Thương lượng bỏ cướp lộc ở Hội Gióng

Lễ vật hoa tre sau khi dâng tại sân Rồng, đền Thượng sẽ được đưa vào hậu cung. Ảnh: Nguyên Khánh.
Lễ vật hoa tre sau khi dâng tại sân Rồng, đền Thượng sẽ được đưa vào hậu cung. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Ban tổ chức Hội Gióng đền Sóc tuần trước tuyên bố bỏ nghi thức cướp hoa tre và trầu cau trong mùa lễ hội 2018. Tuy nhiên, kịch bản cuối để ứng xử với số lễ vật này vẫn phải chờ lấy ý kiến đồng thuận từ dân làng.

Nhẹ người

Phòng VHTT huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), BQL Khu di tích đền Sóc lần lượt có cuộc tiếp xúc và lấy ý kiến các cụ cao niên hai thôn Đan Tảo và Vệ Linh về thay đổi phương án rước lễ Hội Gióng. Thôn Vệ Linh được giao làm lễ vật giò hoa tre, Đan Tảo dâng lễ vật trầu cau trong ngày chính Hội Gióng đền Sóc, mùng 6 tháng Giêng.

Một vài cụ cao niên dự cuộc gặp mặt lấy ý kiến ở nhà văn hoá thôn Vệ Linh bảo bỏ cướp lộc là nhẹ cả người. “Tôi là người đọc tấu và lễ tạ ở đền Trình bị họ đè, họ đẩy ngã rất nguy hiểm. Sự thay đổi của Sở và huyện đề xuất chúng tôi hoan nghênh, sao cho hài hòa vừa giữ giá trị  tâm linh, tránh phản cảm và bảo vệ được quy định của UNESCO trong quá trình thực hành nghi lễ”, ông Trịnh Nhật Nam, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Vệ Linh bày tỏ.

Ông Nam thừa nhận, ban đầu phân vân trước phương án thay đổi, chưa nhất trí ngay. Tuy nhiên, phải thừa nhận hình ảnh đám trẻ xông vào cướp, khua khoắng gậy gộc phản cảm. Ông Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh thay mặt nhân dân đưa ra băn khoăn về kích cỡ giò hoa tre, đề nghị kịch bản cụ thể hơn để người dân hiểu. Mọi năm giò hoa tre bề thế hơn, tuy nhiên phương án điều chỉnh đưa hoa tre vào hậu cung thay vì rước xuống đền tất lễ nên cũng phải điều chỉnh lại kích cỡ. “Mấy năm nay cũng không còn cướp đè nén như trước, tuy nhiên tôi ủng hộ sự thay đổi, thể hiện sự văn minh”, ông Huấn nói.

“Trước đây các cụ cao niên trong làng vẫn nói cướp lộc là phong tục tập quán không thay đổi được. Nhưng sau khi chúng tôi trình bày rõ ngọn ngành rằng không hề thay đổi về mặt tâm linh, nên các cụ đều đồng thuận”, ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên Giám đốc BQL khu di tích đền Sóc nói. Ông khẳng định không thay đổi bản chất tâm linh của lễ hội, chỉ “điều chỉnh vài đường nét của hai lễ rước gay cấn nhất-hoa tre và trầu cau”. “Đây là vấn đề gây phản cảm, thực tế phong tục ngày xưa cũng bình thường, nhưng hiện nay lớp trẻ đi hội hiếu kỳ, thấy người ta cướp cũng xông vào mà không hiểu hết ý nghĩa”, ông Lâm nói.

Tán lộc

“Chúng tôi lường trước việc chen chúc, đông đúc khi tán lộc cho du khách và đều có phương án đề phòng tình huống quá khích”, Trưởng thôn Vệ Linh cho hay. “Năm nay chúng tôi làm chắc hơn, để bách gia trăm họ hiểu hơn ý nghĩa của hai lễ vật và tán lộc cho họ để thấy: Đi lễ thì thánh phải chứng, chứng xong thì lễ vật mới có giá trị, chứ ra sân đè nhau ra cướp thì không phải lộc thánh. Hoa tre đặc trưng nhất Hội Gióng, vì vậy hãy làm đúng ý nghĩa, ban phát hoa tre trong ngày chính hội. Bao năm nay làng Vệ Linh không được hưởng trọn vẹn lễ ở đền Trình, năm nay hãy làm trọn vẹn đi”, ông Lâm nói. Khi dân làng rước giò hoa tre lên sân rồng ở đền Thượng, chủ tế xướng “Hoa tre đầu nước của tổng Vệ Linh tiến cung phục lễ”, hoa tre rước vào hậu cung.

Các nhà quản lí thuyết phục dân làng quanh đền Sóc là không nên “khư khư cướp lộc về cho mình, nên tán lộc cho bách gia trăm họ”. Ông Nguyễn Văn Lâm bảo có thời gian hơn chục năm thử nghiệm phát lộc hoa tre, trầu cau sau khi hành lễ cho du khách có mặt tại giờ khai hội. Trầu cau, hoa tre do đại diện hai làng ở hậu cung xé nhỏ để phát cho khách đi qua cửa võng đền Thượng. Một số nhỏ nhánh trầu cau, hoa tre được cụ cao niên đội xuống đền lễ tạ.

Đại diện của huyện Sóc Sơn cho biết, sau khi lấy ý kiến của dân làng, BTC làm văn bản gửi Sở VHTT Hà Nội và Bộ VHTTDL xem xét quyết định.

MỚI - NÓNG