Nhiều nơi tổ chức quan sát nhật thực siêu đẹp cuối cùng của thập kỷ

Các bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh quan sát nhật thực ngày 26/12/2019. Ảnh: Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TPHCM.
Các bạn trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh quan sát nhật thực ngày 26/12/2019. Ảnh: Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TPHCM.
TPO - Nhiều câu lạc bộ, đài thiên văn trên cả nước sẽ tổ chức quan sát nhật thực một phần diễn ra vào Chủ Nhật tuần này. Đây được coi là lần nhật thực siêu đẹp mà Việt Nam có thể quan sát tốt, phải chờ đến 11 năm sau, chúng ta mới lại có cơ hội chiêm ngưỡng.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết sẽ tổ chức chương trình quan sát đặc biệt dành cho sự kiện hiếm có này. Cụ thể, tại Đài thiên văn lớn nhất cả nước đặt tại Hòa Lạc, Trung tâm sẽ tổ chức chương trình quan sát nhật thực với nhiều nội dung thú vị như tìm hiểu về hiện tượng nhật thực, xem chiếu hình mô phỏng bầu trời và phim khoa học, quan sát nhật thực bằng kính thiên văn cá nhân và thi phóng tên lửa nước. Dự kiến sự kiện diễn ra từ 9h00-16h Chủ Nhật, ngày 21/6.

Nhiều nơi tổ chức quan sát nhật thực siêu đẹp cuối cùng của thập kỷ ảnh 1Nhật thực một phần ngày 21/6 là cơ hội hiếm hoi để người dân Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc có thể quan sát nhật thực. 

Tại Đài thiên văn Nha Trang đặt tại đồi Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nơi quan sát thiên văn tốt nhất cả nước, ban quản lý cũng tổ chức chương trình quan sát thiên văn đặc biệt với nhiều nội dung.

Cụ thể, người tham dự sẽ được hướng dẫn quan sát nhật thực cách tính khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng (20 phút), quan sát nhật thực và chụp ảnh pha nhật thực cực đại (90 phút), tìm hiểu về Mặt Trăng (40 phút), xem chiếu hình mô phỏng bầu trời và phim khoa học (40 phút), thực hành quan sát trên Đài thiên văn, quan sát ngoài trời bằng 8 kính thiên văn cá nhân (60 phút). Thời gian dự kiến diễn ra từ 13h30 - 20h00 Chủ Nhật ngày 21/6.

Tại Đà Nẵng, Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng tổ chức quan sát nhật thực từ 13h-16h ngày 21/6 tại Công viên Biển Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Tại TPHCM, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức quan sát tập trung Nhật thực một phần và tiến hành hai thực nghiệm bên dưới tại bến Bạch Đằng, Quận 1, từ 11h30 tới 15h00 ngày 21/06/2020.

Nhật thực diễn ra vào ngày 21/6 tới đây là sự kiện thiên văn “siêu hiếm”, đáng mong chờ nhất của năm 2020. Lộ trình của nhật thực sẽ bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc trước khi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương. Pha nhật thực một phần có thể quan sát được ở phần lớn Đông Phi, Trung Đông và Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trái với lần nhật thực một phần tháng 12 năm ngoái, lần này người dân phía Bắc nước ta sẽ quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn người phía Nam. Cụ thể, tỉ lệ che phủ cao nhất là 79% (Hà Giang) và thấp nhất là 27% (Cà Mau).

Tại Hà Nội, nhật thực một phần bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14:55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào 16:18. Tại Đà Nẵng, nhật thực một phần bắt đầu lúc 13:30, đạt cực đại lúc 15:04 với tỷ lệ che phủ là 56%. Tại TPHCM bắt đầu từ 13:37, đạt cực đại lúc 15:05 với tỷ lệ che phủ chỉ đạt 36%, kết thúc vào 16:18.

Nhiều nơi tổ chức quan sát nhật thực siêu đẹp cuối cùng của thập kỷ ảnh 2Các bạn trẻ Đà Nẵng quan sát nhật thực một phần vào 26/12/2019. Ảnh: Thiên văn Đà Nẵng. 

Sau lần nhật thực này, người Việt Nam phải đợi đến năm 2023 mới lại quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Tuy nhiên, nhật thực ngày 20/4/2023 gần như không đáng kể khi ở nước ta Mặt Trời chỉ bị che khuất tối đa 5%.

Hai lần nhật thực một phần vào năm 2027 và năm 2028 cũng không đáng chú ý vì tỉ lệ che phủ rất thấp, chỉ đạt lần lượt 15% và 30%.

Phải đến năm 2031, chúng ta mới lại thấy một lần nguyệt thực thú vị khi có nơi ở Việt Nam quan sát được tỉ lệ che phủ lên tới 80%.

Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời cho những người muốn chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này.

Các chuyên gia khuyến cáo, không thể quan sát nhật thực bằng mắt thường hoặc sử dụng các loại kính râm, kính chống nắng thông thường vì tia cực tím cường độ cao có thể gây hại cho mắt. Cũng không sử dụng các thiết bị quan sát như ống nhòm hoặc kính thiên văn nếu chưa gắn kính lọc phù hợp, vì ánh sáng Mặt Trời hội tụ có thể đốt cháy võng mạc chỉ trong tích tắc.

Có thể quan sát nhật thực gián tiếp bằng nhiều cách khác nhau hoặc mua kính lọc chuyên dụng quan sát nhật thực.

MỚI - NÓNG