Than phiền vì phải nộp ảnh cho nhà mạng

Trước 24/4/2018, các chủ thuê bao phải cập nhật hình chân dung và thông tin CMND, nếu không cập nhật đủ thông tin, sẽ bị cắt dịch vụ. Ảnh: P.V.
Trước 24/4/2018, các chủ thuê bao phải cập nhật hình chân dung và thông tin CMND, nếu không cập nhật đủ thông tin, sẽ bị cắt dịch vụ. Ảnh: P.V.
TP - Nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu phải bổ sung thông tin cá nhân, ảnh chân dung trước 24/4, nếu không sẽ bị chặn liên lạc một chiều, bà Lê Thị Hoa ở Lập Thạch, Phú Thọ rất hoang mang vì không biết bổ sung ảnh chân dung như nào.

60 ngày không nộp ảnh chân dung sẽ mất số liên lạc

Bà Hoa chia sẻ, số điện thoại này do con trai đang làm việc ở Hà Nội mua rồi lắp vào điện thoại cho bà. Mọi hoạt động giao dịch, kể cả nạp tiền điện thoại cũng do con trai làm giúp. Từ trước đến nay bà vẫn nghe gọi bình thường, nay dọa sẽ cắt liên lạc một chiều nếu không gửi ảnh chân dung khiến bà Hoa không biết làm thế nào. “Con trai tôi đang ở xa, tôi lại bị bệnh khớp, chẳng mấy khi ra khỏi xóm chứ đừng nói đến lên thị trấn. Mà tôi cũng không biết cửa hàng ở đâu để đến”, bà Hoa lo lắng.

Tương tự bà Hoa, ông Hải, hàng xóm gần nhà cũng khá hoang mang khi nhận được tin nhắn của nhà mạng Viettel. Sành điện thoại hơn bà Hoa, ông Hải gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel thì được biết nếu trường hợp không đến điểm giao dịch được thì sẽ có nhân viên địa bàn của Viettel đến nhà thu trực tiếp hoặc gửi hình ảnh qua ứng dụng My Viettel. Tuy nhiên, ông Hải bảo không biết ai là nhân viên địa bàn, cũng không rõ phải liên lạc như thế nào, còn mấy cái ứng dụng mà cô nhân viên chăm sóc khách hàng nói thì ông không hiểu gì. Hơn nữa, chứng minh thư của ông bị mất, đang trong quá trình làm lại nên có đến cửa hàng cũng không có gì để mang theo. Trong khi đó, nhà mạng lại dọa sẽ cắt liên lạc của ông.

Mấy ngày nay, thông tin nhà mạng dọa cắt liên lạc một chiều nếu người dùng không bổ sung thông tin cá nhân, cập nhật ảnh chân dung khiến nhiều người lo lắng. Theo các nhà mạng, việc làm này nhằm thực hiện theo quy định của Nghị định 49/2017.  Cụ thể, Nghị định 49 quy định, với thuê bao đăng ký thông tin không chính xác sẽ phải thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao gồm số thuê bao, hình thức thanh toán, họ và tên nhân viên giao dịch, các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày. Thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Thuê bao sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Đối với các số thuê bao đã bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, nhà mạng có quyền cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu.

Vì sao khách hàng phải nộp ảnh chân dung? Đại diện Cục Viễn thông từng lý giải, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như bảo vệ quyền lợi người mỗi người dân. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử như  Mỹ, Đức, Nhật. Một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh còn yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao. Trong khi đó, tại Việt Nam,  tính đến năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.

Tuy nhiên, Cục Viễn thông cũng thừa nhận, đây là một qui định mới mà có thể bước đầu một số người có thể phản ứng vì nói rằng có liên quan đến quyền riêng tư.

Các nhà mạng nói gì?

Theo đại diện của nhà mạng Vinaphone, để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21h00 hàng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận và giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao.

Trước câu hỏi của phóng viên: Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nhà mạng sẽ phải thực hiện thu ảnh chân dung theo 3 cách thức gồm đến gặp trực tiếp khách hàng, tổ chức các điểm lưu động tại các khu dân cư và khách hàng đến các điểm giao dịch. Tuy nhiên trong tin nhắn của mình, Vinaphone yêu cầu khách hàng đến trực tiếp cửa hàng, liệu có làm khó cho khách hàng? VinaPhone cho biết, đến cửa hàng là cách để khách hàng có thể cập nhật nhanh nhất, tiện nhất. Ngoài ra VinaPhone cũng có các kênh hỗ trợ khác như thành lập các tổ lưu động tại khu vực có đông khách hàng cần bổ sung thông tin. Khách hàng cũng có thể chụp ảnh, CMT và các thông tin thuê bao khác như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ vv... qua địa chỉ email: cskh@vnpt.vn, qua fanpage: VNPT VinaPhone, qua app My VinaPhone, qua các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Viettel cũng cho biết, bên cạnh việc đến các địa điểm giao dịch, các thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung có thể gửi qua ứng dụng My Viettel hoặc sẽ có nhân viên địa bàn đến nhà.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng thấy rằng, ngay cả khi áp dụng các biện pháp kể trên vẫn sẽ gây nhiều khó khăn phiền phức cho nhiều đối tượng, đặc biệt là với người già, người khuyết tật, những người sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Một số người đang trong quá trình làm lại chứng minh thư cũng có thể bị ảnh hưởng bởi quy định trên.

Nghị định 49 quy định, với thuê bao đăng ký thông tin không chính xác sẽ phải thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao gồm số thuê bao, hình thức thanh toán, họ và tên nhân viên giao dịch, các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng. 

MỚI - NÓNG