Các hoạ sĩ và 'công cuộc' cải cách vàng mã

Chị Nguyễn Thị Thọ đang đóng gói sản phẩm
Chị Nguyễn Thị Thọ đang đóng gói sản phẩm
TP - Loay hoay mất một năm với tạo hình vàng mã thu nhỏ, Tết này, các tác giả cho ra mắt loạt sản phẩm. Hồi hộp nhưng tự tin đợi phản hồi từ cộng đồng, Hùng Dingo và Yến Năng có quan điểm sáng tạo kinh doanh khá khác thường “càng nhiều người làm nhái “vàng mã đẹp” của chúng tôi, dự án càng thành công”.

Sống trong căn hộ chung cư chật chội, cứ mỗi lần Tết đến, họa sĩ Hùng Dingo lại phân vân muốn giản lược bớt thủ tục đốt vàng mã vì  “nhà mình góp thêm một lượng khói, tàn tro vào không khí”. Vậy mà gia đình anh không dám bỏ, sợ cả năm phải áy náy trước các cụ. “Hình như những người hàng xóm cũng có ý nghĩ giống tôi, thấy khó xử trước một thủ tục tâm linh đang phát triển hùng mạnh”.

Các hoạ sĩ và 'công cuộc' cải cách vàng mã ảnh 1 Các thợ thích nhất làm ngựa, 2 cây mía vì độ nhỏ xinh và duyên
Ý định thu nhỏ vàng mã xuất hiện, Hùng Dingo đã chia sẻ với Yến Năng, người bạn từng cộng tác với anh trong các cuộc sắp đặt nghệ thuật Rác Xuân 2,3. Yến Năng đang có công ty chuyên sản xuất mẫu bàn thờ đẹp, hiện đại, tối giản cho chung cư nên rất tâm đắc khi nghe thấy sáng kiến của anh bạn.  Nhỏ, đẹp, ít khói Ngựa mã đại truyền thống trung bình cao khoảng 70cm đến 1,5 mét, nay được thu nhỏ còn 15 cm, mũ ông công ông táo phổ biến cao 18cm, đường kính 12 cm thì nay độ cao còn 10cm với đường kính 6 cm... Nhiều tờ tiền lễ (cùng mệnh giá) được in đẹp sắc nét trong một tờ giấy khổ 15cm x 20 cm chứ không in to, cặp thành từng tệp như mẫu quen thuộc.

Dùng vàng mã nhỏ thành trào lưu coi như chúng tôi xong nhiệm vụ Họa sĩ Hùng Dingo


Hai nghệ sĩ cùng nhóm thiết kế công ty của Yến Năng mất gần một năm để tạo ra 3 bộ sản phẩm: Ông Công ông Táo; Quan thần linh (cúng giao thừa); Hóa vàng (mùng 4 hoặc 7 Tết). Mỗi bộ xếp vừa trong một hộp giấy nhỏ gọn (25cm x 25cm) trình bày bắt mắt. 
Họa sĩ Yến Năng kể hồi nhỏ anh từng quan sát hàng xóm và bà nội làm vàng mã nên không khó để về quê tìm được người thạo việc. Năng gặp gỡ những nghệ nhân làm vàng mã chủ yếu để có thêm thông tin về ý nghĩa văn hóa tâm linh của từng bộ lễ chứ không định học cách làm. “Chúng tôi muốn có tạo hình, kết cấu, qui trình thực hiện khác hẳn so với vàng mã truyền thống. Ngay cả nghệ nhân bắt tay vào sản phẩm của chúng tôi họ cũng phải học từ đầu”. Ở vàng mã truyền thống, bước đầu phải tạo khung tre, bồi giấy rồi dán giấy màu. “Vàng mã nhỏ” thiết kế đồng bộ các chi tiết a, b, c để chúng khớp với nhau khi ra hình sản phẩm. Con ngựa được tạo hình từ các chi tiết thân, cổ, đầu chân đều hình ống, ráp nối lại vẫn đứng đẹp mà không hề cần khung tre. 
Tỉ lệ đồ vật trong vàng mã truyền thống thực ra rất tùy tiện, Hùng Dingo cho hay. Cái nhà lầu chỉ to gấp đôi cái ô tô, cái điện thoại iphone lại được phóng to bằng laptop, kích cỡ mũ giày ông Công ông Táo, quan Thần linh thì mỗi nơi một kiểu. Hàng rẻ thì dán ẩu, hàng đắt hơn trông chắc chắn hơn nhưng cũng không theo qui ước nào. Lẽ ra nguyên liệu làm đồ cúng phải sạch thì mới thiêng, thế nhưng đa số sử dụng giấy, bìa, vỏ hộp. Lật chân đế ông Công ông Táo có khi thấy những hình ảnh phản cảm từ họa báo hoặc vỏ hộp băng vệ sinh phụ nữ. 
Từ kinh nghiệm bản thân không hiểu việc đốt mã cho các thần có ý nghĩa gì, lúc khấn nói thế nào, hai tác giả đã sưu tầm ý nghĩa cùng lời khấn đúng đem in và chia vào từng hộp sản phẩm.
Dân gian dùng giấy trang kim, giấy bạc để làm chi tiết óng ánh, các nghệ sĩ trẻ dùng hiệu ứng phối màu để tạo hiệu ứng “ánh vàng, ánh bạc”. Nhóm tác giả đặt mục tiêu nhỏ gọn đẹp và ít khói độc. Họ chọn nguyên liệu giấy mỏng nhẹ, sạch, nói không với giấy bạc, không chặt tre. Cả bộ lễ đốt lên lượng khói chỉ bằng một nén hương, còn lại một nhúm tàn bé tẹo.
Vào đêm giao thừa, nồng độ khói ô nhiễm trong không khí cao vọt gấp hàng trăm nghìn lần, chuyện này nhà nước đã nhiều lần hô hào người dân giảm bớt đến bỏ dần thói quen đốt vàng mã nhưng không hiệu quả. Nhóm tác giả muốn đưa ra loại vàng mã thu nhỏ đẹp mắt và nhìn vào một cái người ta hiểu ngay “tình ý” của người sáng tạo là “tiện dụng, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường”.
Tiền công thấp 
vẫn vui
Đầu năm 2018,  thông qua người chị họ ở thị trấn Hưng Hóa (Tam Nông, Phú Thọ), Yến Năng tìm được nhóm thợ tại 3 xã Tam Cường, Cổ Tiết, Thượng Nông. Chị Nguyễn Thị Thọ là kế toán mới về hưu, chưa từng làm vàng mã nhưng học việc rất nhanh. Chị Thọ rủ được 20 người tham gia đa số là phụ nữ, học sinh làm để thêm thu nhập. Trong nhóm có ba cụ tuổi 65-75, có tám người đang làm vàng mã cổ truyền. Vào dịp gặp khách “đồng to bóng lớn” đặt hàng, cứ làm được 3 con ngựa họ nhận được 1 triệu đồng tiền công, nhưng dịp như thế không nhiều. Làm với “vàng mã nhỏ”, 1 con ngựa họ được 3 nghìn, bộ ba ông Công Táo họ được 4,5 nghìn. Được hỏi tại sao họ vẫn nhận làm thêm bên chị Thọ, đa số cho rằng: Sản phẩm hoàn thiện xong trông đẹp và duyên; kích cỡ nhỏ làm cũng nhanh; có thêm công việc thường  xuyên tại nhà cũng tốt...
Nhiều người trong số thợ cũng mua luôn để cúng dịp Tết. Giống như tâm lý của những người mua khác, các thợ thích nhất tạo hình của con ngựa và cây mía thân tím lá xanh nhỏ như cái đũa trong bộ “Hóa vàng”. Theo giải thích, người xưa đặt hai cây mía trên bàn thờ ngày hóa vàng để các cụ gánh quà về cõi âm. Gần đây mọi người bỏ cây mía mã và biến tấu thành mua cây mía thật trong đêm giao thừa lấy lộc.
Yến Năng chia sẻ, mức giá 68 nghìn/ 1 bộ sản phẩm hầu như không lãi nhiều. “Chúng tôi chỉ cần số lãi nhỏ để duy trì sản xuất và giữ một nét văn hóa truyền thống theo cách văn minh. Chúng tôi không định đặt mục tiêu làm giàu”. Tác giả ý tưởng Hùng Dingo khẳng định thêm “Chúng tôi chấp nhận sẽ có nhiều hàng nhái, bán rẻ hơn, như thế đồng nghĩa mục tiêu giảm khói, giản lược vàng mã thờ cúng đã là thành công. Bỏ hẳn thói quen này thì lý tưởng nhất nhưng có lẽ chưa khả thi”. 
Trước Tết âm một tháng, Yến Năng khoe “vàng mã nhỏ đẹp” có phản hồi rất tốt trên mạng xã hội và với khách chung cư. “Thay vì sát Tết tắc đường phải chở lồng cồng ông Công ông Táo, căng thẳng để về đến nhà không bẹp thì nay chúng tôi chỉ xách ba chiếc hộp bé nhẹ tênh”.
Họ hỏi thêm nhiều mẫu dạng thu nhỏ như bộ 5 ngựa ngũ sắc, bộ mã toàn tông tím... Nhiều khách Việt Kiều đã đề nghị nhập hàng sang bán cho người Việt, người Hoa xa xứ.
Các hoạ sĩ và 'công cuộc' cải cách vàng mã ảnh 2 Ngựa giấy không cần khung tre vẫn đứng đẹp
Có thể các làng nghề sẽ bắt chước thu nhỏ tất cả các mẫu vàng mã, và rồi người phát minh “vàng mã nhỏ” sẽ không đủ vốn và sức để chạy đua với thị trường. Có thể Hùng Dingo lại tiếp tục sống nhờ bằng nghề chữa máy ảnh cơ, Yến Năng an phận với xưởng đóng bàn thờ tối giản như trước đây. Chỉ khác là căn cứ vào dữ liệu ngày họ công bố trên trang cá nhân về sáng tạo của mình, chắc chắn họ sẽ được nhắc đến như những hiệp sĩ cải cách vàng mã cũng như thói quen tâm linh của người Việt.
MỚI - NÓNG