'Mổ bụng' quái thú Kỷ Băng Hà, phát hiện sinh vật kỳ lạ

TPO - Qua nghiên cứu ADN, các nhà khoa học phát hiện "món ăn" cuối cùng của sinh vật được cho là chó sói từ thời Kỷ Băng Hà, là một con tê giác lông mượt-loài vật đã tuyệt chủng cách đây 14.000 năm.

Theo hãng tin CNN, những nhà khoa học Nga vừa khai quật xác ướp một sinh vật kỳ lạ – được cho là chó hoặc chó sói cổ đại, sống cách đây 14.000 năm từ thời kỷ Băng hà - tại Tumat, Siberia (Nga) năm 2011.

Điều đáng nói là xác ướp của sinh vật ở Kỷ Băng hà này được bảo quản một cách hoàn hảo, thậm chí "thức ăn" trong bụng của sinh vật này cũng được giữ nguyên vẹn.

Khi tiến hành phân tích, các nhà khoa học phát hiện một mảng mô đặc biệt có dính lông chưa được tiêu hoá trong ruột của sinh vật kể trên. Ban đầu các nhà khoa học cho rằng, mảng lông này thuộc về một con sư tử núi vì phần lông có màu vàng, sợi mảnh.  Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN khiến cho các chuyên gia tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Stockholm hết sức bất ngờ.

“Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy mảng mô này không thuộc về một con sư tử núi”, Love Dalen, giáo sư di truyền học tiến hoá thuộc Trung tâm Cổ sinh vật Di truyền – đơn vị liên kết giữa Đại học Stockholm (Thuỵ Điển) và Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển, chia sẻ với CNN.

“Chúng tôi có một cơ sở dữ liệu để tham chiếu. Kết quả sau khi kiểm tra ADN thật bất ngờ. Mẫu ADN của mảng mô hoàn toàn trùng khớp với tê giác lông mượt thời cổ đại”, Dalen giải thích.

'Mổ bụng' quái thú Kỷ Băng Hà, phát hiện sinh vật kỳ lạ ảnh 1 Xác ướp sinh vật được cho là chó hoặc chó sói cổ đại được bảo quản gần như nguyên vẹn ở vùng băng giá Siberia, Nga.
'Mổ bụng' quái thú Kỷ Băng Hà, phát hiện sinh vật kỳ lạ ảnh 2
“Xác ướp chó sói có niên đại khoảng 14.000 năm, trong khi loài tê giác lông mượt đã tuyệt chủng trước đó. Vì vậy, nhiều khả năng con tê giác bị ăn thịt là một trong những con cuối cùng còn sót lại”, giáo sư di truyền học tiến hoá tại Trung tâm Palaeogenetics nhận định.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa lý giải được bằng cách nào chó sói có thể ăn thịt được con tê giác cổ đại có thân hình to hơn nó rất nhiều lần.

Edana Lord, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Cổ sinh vật học, đồng tác giả công trình nghiên cứu về sự biến mất của loài tê giác lông mượt, chia sẻ với CNN rằng, tê giác cổ đại có kích thước tương đương, thậm chí lớn hơn loài tê giác trắng ngày nay.

'Mổ bụng' quái thú Kỷ Băng Hà, phát hiện sinh vật kỳ lạ ảnh 3 Mảng mô bên trong ruột chó sói từ thời Kỷ Băng Hà.
'Mổ bụng' quái thú Kỷ Băng Hà, phát hiện sinh vật kỳ lạ ảnh 4 Tê giác lông mượt đã tuyệt chủng từ hơn 14.000 năm trước.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định chó sói cổ đại đã chết ngay sau khi ăn thịt tê giác lông mượt.

“Con chó sói cổ đại chết ngay sau khi ăn thịt tê giác vì thức ăn vẫn còn trong ruột của nó. Chúng tôi chưa xác định được đây là một con chó sói non hay trưởng thành. Nhiều khả năng, con sói non tình cờ tìm thấy xác tê giác cổ đại, hoặc một con chó sói trưởng thành đi cùng nó đã xé xác con tê giác con. Và trong lúc chúng đang đánh chén con mồi, chó sói đã bị tê giác mẹ tấn công để báo thù”, Dalen đưa ra phỏng đoán.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.