Vượt nắng, thắng mưa trên công trường cầu dây văng cao nhất Việt Nam

Hình ảnh những trụ cầu cao nhất tại cầu Phước Khánh.
Hình ảnh những trụ cầu cao nhất tại cầu Phước Khánh.
TP - Cầu Phước Khánh nằm trên cao tốc Bến Lức - Long Thành bắc qua sông Lòng Tàu đang dần hình thành sẽ là cây cầu cao nhất Việt Nam. Ðây là cây cầu khó khăn phức tạp, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cầu đường hiện đại nhất đang được liên doanh Cienco4 - Sumitomo Mitsui thi công.

Công trường lộng gió và nhiều sấm sét

Không còn nằm trong bản thiết kế, cây cầu Phước Khánh đã lộ dần hình hài, như một dải lụa vắt qua sông Lòng Tàu. Đi canô trên sông từ TPHCM xuôi xuống cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi thực sự choáng ngợp với những trụ cầu cao sừng sững, xếp hàng dọc ngay ngắn, dài tít tắp. Phía trên những trụ cầu ấy, mai này sẽ là con đường cao tốc có tốc độ 100 km/h, phía dưới lòng sông vẫn sẽ là luồng tàu biển ra vào tấp nập. Đó cũng là những hình ảnh điển hình nhất cho thách thức về công nghệ, thách thức về thời tiết, thách thức về thời gian và đặc trưng của bộ mặt giao thông vùng Nam bộ - vừa phát triển giao thông đường bộ nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng sự thuận lợi của giao thông đường thuỷ, các hoạt động hàng hải ở các vị trí vượt sông.

Cầu Phước Khánh thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nhưng phía dưới là luồng hàng hải trọng yếu nối từ biển vào TPHCM. Vì thế, cầu được thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu lên tới 55m. Cùng với cầu Bình Khánh (cũng thuộc dự án Bến Lức - Long Thành, vượt sông Xoài Rạp, nối giữa huyện Cái Bè và Cần Giờ thuộc TPHCM), cầu Phước Khánh là một trong hai cây cầu cao nhất Việt Nam. Và cầu Phước Khánh cũng là một trong những công trường có nhiều thách thức, nhưng cũng vinh dự nhất của những cán bộ, kỹ sư, người thợ cầu đường thuộc liên danh nhà thầu Cienco4 - Sumitomo Mitsui.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Ban An toàn lao động, Ban điều hành gói thầu J3 (gói thầu có cầu Phước Khánh) cho biết, không kể trụ chính cao 135,8m, những trụ cầu còn lại có thể cao bằng một tòa nhà cao tầng. Trong khi đó, thời tiết luôn biến động gây khó khăn cho công tác thi công. Tại đây, trời mưa thường đi kèm với sấm sét, gió lốc nên trước khi cho phép thi công trên trụ cầu, các đơn vị phải đo tốc độ gió, tầm ảnh hưởng của dông sét. Nếu tầm ảnh hưởng của dông sét trong phạm vi 5-10 km, công trường sẽ tạm dừng thi công.

Ông Nguyễn Ngọc Trung còn cho biết thêm, công việc rất phức tạp nên kỹ sư, công nhân phải áp dụng những kỹ năng làm việc tốt nhất, chuyên nghiệp nhất cộng với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” cao nhất nhằm đảm bảo tiến độ gói thầu về đích đúng tiến độ, chất lượng và tuyệt đối đảm bảo ATLĐ. Có lẽ ít ai ngờ, dù công việc vất vả, nặng nhọc cả ngày nhưng “toàn bộ cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường vẫn tham gia đều đặn tập thể dục buổi sáng, nghe báo cáo triển khai công việc hàng ngày. Việc tập thể dục mỗi sáng đã giúp mọi người làm việc thoải mái, hiệu quả hơn, hạn chế được tai nạn lao động trong giờ làm việc” – ông Trung nói.

Theo hợp đồng gói thầu J3 bắt đầu thi công từ tháng 01/2016 thi công hoàn thành trong 42 tháng. Đến nay, sau 24 tháng thi công tiến độ đã đạt khoảng 60% khối lượng công trình, vượt tiến độ đề ra.

Nơi “trình diễn” công nghệ làm cầu hiện đại

Công nghệ Móng cọc ống thép dạng giếng SPSP (Steel Pipe Sheet Pile) được nghiên cứu phát triển từ năm 1964 tại Nhật Bản và được áp dụng đầu tiên cho móng cầu Isikari năm 1969 và ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Theo thống kê, tính đến năm 2010 đã có trên 2.000 móng cầu xây dựng tại Nhật Bản sử dụng công nghệ SPSP.

Từ đó, SPSP được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tại nhiều nước khác trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 2012 tại dự án xây dựng cầu Nhật Tân, công nghệ SPSP lần đầu tiên được áp dụng thành công. Trong đó, Tập đoàn Cienco4 là một trong các nhà thầu lớn nhất bắt tay với các nhà thầu Nhật Bản để thi công cầu theo công nghệ này. Mới đây nhất, Cienco4 cùng nhà thầu Nhật Bản đã tiếp tục áp dụng thành công tại dự án đường ô tô và cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện tại Hải Phòng. Hiện tại, công nghệ này đang được áp dụng tại cầu Phước Khánh.

 Hiểu một cách đơn giản, móng cọc ống thép dạng giếng là tổ hợp các cọc ván ống thép đường kính từ 900 mm đến 1500 mm, liên kết với nhau bằng hai tai nối ở hai bên cọc, tạo thành một hình khép kín tuỳ ý như hình tròn, hình chữ nhật hay hình ô van. Phần tai nối sẽ được nhồi vữa vào bên trong, phần đầu cọc được liên kết cứng lại bằng công tác xây dựng bệ móng sau khi đàn hồi bê tông một phần vào trong lòng cọc. Do đó, móng có được sức chịu tải theo phương thẳng đứng và khả năng kháng theo phương ngang.

Vượt nắng, thắng mưa trên công trường cầu dây văng cao nhất Việt Nam ảnh 1 Lãnh đạo Tập đoàn Cienco 4 kiểm tra công trường.

Những ưu điểm của công nghệ SPSP so với những công nghệ thi công móng khác có thể kể ra là: Có khả năng áp dụng ở nơi nước sâu, tầng chịu lực sâu và nền đất yếu, có độ tin cậy thi công cao, diện tích thi công chiếm dụng nhỏ, thời gian thi công ít và giá thành hợp lý, tính kháng chấn cao. Hiện tại, Việt Nam cũng đã có Tiêu chuẩn thiết kế do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

Theo báo cáo riêng của Cienco4 về áp dụng công nghệ SPSP tại cầu Phước Khánh, các biện pháp thi công được áp dụng một cách nghiêm ngặt. Các cọc thép trong các nhà máy của Nhật Bản đóng tại Việt Nam (Cty Nippon Steel & Sumikin Việt Nam và Công ty TNHH ống thép J-Spiral). Các công đoạn đóng cọc, hàn nối các ống thép, thậm chí việc hàn nối các thanh thép để đổ bê tông đều tiến hành bằng các máy móc hiện đại, tự động hoá. Tuy nhiên, dù công nghệ hiện đại, để đảm bảo phù hợp với điều kiện địa chất, thực tế tại công trường, các bước thi công đó vẫn phải được làm thử nghiệm, nếu đạt yêu cầu ngay tại hiện trường mới thi công chính thức.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc – Nam. Đây cũng là cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng chiều dài hơn 57 km đi qua địa bàn TPHCM, Long An và Đồng Nai. Theo Bộ GTVT, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TPHCM. Dự án nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai Bến Đình với sân bay quốc tế Long Thành, giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, 51. Bên cạnh đó, dự án kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Băng Cốc qua Phnôm Pênh, TPHCM - Vũng Tàu.

 

Cầu Phước Khánh thuộc Gói thầu J3 của cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 3,186km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn nối liền giữa huyện Cần Giờ (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua sông Lòng Tàu. Cầu được thiết kế là cầu dây văng cao nhất nước, tĩnh không 55 m, cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TPHCM. Cầu rộng gần 22m cho bốn làn xe, trong giai đoạn một cho xe chạy vận tốc 80 km/h và giai đoạn hoàn chỉnh là 100 km/h. Tổng số vốn xây dựng gói thầu này gần 3.500 tỷ đồng, do liên danh Cienco 4 - Sumitomo Mitsui thực hiện và dự kiến hoàn thành sau 42 tháng thi công.

Ngoài ra, cũng tại dự án cao tốc này, Cienco 4 cùng liên danh với Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) trúng thầu thi công gói thầu J2 dài hơn 4,7 km gồm cầu sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ. Giá trúng thầu là hơn 1,4 tỷ Yên và hơn 2.457 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG