Chuyên gia lên tiếng việc Hà Nội trồng cây phong lá đỏ trên phố

Hàng cây phong lá đỏ vừa được trồng trên phố Trần Duy Hưng (Hà Nội).
Hàng cây phong lá đỏ vừa được trồng trên phố Trần Duy Hưng (Hà Nội).
TP - Phong lá đỏ là giống cây rất đẹp và phù hợp với đô thị. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi lựa chọn giống phong phù hợp với điều kiện khí hậu Hà Nội bởi đây là loại cây hàn đới. Nhiều chuyên gia có ý kiến như vậy khi Hà Nội triển khai trồng giống cây này trên một số tuyến phố

Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước thành phố Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức ngày 13/1, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Đến năm 2030, Hà Nội tăng diện tích cây xanh đạt 8 m2/người và thành phố đang nỗ lực đáp ứng nguyện vọng của người dân về tăng diện tích cây xanh, mặt nước. Thời gian tới, thành phố đặt ra yêu cầu trồng mới cây xanh trên 3 tiêu chí: Đồng bộ, đồng đều và đa dạng. Cây trồng trên địa bàn thành phố không chỉ mang bóng mát, đẹp về cảnh quan mà còn phải đáp ứng ít gẫy đổ, giảm bụi, hạn chế tiếng ồn, quanh năm ra hoa. Giải pháp thành phố Hà Nội đưa ra để tăng diện tích cây xanh, mặt nước là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp.

Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết thêm, với sự phát triển của ngành công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng khí hậu lạnh có thể trồng được ở Việt Nam. Thành phố Hà Nội đang trồng cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Trần Duy Hưng. “Một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ, và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu”, ông Chung thông tin.

Trước thông tin về cây phong lá đỏ được trồng tại Hà Nội, rất nhiều người dân Thủ đô đã tỏ ra bất ngờ. Trên tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), cách đây vài ngày, hàng trăm cây phong lá đỏ có đường kính khoảng 25cm đã được đánh chuyển để trồng tại đây. Loại cây thuộc xứ lạnh này cũng được trồng ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh trên khoảng đất dải phân cách.

Bà Nguyễn Thị Mận (cư dân của chung cư trên đường Nguyễn Chí Thanh) chia sẻ, khi biết tin Hà Nội trồng cây phong lá đỏ trên phố thì bà và cư dân quanh đây đều rất phấn khởi. “Tôi đã từng đi Hàn Quốc, mỗi mùa cây thay lá, lá phong đỏ đem lại khung cảnh hết sức đẹp mắt”, bà Mận nói. Ngoài bày tỏ sự ủng hộ, một số người dân tại khu vực này cũng bày tỏ mong muốn, Hà Nội sẽ chọn được một loại cây đô thị phù hợp, không mắc lại “sai lầm hoa sữa” trên phố Nguyễn Chí Thanh trước đây.

Đại diện Cty TNHH TM Đ.L (đơn vị nhập khẩu nhiều loại cây xanh đô thị) cho biết, cây phong lá đỏ có hàng trăm loại khác nhau như: Phong Triều đỏ, phong San hô… là loại cây phát triển nhanh và được sử dụng làm cây đô thị ở nhiều nước. Về câu hỏi cây phong có sống được ở đường phố Hà Nội, vị này khẳng định: “Chúng tôi đang bán rất nhiều cây phong Nhật trên thị trường, nên có thể nói nhiều loại sống được ở điều kiện khí hậu miền Bắc”. Được biết, giá cây phong tùy thuộc chủng loại và kích thước, cây nhỏ trong chậu có giá từ 500 – 700 ngàn đồng/cây, có loại cây to trưởng thành giá trên 10 triệu đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông nhận thấy bên đó trồng bạt ngàn cây phong lá đỏ. Trong đó có các tỉnh như: Nam Ninh, Vân Nam… những nơi cách Việt Nam không bao xa và có một số kiểu thời tiết tương đồng. Phải nói đây là loại cây đã được trồng thử nghiệm trong đô thị và tạo cảnh quan tốt. Cây rất phù hợp đô thị bởi chiều cao hợp lý (khoảng 5 – 6m), đường kính vừa phải, thân cây to nhất chỉ khoảng 30 phân, tán ngang rất đẹp. Có 2 thời điểm đẹp nhất của cây phong, đó là khi cây đâm chồi, ra lá, hàng loạt màu xanh mướt mắt nhìn rất đẹp. Thời điểm thứ 2 là khi lá già, ngả màu đỏ thì hàng loạt chuyển màu cũng vô cùng bắt mắt, cây có độ đồng đều rất cao. “Tôi chưa biết cây phong Hà Nội định trồng cụ thể là loại gì nhưng chắc chắn phải là những loài phong đã được thuần hóa chứ không phải cây mang từ Canada về. Nếu trồng được sẽ mang lại vẻ đẹp mới lạ cho Thủ đô”, ông Nguyễn Lân Hùng nói.

Trong khi đó, cũng có một số ý kiến bày tỏ lo ngại liên quan đến khả năng sống của cây phong lá đỏ, chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Quang Lâm cho rằng, trước đây chúng tôi đã từng thử nghiệm trồng một số cây phong từ Nga về nhưng đều không sống được. Nếu có giống cây phong phù hợp cũng cần phải trồng thử nghiệm ở vườn ươm để thử khả năng chống chịu. Bên cạnh đó, khi trồng cần lưu ý đến đất trồng, cần là loại đất tốt, đào hố sâu để đất giữ rễ. Cây phong cũng không ưa nắng gắt nên phải trồng xen canh cây khác để tránh nắng gắt trực tiếp mùa hè…

Trao đổi với báo chí, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết, cần phải xem cây phong sống ra sao trong mùa hè bởi đây là dòng cây ưa lạnh. Nếu trồng được thì cũng cần bơm tưới nước liên tục để giảm nóng cho cây, công chăm sóc có thể sẽ nhiều hơn các loài cây đô thị khác.

MỚI - NÓNG