Voi đực chồm lên voi cái khiến 3 du khách nhập viện: Tạm dừng dùng voi chở khách

Mô hình du lịch thân thiện cho khách tham quan từ xa
Mô hình du lịch thân thiện cho khách tham quan từ xa
TP - Sau sự cố khách du lịch bị thương nặng khi đang cưỡi voi hôm 19/7 tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk) chính quyền địa phương có lệnh tạm dừng dùng voi chở khách.

Voi bị bắt làm du lịch

Tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chiều 19/7, nữ du khách Đ.T.B (32 tuổi, Hưng Yên) cùng 2 con đang cưỡi trên lưng con voi cái đi tham quan. Bất ngờ con voi đực ở phía sau chồm lên voi cái, khiến con voi này bị ngã, làm 3 người trên lưng voi văng ra khỏi ghế rơi xuống đất. Chị B rơi vào đá bị chấn thương nặng phải chuyển xuống TPHCM điều trị.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, con voi cái đang được Trung tâm cùng đơn vị khai thác du lịch điều trị vết thương, còn voi đực được đưa vào rừng xích lại đảm bảo an toàn. Ông Luân nhận định, nhiều khả năng con voi đực đến thời kỳ động dục.

Trước đó, vào đầu tháng 5 tại huyện Lắk (Đắk Lắk) một nài voi bị voi nhà tấn công, quật chết, do con voi này đang trong thời kỳ động dục. Ngay khi sự việc xảy ra, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk ban hành văn bản về việc đảm bảo an toàn cho khách sử dụng voi tại các khu, điểm du lịch với các khuyến cáo cụ thể. Tuy nhiên, dù Sở có công văn chỉ đạo, nhưng tai nạn trong khi cưỡi voi vẫn xảy ra. Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho hay, việc để voi đang thời kỳ động dục chở khách rất nguy hiểm. Đơn vị khai thác du lịch, chủ voi phải chịu trách nhiệm về việc này.

Voi tham gia phục vụ du lịch đã trở thành đặc sản du lịch của 2 huyện sở hữu voi là Buôn Đôn và Lắk. Anh Y Jư Uông (M’nông) ở buôn Cuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk,  có con voi cái tên Băc On (39 tuổi), cho biết, voi nhà anh chở khách hơn 10 năm nay. Từ ngày phục vụ du lịch, con voi trở nên lầm lũi, cặm cụi làm việc từ sáng đến chiều, tối mới được thả về rừng nghỉ ngơi. Thời điểm voi làm cật lực nhất là các tháng mùa khô, dịp lễ, Tết... Đây cũng là lúc nguồn thức ăn khan hiếm, voi lao động nhiều nhưng chỉ ăn mía, chuối...; từng đấy không thấm gì so với tiêu chuẩn ăn của 1 con voi trưởng thành là 2 tạ thức ăn/ngày.

Cũng vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều chủ voi không cho voi nghỉ ngơi, có thời gian đi tìm bạn vào mùa sinh sản. Anh Y Jư từng nhiều lần đến nhà chủ voi đực xin cho voi cái ở cùng để sinh sản nhưng bất thành. Thế nên voi nhà anh đã 39 tuổi vẫn chưa 1 lần đẻ.

Môi trường sống bị tàn phá

Trung tuần tháng 4 PV Tiền Phong có dịp theo chân nhóm cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi lần theo dấu vết con voi Cư Sứt về phá hoại hoa màu tại xã Tân Hòa (Buôn Đôn). Băng qua nhiều sườn đồi, cả đoàn tận thấy nhiều diện tích đất rừng đã biến thành rẫy của dân. Chỉ tay về những vườn điều, bãi sắn mọc lên san sát nhau, một cán bộ Trung tâm cho hay, khu vực này từng có rừng rậm rạp, đàn voi ít khi ra tới nơi dân sinh sống. Mấy năm nay, môi trường sống của đàn voi bị thu hẹp, chia cắt quá mức làm gia tăng xung đột giữa voi và người.

Anh Y Vinh Êung, chủ 1 con voi đực tên Y Khăm Sen Êung (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), cho biết bên hồ Lắk thơ mộng trước kia có những cánh rừng dài vô tận. Nhưng giờ đây, ngôi nhà lý tưởng của đàn voi đã bị thu hẹp. Anh phải đưa voi đi xa cả chục cây số mới có chỗ chăn thả. Trước khi có dự án chuyển đổi mô hình du lịch voi thân thiện và dự án cho voi nhà sinh sản, bản thân anh đã nghĩ đến vấn đề giải thoát cho voi nhà, trả lại cuộc sống tự do vốn có của chúng. Do đó, khi 2 dự án trên triển khai tại huyện nhà, anh rất nhiệt tình thuyết phục chủ voi tham gia.

Vấn đề các chủ voi đang lo lắng là môi trường chăn thả voi. Năm 2017, chính quyền huyện Lắk giao khu đất ở xã Nam Ka cho các chủ voi chăn thả nhưng tất cả đều phản đối vì quá xa. Mới đây, UBND huyện Lắk quy hoạch lại vị trí khác thuộc xã Yang Tao rộng 80 hecta, song diện tích trên chưa đủ cho 17 con voi sinh sống, chưa kể địa hình đồi dốc.

“Tôi mong muốn chính quyền hoàn thiện khu quy hoạch chăn thả phù hợp, sớm triển khai mô hình du lịch voi thân thiện. Chỉ khi voi được giải thoát khỏi cảnh xiềng xích, có không gian riêng sinh sống thì việc bảo tồn, phát triển quần thể voi nhà mới thật sự thành công, anh Y Vinh nói.

Ngày 21/7, ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho hay, đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tạm dừng cho voi chở khách tham quan sau vụ việc du khách bị ngã khi cưỡi voi. Sắp tới, chính quyền sẽ đẩy mạnh vận động các đơn vị sở hữu voi tham gia mô hình du lịch voi thân thiện. Theo đó, voi không phải chở khách, được thả vào rừng, du khách có thể đi theo, đứng xa ngắm nhìn.

MỚI - NÓNG