Quy hoạch phát triển đô thị ven sông Hồng vướng tại đâu?

Toàn cảnh khu dân cư ven sông Hồng, trung tâm quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Ý.
Toàn cảnh khu dân cư ven sông Hồng, trung tâm quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Ý.
TP - UBND thành phố Hà Nội vừa có cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT liên quan tới quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, quy hoạch phát triển kinh tế là một nhu cầu không thể thiếu và Hà Nội hoàn toàn đủ nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, do chưa được chấp thuận từ các cơ quan trung ương, nên Quy hoạch tiếp tục chậm. 

Đề xuất cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Ngày 12/10, đoạn đê Hữu Bùi vỡ đã khiến nhiều thôn của ba xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ và Nam Phương Tiến của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chìm trong nước lũ, một số nơi bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng tại địa bàn xã Tân Tiến, nước lũ đã cô lập khoảng 1.000 hộ dân, hàng trăm hécta hoa màu, thủy sản mất trắng, hàng vạn con gia cầm, gia súc bị chết. Ước tính ban đầu, thiệt hại đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Thực tế này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ cho từng tuyến sông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, Quy hoạch chi tiết của thành phố Hà Nội đang tiếp tục chậm, chờ xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT).

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, dự định Quy hoạch phòng chống lũ thành phố Hà Nội sẽ được đưa vào nội dung trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia, ban ngành liên quan vẫn chưa đồng ý với một số đề xuất đặc thù cho Hà Nội nên Quy hoạch vẫn tiếp tục được chỉnh sửa cho phù hợp.

Theo nội dung đề xuất của Hà Nội, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cho phép nạo vét 8 bãi dọc bờ tả và bờ hữu sông Hồng; căn cứ kết quả tính toán mô hình thủy lực hai chiều trên vùng bãi sông Hồng, sông Đuống, đề xuất di dời 2.204 hộ dân sinh sống ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, lòng sông co hẹp và có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra lũ lớn...

Bên cạnh đó, Hà Nội đề xuất xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan - Đại Độ, Tầm Xá - Xuân Canh, Chương Dương - Xuân Quan... Các tuyến đường sẽ được làm với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị rộng 50m, nối cả đến những vùng bãi chưa phát triển.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, đại đa số ý kiến đồng tình với phương án Quy hoạch. Một bộ phận người dân có mong muốn tăng tỷ lệ diện tích đất bãi sông được phép xây dựng công trình hạ tầng. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở khẳng định: “Khu vực qua trung tâm sẽ được những ưu tiên, nhưng ưu tiên cỡ nào để đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống thì là vấn đề cần cân nhắc”.

Đảm bảo an toàn cho dân cư

Tại buổi họp giữa UBND thành phố Hà Nội với Bộ NN&PTNT liên quan tới quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn ngày 31/10, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã cho biết, việc sử dụng khu vực bãi sông để phát triển kinh tế là một nhu cầu không thể thiếu của các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Khai thác tiềm năng các con sông, đặc biệt là sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm của Thủ đô là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Đồng thời khẳng định, Quy hoạch sự đồng tình của 6 bộ và 8 tỉnh lân cận Hà Nội, tuy vậy, vẫn còn ý kiến bày tỏ băn khoăn. PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho rằng: Theo quy hoạch sẽ có 8 vùng bãi sông được nạo vét nhằm tăng lưu lượng dòng chảy thoát lũ.

Tuy nhiên,  việc nạo vét lòng sông có thể ảnh hưởng tới khả năng lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi trong đê. Một số chuyên gia cùng quan điểm, Thủ đô cần được ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên cần tính toán kỹ lưỡng đến mức độ an toàn cho khu dân cư đông đúc, trung tâm nội đô.

Đánh giá về quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng thẳng thắn: “Trong kết quả rà soát, có nhiều điểm chưa thống nhất; và những vấn đề Hà Nội đặt ra, Bộ cũng chưa có thời gian xem xét kỹ lưỡng”. 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số chi tiết phù hợp với đặc thù của Hà Nội. “Khi Thủ tướng đồng ý cho phép Hà Nội điều chỉnh thì Bộ NN&PTNT mới có thể có ý kiến… trước mối đe dọa ngày một lớn của thiên tai, Hà Nội cần tính toán kỹ và phải rất cẩn trọng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, đây là vấn đề lớn, khi triển khai cần hết sức thận trọng. Quy hoạch phải được tính toán kỹ lưỡng để tạo thuận lợi cho việc triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, bảo đảm tính khả thi cao và bảo vệ được số dân cư hiện hữu hai bên bờ sông Hồng.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến đóng góp để bổ sung vào quy hoạch. Trên cơ sở đó, nghiên cứu toàn diện, tính toán kỹ lưỡng để quy hoạch khả thi nhất. Ông Chung cho biết thêm, Hà Nội hoàn toàn có đủ nguồn lực thực hiện, quan trọng nhất là cần có quy hoạch. “Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Quyết định số 257 mà Hà Nội hướng tới là bảo vệ vùng dân cư hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị ven sông”, ông Chung nói.

“Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Quyết định số 257 mà Hà Nội hướng tới là bảo vệ vùng dân cư hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị ven sông”.

Chủ tịch UBND thành phố

Nguyễn Đức Chung

 

Hà Nội đề xuất di dời khoảng 1.900 hộ dân. Diện tích sử dụng bãi sông khoảng 4.568ha, 20 bãi và việc xây dựng sẽ có giới hạn.  Tổng kinh phí cần thiết để triển khai quy hoạch phòng chống lũ là 56.904 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG