Cảnh báo giật mình về 'sát thủ' náu mình từ nạn đốt đồng

Khói bụi mù mịt do đốt đồng gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây chiều 3/4.
Khói bụi mù mịt do đốt đồng gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây chiều 3/4.
TP - Tai nạn liên hoàn trên cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây chiều 3/4 chỉ là một trong nhiều hậu quả khôn lường do việc đốt đồng gây ra. Các nhà khoa học cảnh báo, nạn đốt đồng còn tạo ra “sát thủ” PM 2.5 trong không khí - loại bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet - có khả năng len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cơ thể, gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch, thậm chí cả ung thư và đột biến gene.

Tạo ra “sát thủ” trong không khí

Nhiều năm qua, sau mỗi vụ thu hoạch, tình trạng đốt rơm rạ, cây cỏ trên cánh đồng ở Việt Nam lại diễn ra, phổ biến đến mức Báo cáo môi trường quốc gia về không khí ghi nhận đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Theo báo cáo, hiện nay tại các vùng nông thôn, rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu. Thêm vào đó việc gia tăng số vụ canh tác hàng năm cũng làm tăng lượng rơm rạ thải ra môi trường, biện pháp chính được người dân sử dụng là đốt ngay trên đồng ruộng. Đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết sẽ tạo ra Aldehyde và bụi mịn, đó là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chỉ riêng tỉnh Thái Bình, theo tính toán của Đại học Quốc gia Hà Nội, lượng khí CO2 phát ra từ đốt rơm rạ lên tới 738,8 nghìn tấn/ năm, lượng CO thải ra môi trường lên tới 58,3 nghìn tấn.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5- vốn được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM­2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, được coi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể, gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch. Ngoài ra có thể gây ung thư và đột biến gene.

TS Tùng cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh khi đốt rơm rạ, hàm lượng bụi PM2.5 tăng đột biến trong không khí. Đáng nói, lượng bụi này không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị. “Hiện nay, một tổ chức quốc tế đang giúp Việt Nam thực hiện quan trắc để xác định việc gia tăng nồng độ các chất nguy hại trong không khí do việc đốt rơm rạ. Vài tháng nữa sẽ có kết quả. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã được báo động từ lâu”, TS Tùng nói.

Không chỉ gây ra bụi mịn, việc đốt rơm rạ còn gây ra nhiều khí độc khác dẫn đến làm gia tăng hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu. Riêng tại Việt Nam, đốt rơm rạ còn góp phần gây ra hiện tượng sương mù quang hóa, một loại ô nhiễm không khí đặc biệt do sự tương tác giữa bức xạ tia cực tím của mặt trời với khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp, khói từ cháy rừng, đốt nương rẫy theo mùa vụ. Hiện tượng sương mù quang hóa đã xuất hiện những năm gần đây, biểu hiện rõ vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng. Hiện tượng này đặc biệt rõ nét ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM  do sự cộng hưởng nhiều nguồn ô nhiễm không khí.

Ông Tùng cho biết thêm, ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ cũng là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã cấm việc đốt ngoài trời, trong đó có rơm rạ như Hồng Kông, Singapore. Nếu vi phạm, người đốt sẽ phải chịu mức phạt rất cao.

 Cần giải pháp cấp bách

Theo TS Hoàng Dương Tùng, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến vụ thu hoạch, vì vậy cần có giải pháp cấp bách để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ. Trước tiên cần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ. Cần phải sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. “Việc khuyến khích người dân chủ động không đốt rơm rạ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là việc đưa ra các chế tài xử lý”, ông Tùng chia sẻ.

Về lâu dài, theo TS Hoàng Dương Tùng cần có giải pháp thu gom, xử lý hiệu quả rơm rạ bởi đây là một nguồn sinh khối có giá trị.

Được biết hiện nay, nhiều cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân đã đưa ra giải pháp khoa học để xử lý rơm rạ. Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.

Tập đoàn Biogroup cũng nghiên cứu thành công việc sử dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã có nghiên cứu biến rơm rạ, trấu, bã mía và lõi ngô thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Nhiều địa phương cũng có nhu cầu sử dụng rơm rạ để trồng nho, làm nấm. Vì vậy, theo ông Tùng cần xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp để việc ứng dụng các giải pháp khoa học trong xử lý rơm rạ.

Ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Không ít nơi đã cấm việc đốt ngoài trời, trong đó có rơm rạ như Hồng Kông, Singapore… Nếu vi phạm, người đốt sẽ phải chịu mức phạt rất cao.

MỚI - NÓNG