Nhà nghèo khó “chơi” siêu xe CNG

Lắp ráp xe buýt CNG tại nhà máy SAMCO Củ Chi (TPHCM)
Lắp ráp xe buýt CNG tại nhà máy SAMCO Củ Chi (TPHCM)
TPO - Hiệu quả xe buýt sạch chạy bằng khí nén thiên nhiên (xe buýt CNG) đem lại đã được chứng minh sau thời gian thử nghiệm song đến nay mới có khoảng 200 xe được sử dụng ở TPHCM mà rào cản lớn nhất là cơ chế chính sách và đầu tư hạ tầng trạm nạp nhiên liệu.

Tiết kiệm gần 1 tỷ đồng/năm

Đại diện Công ty TNHH MTV Xe Khách Sài Gòn (Saigonbus) cho biết từ năm 2011, UBND TPHCM đã cho phép Saigonbus đầu tư mới 21 xe buýt CNG nhập khẩu từ Hàn Quốc. Kết quả hoạt động cho thấy trung bình một xe tiêu thụ 39,56 kg khí CNG/100km.

Sau một năm chạy thử nghiệm, kết quả khảo sát của Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM trên 3/21 xe, cho thấy xe buýt CNG tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng (khoảng 23% chi phí nhiên liệu) so với xe chạy dầu diesel trên cùng cự ly. Như vậy, mỗi xe CNG tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, so với động cơ xăng và dầu diesel, sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%. Xe không thải khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để. 

Theo khảo sát, đo đạc của một số chuyên gia giao thông, xe buýt CNG có mức độ tiếng ồn thấp hơn 4-9dB so với xe buýt chạy dầu diesel. Các lượng khí phát thải CO2, NOx, HC giảm từ 53-63%, giúp giảm ô nhiễm môi trường không khí.

Theo Trung tâm khoa học công nghệ và môi trường giao thông - Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, kết quả thí điểm 21 xe buýt CNG chạy tuyến số 1 (Bến Thành - chợ Bình Tây) cho thấy giảm tổng lượng phát thải các chất độc hại là 39,30 tấn/năm so với xe buýt chạy diesel.

Nếu toàn TP.HCM sử dụng xe buýt CNG thay cho xe buýt diesel thì giảm được 5.109,61 tấn/năm chất độc hại phát tán vào môi trường.

Từ kết quả tích cực này và hướng đến việc phát triển hệ thống giao thông xanh, năm 2013 UBND TPHCM đã phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt CNG và giao cho Tổng công ty SAMCO triển khai với mục tiêu thay thế dần các xe buýt đã xuống cấp.

Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tại TP.HCM có khoảng 3.000 xe buýt vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách/ngày, đa số là xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel được đầu tư trong giai đoạn 2002 – 2005 đến nay nên tiêu chuẩn khí thải rất thấp và đã xuống cấp trầm trọng. 

Nhà máy ô tô Củ Chi thuộc SAMCO được bố trí làm nhà máy sản xuất và lắp ráp xe buýt CNG với sự hỗ trợ tư vấn, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia cao cấp đến từ tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc).

Rào cản khiến nhà nghèo thót tim

Ngày 1/3/2016, 23 chiếc xe buýt CNG đầu tiên của đề án 300 xe buýt CNG đã được SAMCO bàn giao cho HTX Vận tải 19/5 đưa vào vận hành trên tuyến buýt số 33 giữa Đại học Quốc gia và bến xe An Sương.

Theo lãnh đạo SAMCO, để thực hiện thành công đề án, doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, lắp ráp theo công nghệ tiên tiến nhất của hãng Huyndai (Hàn Quốc) nhằm sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu

Tuy nhiên, sau gần 7 năm kể từ ngày thí điểm, đến nay tại TPHCM mới có khoảng 200 xe buýt CNG được đầu tư, đưa vào khai thác, chiếm khoảng 7% so với tổng số xe buýt đang hoạt động.

Đầu tháng 3/2016, đã có 23 xe buýt CNG của đề án 300 xe được Hợp tác xã vận tải 19 tháng 5 (19/5) đưa vào khai thác trên tuyến Đại học Quốc gia TPHCM - Bến xe An Sương.

Một số xã viên HTX 19/5 cho biết cơ chế, chính sách là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp (DN), xã viên ngần ngại đầu tư xe buýt CNG. Cụ thể: TPHCM tính trợ giá cho xe CNG bằng 50% giá khoán (tương đương với xe buýt thường). Tiền trợ giá, lãi suất ưu đãi phải sau 1 năm hoạt động, các DN, xã viên mới được nhận, không đủ bù so với chi phí đã bỏ ra.

Trong khi đó, chi phí đầu tư một chiếc xe CNG là 2,75 tỷ đồng. Tính ra, bình quân mỗi tháng, người mua xe phải bỏ ra 35 triệu đồng mới đủ trả vốn và lãi vay ngân hàng trong vòng 7 năm. Xã viên các hợp tác xã hầu hết đều không có tiềm lực về tài chính nên rất hồi hộp khi đầu tư mua xe buýt CNG.

Đại diện HTX 19/5 còn cho biết việc lắp đặt bộ chuyển đổi từ chạy dầu diesel sang CNG rất khó vì hầu hết xe buýt đang hoạt động tại TPHCM đều có tuổi thọ hơn 10 năm, không phù hợp để chuyển đổi.

Theo ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tỉnh này cũng rất muốn chuyển đổi sang sử dụng xe buýt CNG. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cty Sonadezi trình UBND tỉnh đề án xin đầu tư 550 xe CNG từ năm 2011. Đề án đã được trình nhiều lần nhưng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu chính sách hỗ trợ của Trung ương và thiếu cơ chế hỗ trợ vay vốn mua xe.

Theo tính toán của lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai, sử dụng xe buýt CNG góp phần vào cải tạo môi trường nên cần phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và xã viên đầu tư mua xe.

Với giá xe khoảng 2,75 tỷ đồng/chiếc, nhà nước và tỉnh hỗ trợ cho DN khoảng 1 tỷ đồng, chủ xe bỏ ra 1,75 tỷ đồng/chiếc thì mới khuyến khích đầu tư xe buýt CNG, nếu không có cơ chế, các DN không đủ lực để làm” - ông Quang cho biết.

Không chỉ gặp rào cản về chính sách, những bất cập trong phân bổ các trạm cấp khí CNG ở TPHCM khiến các doanh nghiệp, xã viên xe buýt nản lòng.

(còn tiếp) 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.