Bán chung cư 50 năm: Pháp lý chưa rõ, rủi ro người mua

TP - Bộ Xây dựng cho biết, chưa có quy định pháp lý cụ thể về việc xây chung cư có thời hạn 50, 70 năm (vấn đề mới chỉ đang trong quá trình nghiên cứu). Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, nhiều chủ đầu tư chung cư vẫn rao bán rầm rộ loại căn hộ này với giá rẻ hơn nhiều so với chung cư thương mại sở hữu lâu dài.

Ðua nhau rao bán chung cư 50 năm

Thời gian gần đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM xuất hiện loại hình căn hộ chung cư với thời gian sở hữu 50 năm. Đặc điểm loại chung cư này là giá rẻ hơn so với giá các căn hộ lân cận, cùng phân khúc. Lý giải cho việc này, chủ đầu tư các dự án chung cư 50 năm cho hay, họ bán rẻ vì không phải nộp tiền đất lâu dài quá cao cho Nhà nước.

Thêm nữa, các chung cư 50 năm thường nằm tại vị trí đắc địa, lại tích hợp các văn phòng ngay trong dự án, nhờ đó tạo nên cộng đồng dân cư sầm uất và thu hút đông đảo khách mua để ở và cho thuê.

Một số chung cư 50 năm đã thắng lớn trong việc thu hút nhà đầu tư trên thị trường thời gian qua như: Chung cư có địa chỉ tại 125 Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội)…; Còn tại TPHCM có Republic Plaza (Tân Bình), Cộng Hòa Garden (Tân Bình), CT Plaza Minh Châu (quận 3), Charmington La Pointe (quận 10)…

Tại một dự án  ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, theo một môi giới bất động sản tên Tuấn, tòa chung cư này có 31 tầng. Từ tầng 4 đến tầng 20 là căn hộ sở hữu lâu dài. Còn từ tầng 21 đến 31 thời gian sở hữu chỉ 50 năm. Giá căn 2 phòng ngủ sở hữu lâu dài là 1,7- 2 tỷ đồng trong khi căn 2 phòng ngủ của căn hộ sở hữu 50 năm được rao bán 1,3-1,4 tỷ đồng. “Giá chênh lệch vài trăm triệu trong khi mọi thứ như nhau nên nhiều người chọn căn hộ sở hữu 50 năm thay vì lâu dài. Bên em đã bán hết căn 2 phòng ngủ và chuẩn bị ra hàng đợt tiếp theo. Khách mua sẽ nhận nhà trước Tết”, môi giới Tuấn nói.

Khi hỏi đến yếu tố pháp lý căn hộ này, môi giới Tuấn hứa rằng, sau khi bàn giao căn hộ người mua sẽ được cấp sổ đỏ. Sổ của căn hộ sở hữu 50 năm chỉ khác sổ các căn khác ở chỗ thời gian ghi trong sổ có hạn. Trước thắc mắc “sau khi ở hết 50 năm, chủ sở hữu sẽ thay đổi thế nào?”, môi giới khẳng định: “Lúc đó, Nhà nước sẽ kiểm định tòa nhà, nếu tiếp tục sử dụng được, khách hàng chỉ việc đóng tiền sử dụng đất là sẽ được sở hữu tiếp”. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán mà Tuấn thông tin về thời hạn sở hữu 50 năm, vấn đề sở hữu sau đó thế nào không hề được nhắc tới trong hợp đồng.

Chưa có văn bản pháp quy về sở hữu chung cư có thời hạn

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, những quy định mang tính pháp lý của chung cư 50 năm, 70 năm vẫn đang trong quá trình được Bộ Xây dựng nghiên cứu, vì có nhiều vấn đề phức tạp. Cụ thể, người sở hữu căn hộ này sau khi hết thời gian 50 hay 70 năm có được ở tiếp hay không? Chung cư hết niên hạn sửa chữa thì quyền lợi của người mua thế nào… là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Luật sư Bùi Thị Lan (Cty Luật sư Lan Vy) cho biết, niên hạn sử dụng chung cư khác với thời hạn sử dụng chung cư. Có thể niên hạn chung cư 70 năm nhưng thời gian sở hữu chỉ 50 năm. Hiện nay, luật chưa quy định rõ cụ thể chung cư sở hữu có thời gian sau khi hết hạn thì quyền lợi của người mua ra sao? Vì vậy, người mua sẽ gặp rủi ro khi mua phải căn hộ dạng này.

Theo luật sư Lan, trước đây, Bộ Xây dựng từng đề xuất cho phép xây chung cư có thời hạn 50, 70 năm để sau khi hết hạn định, chung cư xuống cấp, việc di chuyển người dân ra khỏi chung cư sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc di chuyển người dân thế nào, lo nhà tái định cư cho dân ra sao để chung cư cải tạo hay đập đi xây mới vẫn chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng.

“Cơ quan Nhà nước quá chậm trong khi thị trường bất động sản phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến người dân. Đừng để chung cư có thời hạn giống như những condotel, officetel sau bao nhiêu năm vẫn chưa có giải pháp xử lý”, luật sư Lan nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, những quy định mang tính pháp lý của chung cư 50 năm, 70 năm vẫn đang trong quá trình được Bộ Xây dựng nghiên cứu, vì có nhiều vấn đề phức tạp.

MỚI - NÓNG