1001 thắc mắc: Vì sao sư tử mẹ ăn thịt con mình?

1001 thắc mắc: Vì sao sư tử mẹ ăn thịt con mình?
TPO - Câu chuyện thương tâm xảy ra tại vườn thú Leipzig của Đức khi bà mẹ sư tử Kigali bỗng nhiên ăn thịt cả 2 đứa con mình rứt ruột đẻ ra, mà chẳng có tín hiệu gì báo trước.

Đây là 2 cá thể sư tử đầu tiên được sinh ra tại cơ sở này trong 15 năm. Ban đầu, Kigali chăm sóc tốt cho 2 con non của mình. Tuy nhiên, các nhân viên sở thú phát hiện nó đã giết và ăn thịt 2 con non chỉ sau vài ngày.

Do Kigali đã ăn hết toàn bộ cơ thể 2 con non, vườn thú Leipzig sẽ không thể tiến hành điều tra liệu 2 cá thể con có mang bệnh hay không, lý do có thể dẫn tới hành vi của sư tử mẹ Kigali.

"Nếu những con non cư xử bất thường, những con lớn hơn có thể sẽ ăn thịt chúng. Khi những con mới sinh cư xử kỳ lạ, con mẹ sẽ không nhận ra đó là con mình, và bản năng mẫu tử sẽ không được kích hoạt", Maren Huck, chuyên gia sinh học từ Đại học Derby, Anh, nhận xét.

Các chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia cho biết hành vi của con sư tử mẹ Kigali cũng có thể xảy ra trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, việc con mẹ ăn thịt các con non có xu hưởng xảy ra thường xuyên hơn trong môi trường bị giam giữ, ví dụ như tại các sở thú hay rạp xiếc.

"Nếu động vật bị cầm giữ, chúng sẽ bị căng thẳng và có khả năng ăn thịt con non hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ khó có thể bị suy dinh dưỡng khi được nuôi trong sở thú. Trong tự nhiên, nếu con mẹ không có đủ dinh dưỡng, nó cũng có thể ăn thịt con non", Huck giải thích.

Chuyên gia người Anh cho rằng vụ việc tại vườn thú Leipzig có thể xuất phát từ khả năng bệnh tật của 2 cá thể non, hoặc do con sư tử Kigali thiếu kinh nghiệm làm mẹ. Tuy nhiên, nếu có vụ việc tương tự khác xảy ra, nguyên nhân có thể xuất phát từ điều kiện chăm sóc tại cơ sở này thiếu bảo đảm.

Thú không quá dữ cũng ăn thịt con?

Năm 2013, cô gấu lợn Khali đã khiến toàn thể nhân viên tại Sở thú quốc gia Smithsonia shock tột độ khi nó đột nhiên cúi xuống, chộp lấy gấu non vừa hạ sinh rồi ăn ngấu nghiến. Không lâu sau đó, gấu con thứ 2 cũng bị mẹ nó tấn công và tử vong nhanh chóng.

Lo sợ Khali sẽ tiếp tục phát cuồng, nhân viên sở thú bèn tách gấu non cuối cùng ra và chăm sóc tại viện thú y. Tuy nhiên tại đây, họ phát hiện ra gấu non đang bị bệnh trầm trọng, và tỏ ra nghi ngờ 2 người anh chị của nó cũng vậy. Phải chăng, đây là nguyên nhân khiến Khali phát cuồng và ăn thịt con mình?

Một trong các giả thuyết của các nhà khoa học với trường hợp thú ăn thịt con cũng là như vậy, bởi sinh nở và chăm sóc con là quá trình vất vả và đầy đánh đổi. Khi một con non trong đàn có dấu hiệu xấu về sức khỏe, mẹ của chúng có thể ra một quyết định tàn nhẫn là vứt bỏ chúng, để dồn toàn lực chăm sóc con non có sức khỏe tốt hơn.

Thậm chí trong trường hợp môi trường trở nên quá khắc nghiệt, thức ăn không nhiều và phải đưa ra lựa chọn là giữ mạng mình hoặc con, thú mẹ có thể đành phải bỏ con, chọn tồn tại cho đến khi môi trường đủ phù hợp để tiếp tục sinh nở.

Nghe thì có vẻ kinh khủng và thiếu nhân văn, nhưng tự nhiên là vậy, khắc nghiệt và tàn nhẫn vô cùng.

Nhưng chưa hết! Theo Tony Barthel – nhà nghiên cứu hành vi động vật tại Sở thú quốc gia Smithsonia thì việc để mặc thú non chết đi cũng không phải là một ý hay, vì có thể thu hút sự chú ý của kẻ thù. Vậy nên, thú mẹ buộc phải chọn cách ăn luôn con của mình.

Cũng theo Barthel, các con đực trong đàn có làm hành động này, nhưng vì nhiều lý do khác. Chẳng hạn để tăng khả năng duy trì bộ gene của mình, một con đực có thể giết chết con non không phải của mình. Ví dụ nổi bật nhất là cá heo – loài vật nổi tiếng là hiền lành, nhưng khi cần cá đực có thể tìm cách tách con non khỏi mẹ, rồi xử luôn đứa con để tiếp tục giao phối.

Giả thuyết khác được đưa ra về các sư tử đực. Khi phát hiện các gia đình khác, chúng sẽ chiến đấu với con đầu đàn. Nếu thành công, sư tử sẽ ăn luôn con nhỏ, để chứng minh sự uy dũng và thu hút sư tử cái, phục vụ quá trình sinh sản.

Sư tử đực, kẻ “ăn bám”?

Sư tử được nhiều nhà sinh vật học gọi là vua của đồng cỏ. Tiếng gầm của chúng là nỗi khiếp sợ kinh hoàng của nhiều loài động vật khác. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu để có những hiểu biết sâu sắc hơn về sư tử nhưng gần như chúng ta còn biết quá ít về loài động vật này.

Trung bình, một con sử tử đực cần đến 7kg thịt mỗi ngày, con số này ở sư tử cái là 5kg. Mặc dù ăn ít hơn sư tử đực nhưng sư tử cái lại đảm nhiệm đến 85% công việc săn mồi trong đàn. Trong khi đó nhiệm vụ chính của sư tử đực là tuần tra lãnh thổ, bảo vệ sự an toàn của cả đàn và giao phối với những con cái. 

Một con sư tử trưởng thành thường săn khoảng 15 con mồi mỗi năm. Chúng ít khi giết nhiều hơn số chúng cần, trừ khi trong đàn có những sư tử non hoặc sư tử ốm yếu. 

Sư tử là loài không giỏi chạy bền, vì thế chúng thường rình bắt con mồi ở khoảng cách khá gần (khoảng 10m) trước khi tấn công kết liễu con mồi. Chúng thường lựa chọn khoảng thời gian có ánh sáng kém trong ngày để săn mồi như sáng sớm hoặc chiều tối. Khi săn mồi, tốc độ của sư tử có thể đạt đến 130km/h. Chúng thường kết liễu con mồi bằng những cú cắn chí mạng vào hệ hô hấp của con mồi làm chúng ngạt thở. Mặc dù là loài săn mồi nhưng đôi khi, sư tử cũng ăn những xác thối rữa. 

Loài sư tử có thể sống được 14 năm trong môi trường tự nhiên và 20 năm nếu bị nuôi nhốt.

Tiếng gầm của một con sư tử có thể được nghe thấy từ cách đó 5 dặm (khoảng 8km). Một thước đo tốt về tuổi của sư tử đực là màu tối của chiếc bờm. Sư tử đực càng già, bờm của nó càng tối. Gót sư tử không chạm đất khi chúng đi bộ. Sư tử có tầm nhìn ban đêm rất tuyệt vời. Đôi mắt của chúng nhạy cảm với ánh sáng gấp 6 lần so với mắt của con người.

Người Ai Cập cổ đại đã tôn thờ sư tử như các vị thần chiến tranh của họ vì sự dữ dội, năng lực và sức mạnh của chúng. Sư tử có thể sống mà không có nước uống trong 4 ngày.

Video sư tử đực tấn công và ăn thịt báo đốm:

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.