Sẽ phục chế tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm mất năm 1967?

Sẽ phục chế tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm mất năm 1967?
TPO - Theo ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, thời gian tới, sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án trùng tu, phục chế mẫu vật cụ rùa mất năm 1967.

Sau lễ bàn giao mẫu vật cụ rùa cuối cùng của Hồ Gươm vào ngày 16/3, Đền Ngọc Sơn đang trưng bày hai mẫu vật rùa Hoàn Kiếm tại phòng tả của đền. Một mẫu vật nữa là tiêu bản rùa Hoàn Kiếm mất năm 1967.

Tại lễ bàn giao mẫu vật cụ rùa cuối cùng, ông Dương Đức Tuấn hé lộ thông tin, thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (đơn vị bảo quản, chế tác cụ rùa cuối cùng) và Sở Văn hóa Thể thao; Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án trùng tu, phục chế mẫu vật rùa Hoàn Kiếm mất năm 1967. Mục đích của việc phục chế là bảo quản và trưng bày lâu dài cùng với mẫu vật cụ rùa mới được bàn giao.

Cụ rùa 1967 được ghi nhận mất vào 2/6/1967 với kích thước khổng lồ dài 2,1m, bề rộng của mai là 1,2m, cao 0,3m và nặng 250kg. Mẫu vật sau đó được làm tiêu bản và được trưng bày tại phòng bên tả của đền Ngọc Sơn.

Cụ rùa cuối cùng của hồ Gươm được làm theo công nghệ nhựa hóa, công nghệ bảo quản hiện đại nhất thế giới với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn).

Mẫu vật cụ rùa được giới thiệu với người dân thủ đô từ 15/3 và nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao. Theo PGS.TS Hà Đình Đức, người gắn bó nhiều năm với rùa Hoàn Kiếm, mẫu vật cụ rùa giữ nguyên được thần thái cụ rùa khi còn sống, chân thực, giống với tự nhiên.

MỚI - NÓNG