Mất bản đồ quy hoạch, lấy gì để triển khai dự án Thủ Thiêm?

Một gốc các dự án triển khai tại khu đô thị Thủ Thiêm
Một gốc các dự án triển khai tại khu đô thị Thủ Thiêm
TPO - Các chuyên gia quy hoach cho rằng, bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỉ lệ 1/5.000, kèm theo quyết định của Thủ tướng là văn bản pháp lý quan trọng về quy hoạch dự án này.

Việc chưa từng có, như chuyện đùa

Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc các cơ quan chức năng TP. HCM trả lời bản đồ gốc quy hoạch 1/.5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm, kèm theo quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này mà thất lạc là chuyện như đùa.

 “Thất lạc bản đồ gốc quy hoạch nếu đúng như cơ quan chức năng TP. HCM nói là việc chưa từng có chưa từng xảy ra. Bởi theo Luật Quy hoạch đô thị, hồ sơ quy hoạch đô thị là tài liệu nhà nước được lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ đều quy định rất chi tiết về quy trình, thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị có liên quan trong việc lưu trữ”, KTS Tùng nói.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, với một dự án khu đô thị quy mô lớn như dự án Thủ Thiêm phải trãi qua các cấp từ Trung ương đến địa phương và các sở ban ngành phê duyệt, thậm chí đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến của người dân mà nói việc làm mất hay thất lạc là điều hết sức vô lý. 

KTS Tùng phân tích đối với hồ sơ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định là do Bộ Xây dựng trình để Thủ tướng ký phê duyệt. “Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, không chỉ Văn phòng Chính phủ và các Bộ như Xây dựng, Tài nguyên và môi trường… ở các cấp như UBND TP.HCM và các sở ngành, địa phương thực hiện phải được lưu trữ.

Mất gốc lấy gì để triển khai dự án?

Theo phân tích của một số chuyên gia quy hoạch, các dự án lớn phải căn cứ từ bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 đến quy hoạch tỷ lệ 1/2.000. Đối với những trường hợp chưa có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 thì phải căn cứ vào quy hoạch tỷ lệ 1/5.000.

“Phải hiểu quy hoạch tỷ lệ 1/5000 là quy hoạch định hướng, nó có tính khả thi như là cái gốc, trên cơ sở Thủ tướng phê duyệt. Các dự án chuẩn bị đầu tư thực hiện phải trên cơ sở quy hoạch gốc được phê duyệt. Và nó là căn cứ để TP. HCM phân định hạn kỳ đầu tư cho dự án này”, vị chuyên gia quy hoạch phân tích.

PGS.TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội dù cho rằng, việc giao đất thực hiện dự án hiện quy hoạch dựa vào các văn bản mới nhưng việc thất lạc bản đồ gốc là khó chấp nhận. “Thực ra bản đó chỉ có giá trị lưu trữ chứ không có giá trị về mặt pháp lý hiện nay. Phân chia đất cho các đơn vị, cũng như về giải phóng mặt bằng, hay là về thu hồi đất của các hộ dân thì cơ bản cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy hoạch cũ bởi vì người ta dựa vào bản quy hoạch mới đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Mà đã phê duyệt rồi nó sẽ thay thế bản quy hoạch cũ”, ông Hanh nói.

Tuy nhiên, ông Hanh cho rằng, người dân và giới chuyên môn về quy hoach cảm thấy bị “sốc” khi bản đồ quy hoạch bị thất lạc là đúng. Bởi vì bản đồ quy hoạch quan trọng như thế mà thất lạc thì rất khó xảy ra. “Hiện nay quy hoạch coi trọng việc lưu trữ hồ sơ. Bởi vì, quy hoạch hiện nay là tài liệu quan trọng”, ông Hanh nhấn mạnh.

Trước đấy, ngày 2/5 tại buổi họp định kỳ báo trả lời báo chí về “số phận” tờ bản đồ quy hoạch ban hành kèm theo Quyết định 367 năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã xác nhận đã 'truy tìm' từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn tìm chưa ra bản đồ trên 

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM từ đó tới nay hơn 20 năm rồi, công tác lưu trữ không tìm thấy bản gốc đó. “Nghe nói hình như đã tìm thấy một bản sao... Quyết định 367 kèm theo bản đồ đó là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được",ông Hoan nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG