NATO: Su-27 Flanker) là máy bay tiêm kích siêu cơ động từ thời Liên Xô cũ với thiết kế hai động cơ có khả năng đạt tốc độ cực đại Mach 2.35 (2.500 km/h).
Su-27 được trang bị một pháo đơn 30 mm và 10 điểm treo tên lửa "không đối không", tầm nhiệt, tầm gần và tầm trung. Nó có nhiều biến thể khác biệt đã mang lại nhiều chiến công cũng như có độ phổ biến rộng. Một trong số đó có thể kể đến như là máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57, hiện nay vẫn nằm trong danh sách những máy bay hiện đại hàng đầu.

General Dynamics F-111 Aardvark

F-111 là mẫu máy bay tấn công chiến thuật tầm trung, siêu thanh của Mỹ và hiện đã được cho nghỉ hưu.

Không chỉ phục vụ nhiệm vụ tấn công chiến thuật, F-111 còn thực hiện các dạng nhiệm vụ khác như ném bom hạt nhân chiến lược, nhận diện trên không và tác chiến điện tử. Tốc độ tối đa: 2.655 km/h.

McDonnell Douglas F-15 Eagle

Hầu hết mọi người đều coi F-15 là một trong những máy bay chiến đấu thành công nhất và máy bay phản lực nhanh nhất từng được tạo ra. Nó vẫn đang phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ với Tốc độ tối đa: 3.017 km/h.

Gần 1200 chiếc F-15 đã được chế tạo và xuất khẩu sang Nhật Bản, Ả Rập Saudi và Israel cùng với các quốc gia khác. Lúc đầu, nó được thiết kế dưới dạng máy bay chiếm ưu thế trên không nhưng sau đó được chuyển sang dạng biến thể không đối đất, F-15E Strike Eagle.

F-15 có thể mang 11 giá treo với một loạt tên lửa Sparrow, Sidewinder, 120-AMRAAM, tên lửa tự hành. Cùng với khẩu pháo nòng xoay M61A1 Vulcan 20 mm và tốc độ khủng khiếp, không có gì ngạc nhiên khi F-15 là một nỗi khiếp sợ với hơn 100 chiến thắng được xác nhận.

Mikoyan MiG-31

MiG-31 được tạo ra dựa trên thiết kế của những "người tiền nhiệm" là MiG-25 và MiG-29 và có cùng chung nhiều đặc điểm. Đây là một trong những chiếc máy bay nhanh nhất thế giới trước đây và cả bây giờ với tốc độ lên tới Mach 2.83 (2171.372 dặm/giờ) ở tầm cao. Tốc độ tối đa: 3.000 km/h.

MiG-31 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực D30-F6, lực đẩy mỗi động cơ là 152 kN, cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 1.23 (932 dặm/giờ) ở độ cao thấp.

Đây là một trong những máy bay đầu tiên được trang bị hệ thống radar quét mạng pha và tính đến năm 2013, MiG-31 là một trong hai máy bay chiến đấu có khả năng tự do bắn tên lửa tầm xa "không đối không".

Ngoài ra, MiG-31 là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới được trang bị Zaslon S-800, một radar quét pha điện tử bị động (Passive Electronically Scanned Array - PESA). Tầm hoạt động của nó chống lại các mục tiêu máy bay chiến đấu là khoảng 200 km, và có thể cùng lúc lần theo dấu vết 10 mục tiêu và tấn công bốn mục tiêu trong số đó với tên lửa Vympel R-33.

Máy bay được sản xuất từ năm 1975, không quân Nga và không quân Kazakhstan vẫn đang sử dụng MiG-31 và sẽ tiếp tục hoạt động đến năm 2030 hoặc có thể là sau đó.

North American XB-70 Valkyrie

North American Aviation XB-70 Valkyrie là mô hình nguyên mẫu của máy bay ném bom chiến lược vũ trang hạt nhân, xuyên sâu của Không quân Mỹ, B-70. Tốc độ tối đa: 3.309 km/h.
Vào cuối những năm 1950, Liên Xô đã trình làng các tên lửa đất đối không đầu tiên, điều này gây nên mối đe dọa cho khả năng bất khả xâm phạm của B-70. Sau đó, Không quân Mỹ (USAF) đã phải thực hiện các nhiệm vụ của họ ở độ cao thấp, nơi tầm nhìn của radar tên lửa bị giới hạn vì các đặc điểm địa lý của địa hình.

B-70 được bổ sung một số tính năng trong vai trò thâm nhập cấp thấp so với mẫu B-52 vốn được cho là sẽ bị thay thế vì đắt tiền nhưng chỉ có tầm bắn thấp.

Bell X-2

Đây là mẫu máy bay phục vụ nghiên cứu trong thời gian ngắn nhất của Mỹ, bay lần đầu tiên vào năm 1955 và nghỉ hưu năm 1956. Tốc độ tối đa: 3.370 km/h. Nghiên cứu thuộc một phần của chương trình X-2, ý nghĩa điều tra của nó là để đánh giá đặc tính của những chiếc máy bay ở dải tốc độ lớn hơn Mach 2.0.

Không trang bị những vũ khí như hệ thống phóng tên lửa, Bell X-2 có thiết kế cánh quét ngược có thể tạo sức cản không khí nhỏ và đạt vận tốc đáng kinh ngạc Mach 3.196 vào năm 1956. Tuy nhiên, lúc đó phi công đã vô tình thực hiện một cú ngoặt mạnh ngay sau khi đạt tốc độ cao và mất khả năng kiểm soát, buộc phải nhảy khẩn cấp khỏi máy bay. Thật không may, tai nạn chết người đã xảy ra vì anh ta chạm mặt đất quá nhanh. Chương trình Starbuster sau đó buộc phải dừng lại.

Mikoyan MiG-25 (tên ký hiệu của NATO: Foxbat)

Đây là một trong những máy bay phản lực quân sự nhanh nhất của Liên Xô cũ. Nó được phát triển nhằm đánh chặn máy bay chiến đấu của Mỹ trong chiến tranh lạnh như là Blackbird SR 71 Blackbird và máy bay do thám. Tốc độ tối đa: 3.494 km/h.

Không giống như Blackbird, Foxbat được trang bị 4 tên lửa "không đối không" khiến nó trở thành một máy bay đánh chặn thay vì máy bay do thám. Dù chưa bao giờ bắn hạ Blackbird, nhưng nó đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho các nhiệm vụ khác, ví dụ như trong cuộc xung đột giữa Iran và Iraq.

Từ năm 1964 đến 1984, hơn 1100 Foxbat đã được chế tạo, nhưng ngày nay nó chỉ phục vụ với số lượng hạn chế, với Nga, Syria, Algeria và Turkmenistan là những quốc gia duy nhất sử dụng.

Lockheed YF-12

Lockheed YF-12 là một nguyên mẫu máy bay tiêm kích đánh chặn do công ty Lockheed Martin phát triển, được thử nghiệm vào những năm 1960 bởi Không quân Mỹ. YF-12 và SR 71 có khá nhiều điểm tương đồng vì có chung nhà thiết kế là Clarence "Kelly" Johnson. Đây là máy bay đánh chặn lớn nhất, nặng nhất và nhanh nhất trên thế giới cho đến nay.
Tốc độ tối đa: 3.661 km/h.

Lockheed SR-71 Blackbird

SR 71 Blackbird là mẫu máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới. Cả USAF và NASA đều sử dụng SR 71 Blackbird sau khi nó được ra mắt vào năm 1966. Tốc độ tối đa: 3.529 km/h.

32 chiếc Blackbird đã được chế tạo hoàn chỉnh và phục vụ cho trinh sát và nghiên cứu thử nghiệm. Được trang bị công nghệ tàng hình, ngay cả khi bị máy bay chiến đấu của kẻ thù phát hiện, nó vẫn có thể trốn thoát dễ dàng với tốc độ đáng kinh ngạc của mình. SR 71 Blackbird có thể dễ dàng vượt qua các máy bay đánh chặn hoặc tên lửa đất đối không được phóng về phía nó.

 Khoảnh khắc máy bay vượt tường âm thanh. Clip nguồn youtube

MỚI - NÓNG