'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng

TPO - Cuộc khai quật tại Boxgrove, Sussex (Anh) đã giúp các nhà khảo cổ học phát hiện được những đầu mối để giải mã bí ẩn về một loài người cổ đại đã tuyệt chủng, qua... "lò mổ" ngựa.

Không phải đến hiện tại thịt ngựa mới được biết đến là một món ăn bổ dưỡng. Kết quả cuộc khai quật tại di chỉ Boxgrove, Sussex (Anh) vừa được công bố, đã giúp các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng thịt ngựa là món ăn "khoái khẩu" của người nguyên thủy, thậm chí là của một giống người đã tuyệt chủng.

"Ngon từ thịt, ngọt từ xương"

Boxgrove, Sussex là quê hương của những người Anh cổ đại đầu tiên. Qua cuộc khai quật di chỉ ở đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hóa thạch được cho là "những gì ít ỏi còn lại của một con ngựa cái", qua đó cho thấy người nguyên thủy ở Anh cách đây 480.000 năm đã giết mổ và ăn thịt ngựa.

Theo các nhà khảo cổ học, các dấu vết để lại cho thấy có khoảng 40 người thuộc loài Homo heidelbergensis đã "xử lý" sạch sẽ con ngựa ở "lò mổ" tại vùng đầm lầy ven biển.

Những người tiền sử này đã không bỏ thừa một phần nào của con ngựa từ thịt, mỡ, nội tạng tới cả những gì bên trong dạ dày ngựa. Thậm chí, họ còn dùng đá đập phần xương của con ngựa để hút hết mỡ và tuỷ.

Homo heidelbergensis (người Heidelberg) là một loài đã tuyệt chủng hoàn toàn trong chi Homo. Những người nguyên thủy thuộc chủng Heidelbergensis tiến hoá lần đầu tiên ở châu Phi, sau đó di cư đến châu Âu khoảng nửa triệu năm trước. Loài người này khác với loài người hiện nay sống trên Trái Đất.

'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng ảnh 1 Cuộc khai quật tại di chỉ Boxgrove, Sussex (Anh)
'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng ảnh 2
Tiến sĩ Matthew Pope, chỉ đạo dự án khảo cổ, cho biết: “Đây là một cơ hội đặc biệt hiếm có để nghiên cứu một di chỉ bị bỏ lại bởi một loài người đã tuyệt chủng. Họ đã tập hợp lại để xử lý toàn bộ xác của một con ngựa ở vùng đầm lầy ven biển.

Chúng ta có thể thấy xương của con ngựa cái này đã bị đập nát hoàn toàn. Không chỉ thế, những người này đã ăn sạch cả phần não và lưỡi của con ngựa.”

Mổ ngựa tìm... rau

Ông Matthew Pope cũng cho biết thêm rằng những người nguyên thủy có lẽ đã mổ phanh cả phần dạ dày con ngựa và “khoắng” sạch tất cả những gì bên trong vì đây có thể là một nguồn chất xơ đầy dinh dưỡng.

“Ở thời điểm đó có lẽ rất khó để tiếp cận với các nguồn thực vật chất lượng. Những loại rau có thể ăn được thì không có sẵn quanh năm.”, theo tiến sĩ Pope.

“Đây cũng là một trong những cách lấy đủ dinh dưỡng phổ biến với những người dân sống ở vùng khí hậu khắc nghiệt. Ở những nơi không thể trồng trọt, người ta có thể lấy các chất dinh dưỡng từ dạ dầy động vật.”, tiến sĩ Pope bổ sung, “Con người không thể trực tiếp ăn cỏ nhưng có thể ăn một cách gián tiếp qua dạ dầy động vật.”

'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng ảnh 3
'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng ảnh 4 Theo các nhà khảo cổ học, các dấu vết để lại cho thấy có khoảng 40 người thuộc loài Homo heidelbergensis đã "xử lý" sạch sẽ con ngựa ở "lò mổ"  tại vùng đầm lầy ven biển.

Chế tác công cụ từ xương ngựa

Thịt ngựa không chỉ là một nguồn thực phẩm đầy dinh dưỡng với người cổ đại – mà theo những phân tích chi tiết về xương, một phần của bộ xương ngựa này đã được chế tạo thành các công cụ hỗ trợ việc tạo ra công cụ sản xuất.

Cũng tại cuộc khai quật kể trên, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những công cụ bằng xương ngựa có tuổi đời 500 nghìn năm.

Simon Parfitt, một thành viên khác thuộc nhóm khảo cổ cho biết: “Đây là những công cụ không phải bằng đá cổ xưa nhất trong lịch sử tiến hoá của loài người.”

“Những công cụ này rất cần thiết cho việc chế tạo những con dao bằng đá lửa tinh xảo mà chúng tôi tìm thấy trong khu di chỉ Boxgrove này.”, theo ông Parfitt.

'Lò mổ' ngựa tiết lộ bí mật của loài người tuyệt chủng ảnh 5 Một công cụ bằng xương ngựa được cho là cổ xưa nhất trên thế giới.

Tiến sĩ Silvia Bello, từ bảo tàng Lịch sử tự nhiên, đánh giá những phát hiển khảo cổ kể trên, cung cấp thêm những thông tin quý giá về các cư dân Anh quốc đầu tiên trong lịch sử.

“Phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy loài người cổ đại đã hiểu được đặc tính của những vật liệu hữu cơ khác nhau và cách tận dụng chúng để chế tạo công cụ giúp cải thiện việc sản xuất và săn bắn,” bà Bello nói.

“Ngoài dấu tích của việc mổ ngựa một cách cẩn thận và những tương tác xã hội phức tạp thể hiện bởi các mẫu trang trí trên đá, những bằng chứng về công cụ bằng xương này chứng minh rằng những cư dân đầu tiên ở Boxgrove này có cả nhận thức xã hội lẫn văn hoá.”, bà Bello nhận định.

Homo heidelbergensis ("người Heidelberg”) là một loài đã tuyệt chủng trong chi Homo, loài này có thể là tổ tiên cùng nhánh của Homo neanderthalensis ở châu Âu và Homo sapiens.

Chủng homo heidelbergensis sống ở châu Âu, cách đây khoảng 650.000 – 300.000 năm, ngay trước loài Neanderthal.

Chủng homo heidelbergensis có nhiều đặc điểm tương đồng với cả loài người hiện đại (homo sapiens) và người đứng thẳng (homo erectus). Tuy nhiên, người Heidelberg có lông mày đặc biệt lớn, hộp sọ to và xương mặt phẳng hơn nhiều so với những loài người cổ đại khác.

Đây là chủng người đầu tiên sống ở vùng khí hậu lạnh. Để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt và để giữ nhiệt cho cơ thể, người Heidelberg có một tấm thân ngắn và rộng.

Người Heidelberg là loài đầu tiên biết kiểm soát lửa và sử dụng giáo bằng gỗ để săn bắt những con động vật to lớn. Ngoài ra, những người tiền sử này cũng khai phá nhiều vùng đất mới, “tiên phong” cho việc xây dựng những nơi trú ẩn cũng như những căn nhà đơn giản từ gỗ và đá.

Theo Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.