TPHCM:

Cưỡng chế, tháo dỡ loạt chung cư mini 'đội lốt' nhà riêng lẻ ở TPHCM

TPO - Xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ gia đình nhưng sau đó tự ý rao bán căn hộ mini, chính quyền TPHCM đã ra quyết định xử phạt, cưỡng chế để tránh quá tải hạ tầng. Tình trạng nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên, bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

Tháo dỡ hàng loạt công trình vi phạm

Ngày 10/7, UBND quận Thủ Đức cho biết, đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích vi phạm theo nội dung các quyết định đã ban hành tại hàng loạt thửa đất ở phường Linh Đông và các công trình nhà riêng lẽ “hô biến” thành chung cư mini khác.

Cụ thể, liên quan đến 2 công trình của ông Lưu Nguyên Quảng (quận Bình Thạnh) và ông Lê Thành Trí (quận Thủ Đức), UBND phường Linh Đông đã kiểm tra, phát hiện 2 khu đất trên có dấu hiệu hợp khối, sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cưỡng chế, tháo dỡ loạt chung cư mini 'đội lốt' nhà riêng lẻ ở TPHCM ảnh 1 TPHCM cưỡng chế hàng loạt chung cư mini "đội lốt" từ nhà ở riêng lẻ.
Sở Xây dựng TPHCM đã lập hồ sơ xử lý đối với 2 công trình xây dựng nêu trên bằng hàng loạt các quyết định xử phạt, cưỡng chế. Căn cứ vào các quyết định xử lý công trình vi phạm do Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận Thủ Đức đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích vi phạm theo nội dung các quyết định đã ban hành.

Đối với công trình xây dựng tại thửa 639 tờ 45 bản đồ địa chính phường Linh Đông (đường 32, phường Linh Đông) do ông Đỗ Trưởng Quyền và Đỗ Huệ Trinh làm chủ đầu tư. Từ tháng 4/2018-4/2019 cơ quan chức năng đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt, cưỡng chế đối với công trình trên. 

Đồng thời, UBND quận Thủ Đức đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn, chốt chặn không để chủ đầu tư tiếp tục thi công công trình vi phạm. Thuê đơn vị lập phương án, giải pháp phá dỡ đối với công trình nêu trên và đã chuyển toàn bộ phương án phá dỡ đến Thanh tra Sở Xây dựng để thẩm định, phê duyệt theo đúng thẩm quyền.

Đến ngày 21/5/2020, chủ đầu tư đã có đơn xin tự nguyện khắc phục hậu quả gửi đến UBND quận Thủ Đức, chủ đầu tư đang tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Hiện tại, UBND quận Thủ Đức đang tiếp tục theo dõi việc tự nguyện chấp hành tháo dỡ của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành tháo dỡ đúng theo các quyết định đã ban hành, UBND quận sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Công trình xây dựng tại đường số 8, khu phố 4, phường Linh Chiểu do bà Trương Thị Ngọc Hiếu làm chủ đầu tư, ngày 15/3/2018, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản số 1108 đề nghị Sở Xây dựng TPHCM hỗ trợ xử lý chuyển nhượng căn hộ mini trên địa bàn quận Thủ Đức và xử lý công trình xây dựng sai nội dung giấy phép.

Tại văn bản này, UBND quận nhận thấy công trình trên là công trình nhà ở riêng lẻ, việc chủ đầu tư đăng bán căn hộ là trái quy định pháp luật. Từ những cơ sở nêu trên, UBND quận Thủ Đức đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và hướng dẫn UBND quận xử lý các trường hợp tương tự nếu có.

"Trên cơ sở đó cơ quan chức năng đã ban hành các quyết định xử lý công trình xây dựng vi phạm như xây sai kiến trúc, tăng chiều cao, trổ nhiều cửa đi tại các tầng, ngăn thành nhiều phòng. Đồng thời ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả", vị cán bộ cho hay.

3 nguyên nhân biến tướng nhà gia đình thành chung cư mini

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận thấy, trong hơn 10 năm qua, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.

Trong đó, có những công trình nhà chung cư mini xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Theo HoREA tình trạng nở rộ chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên, bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, sai phép các chung cư mini, là do những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.

Cưỡng chế, tháo dỡ loạt chung cư mini 'đội lốt' nhà riêng lẻ ở TPHCM ảnh 2 Những tòa nhà chung cư mini đua nhau mọc lên tại các ngõ nhỏ, ngách nhỏ giao cắt, đan xen dày đặc nhà cao tầng ở các khu dân cư khiến cho các khu phố trở nên ngột ngạt, bí bức. Ảnh: Trọng Tài-Ninh Phan.

Hiện nay, tại các khu vực đô thị của một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nên một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, cũng đã có cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất,tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép. Ngoài ra, còn do biên chế của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn (thậm chí tương đương dân số một tỉnh nhỏ) và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân thứ ba là các đầu nậu và một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.

HoREA nhận thấy, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị.

Chỉ đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mới cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị. Hiệp hội nhận thấy, quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005.

Để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014, như sau: “Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở”.

Nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh, phải phù hợp với quy hoạchđược cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị thì không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng.
MỚI - NÓNG