Bất động sản sẽ hết 'nóng, lạnh' thất thường

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Ðề án phát triển thị trường bất động sản với nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường, sử dụng hiệu quả đất đai. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay:

Đề án phát triển thị trường bất động sản với sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia và hiện đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội.

Mục tiêu là đánh giá đúng bản chất, làm rõ tình hình thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua và đề xuất được với Chính phủ các giải pháp để ổn định, thúc đẩy, điều tiết thị trường; đảm bảo sự lành mạnh, ổn định, hiệu quả, sử dụng tiết kiệm đất đai, tài nguyên; chủ động có giải pháp đối phó với tình trạng trầm lắng hoặc sốt nóng của thị trường.

Về giải pháp quản lý phải theo hướng thúc đẩy thị trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó phải có giải pháp dùng chính thị trường để điều tiết thị trường. Ví dụ như kiểm soát thuế, lãi suất, nguồn cung tín dụng; giải pháp về sử dụng đất. Về thuế sẽ đánh vào những người đầu cơ nhà đất, đánh vào căn nhà thứ hai. Đây là biện pháp điều tiết với những người thu nhập cao để nhà nước lấy nguồn đó một phần hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp.

Hiện nay trong tính thuế, tính giá trị quyền sử dụng đất, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm. Đây là việc phải công khai, minh bạch.

Bất động sản sẽ hết 'nóng, lạnh' thất thường ảnh 1

Theo phản ánh của không ít nhà đầu tư, tình trạng “một cửa nhưng nhiều khóa” vẫn còn nhiều, nhất là khi triển khai dự án tại các địa phương. Bộ sẽ làm gì để hỗ trợ các nhà đầu tư?

Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là về điều kiện kinh doanh, giấy phép. Trước đây trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có 17 ngành nghề khi đầu tư phải có điều kiện chứng chỉ về năng lực thì đến nay đã trình Thủ tướng bỏ điều kiện này đối với 7 nghề và với 10 nghề còn lại sẽ giảm từ 50-60% các “điều kiện con”. Bộ đã báo cáo Chính phủ và nếu Thủ tướng đồng ý thì Bộ sẽ phối hợp triển khai ngay trong năm 2018 như đề xuất sửa đổi các quy định trong luật và nghị định liên quan. Đây thực sự là cuộc cách mạng, cuộc đấu tranh nội bộ để cùng xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Ngoài ra, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi quy định trong đầu tư, kinh doanh. Trong đó có nhiều điều kiện liên quan đến đầu tư bất động sản. Luật Đất đai cũng đang được nghiên cứu sửa đổi để tăng khả năng tiếp cận đất đai của nhà đầu tư.

Gần đây nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật và thường phát hiện vi phạm khi “việc đã rồi”. Bộ sẽ làm gì để quản lý tốt hơn lĩnh vực này?

Tinh thần chung trong quản lý các ngành đó là hậu kiểm nhưng cũng chính vì thực trạng như vậy nên vừa qua Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng, riêng với ngành xây dựng thì phải vừa hậu kiểm, vừa phải vừa tiền kiểm bởi vì liên quan đến công trình dự án, đến quyền lợi rất lớn của người dân. Với các dự án xây dựng mà chỉ hậu kiểm thôi thì sẽ rơi vào tình trạng chỉ đi xử lý sự cố đã diễn ra, rất phức tạp. Về quy định các bộ ngành phải sửa đổi, trách nhiệm của địa phương phải nâng cao đối với từng công trình, dự án; phải chủ động phát hiện xử lý, kiểm tra giám sát các nhà đầu tư.

Sản phẩm gì sẽ hot trong năm 2018?

Theo Savills Việt Nam, áp lực cạnh tranh của thị trường khách sạn sẽ gia tăng trên tất cả các phân khúc kể từ sau năm 2018 với 42 dự án tương lai. Về căn hộ trong năm 2017 có 63 dự án mới mở bán. Năm 2017, căn hộ hạng A bán ra tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Trong năm 2018, khoảng 26.300 căn hộ sẽ được bán ra. Hạng B mong đợi sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cung. Trong cả 3 phân khúc, năm 2017 bán được 25-26 nghìn căn hộ. Số lượng căn hộ bán được năm 2017 tăng hơn so với năm 2016 là 9%. Số lượng căn hộ hạng A năm 2017 bán được gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng căn hộ hạng B năm 2017 bán được giảm so với năm 2016.

 

Nhiều rào cản pháp lý

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT & Partners) cho biết, nhiều vướng mắc pháp lý đang làm khó cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Giải pháp phát triển thị trường theo tôi là phải làm cho người dân và nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường, nhìn thấy sự an toàn của thị trường để từ đó mới quyết định mua nhà, đầu tư. Nếu như người dân nhìn thấy sự an toàn thì sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vì nhà ở là tài sản lớn. Ngân hàng cũng cần sự an toàn trong giao dịch, cho vay.

Một số sản phẩm bất động sản hiện chưa có quy định rõ ràng như Condotel. Người mua chưa được cấp sổ hồng chứng nhận quyền sở hữu. Đối với ngân hàng, phải an tâm mới cho vay vì vậy nếu sổ hồng chưa được quy định thì rất khó cho vay. Trong khi đó, nếu chấp thuận cấp sổ hồng cho căn hộ Condotel thì phải sửa luật. Quan hệ sở hữu là nguồn của quan hệ hợp đồng và nếu chưa giải quyết được quan hệ sở hữu thì không giải quyết được vấn đề hợp đồng.

Thủ tục hành chính vẫn đang là trở ngại với nhà đầu tư. Để có được sản phẩm bán ra thị trường phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu chấp thuận địa điểm, lập dự án, xin giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch, giấy phép xây dựng, thuê đất, định giá đất…Thực tế tôi tư vấn cho các dự án thì riêng thủ tục ban đầu phải mất từ 1-2 năm. Trong khi đó, mở bán sớm hay muộn một hai tháng cũng đã tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Một vướng mắc nữa đó là quy định một số dự án hạn chế bán cho người nước ngoài do vị trí nhạy cảm. Tuy nhiên đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn đỏ mắt chờ văn bản cụ thể từ cơ quan chức năng. Tôi kiến nghị cần xem lại tỷ lệ hạn chế bán nhà cho người nước ngoài trong từng dự án vì thực sự là không cần thiết.           

Tuấn Minh ghi

Tín dụng BÐS: Kiểm soát tăng trưởng nóng, ưu tiên  nhà giá rẻ

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.

Dù vốn vào bất động sản qua con đường trực tiếp cho vay giảm về tỷ trọng so với một số lĩnh vực khác, nhưng trên thực tế, dòng vốn này vẫn “chảy” len lỏi qua nhiều “lạch” khác. Đơn cử như tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% (năm 2016) lên 18% (năm 2017). Trong tín dụng tiêu dùng thì cho vay với mục đích mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng chính và là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất, năm 2017 chiếm 52,9% (năm 2016 chiếm 49,5%), tốc độ tăng trưởng là 76,5% (năm 2016 tăng 78,4%).

Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2017, thị phần tín dụng tiêu dùng có sự dịch chuyển từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sang nhóm ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, Ủy ban cho biết: tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.

Theo các chuyên gia, khả năng hấp thụ vốn của thị trường BĐS vẫn rất lớn. Thống kê của NHNN cho thấy: dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại hiện nay trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết  dù vẫn ưu tiên cân đối vốn vào lĩnh vực này nhưng cơ quan quản lý cũng đã trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi vay tín dụng BĐS phải kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào những phân khúc ví dụ như BĐS nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.

Khánh Huyền

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.