Chuyện danh họa bán vàng nuôi khóa Mỹ thuật Kháng chiến

Thầy và trò khóa Mỹ thuật Kháng chiến đi vẽ và triển lãm tại Lào Cai khi thị xã vừa giải phóng tháng 1/1951- Ảnh từ sổ tay của cố họa sĩ Nguyễn Thế Vy.
Thầy và trò khóa Mỹ thuật Kháng chiến đi vẽ và triển lãm tại Lào Cai khi thị xã vừa giải phóng tháng 1/1951- Ảnh từ sổ tay của cố họa sĩ Nguyễn Thế Vy.
TP - Thời kháng Pháp, mỹ thuật giữ vai trò tích cực và quan trọng trong tuyên truyền. Chính vì thế, khóa cán bộ mỹ thuật do họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) phụ trách ra đời giữa núi rừng Việt Bắc. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lúc bấy giờ, không ít họa sĩ trưởng thành từ khóa học để lại những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Tất cả vì học sinh

Từ dự án làm sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) do quỹ Kim Long khởi xướng, tư liệu về khóa học đặc biệt này được hâm nóng. Cuốn sách tóm lược sự nghiệp, đường đời của 22 người dự học khóa này: Đào Đức, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Lê Nguyên Lợi, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Trần Dư, Trịnh Thiệp, Nguyễn Thế Vỵ, Trịnh Kim Vinh, Ngọc Linh, Ngô Minh Cầu, Thu Dung, Ngô Tôn Đệ, Đặng Đức, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Thục Phi, Trịnh Phòng và Linh Chi.

Điểm số của học viên tính theo thang 20, nhưng cao nhất cũng chỉ đến 16,5- là số điểm bài tập hình họa Bà Khiêm của Ngô Mạnh Lân đạt được. Điều đáng nói là trước đó điểm của Lân chỉ lèo tèo 3-4. Một trong những động lực để các họa sĩ vượt lên chính mình: Điểm quá kém sẽ bị giảm biên chế, đồng nghĩa với cắt học bổng tương đương 20kg gạo/tháng. Theo người viết sách Đào Mai Trang, đây là sức ép kinh khủng trong hoàn cảnh lúc đó, vừa động đến danh dự, sĩ diện của tuổi trẻ, vừa đánh vào nỗi lo cơm gạo hàng ngày.

Chuyện danh họa bán vàng nuôi khóa Mỹ thuật Kháng chiến ảnh 1 Một tác phẩm tranh cổ động của Thục Phi lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tháng 12/1950, trường bị hạ bậc từ Cao đẳng xuống Trung cấp, đồng nghĩa mức sinh hoạt phí của sinh viên cũng giảm theo. Thầy Tô Ngọc Vân tế nhị không để học viên biết mà bàn với vợ bán cả vàng nhà tích trữ để mua lương thực cho sinh viên. Bà vợ cũng thường xuyên ứng tiền mua thóc, gạo, sắn cho sinh viên khi học bổng về muộn thậm chí mua thêm đất cho trường để tăng gia.

Tô Ngọc Vân phát biểu trong buổi lễ nhập học tháng 10/1950 (họa sĩ Quang Phòng chép lại): “Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại bằng hội họa. Bằng cách đem hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cho cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ thưởng thức hội họa của nhân dân... Chúng ta ghi câu khẩu hiệu: Hội họa là một công tác/ Người vẽ là một cán bộ”.

Nhật ký của họa sĩ Linh Chi ngày 20/10/1953: “Anh Vân nói về tranh phục vụ cũng rõ ràng: Chính ra chúng mình không khổ gì đâu, không hy sinh gì lắm đâu. Nhân dân lao động còn đang khổ nhiều. Chúng mình chỉ hy sinh cái thích làm tranh cho hả hê riêng mình để làm những tranh bây giờ nhân dân đang cần. Vả lại làm những tranh phục vụ kịp thời mình cũng thấy thích kia mà.”

Có ý kiến cho rằng nếu các họa sĩ khóa kháng chiến phát huy con người nghệ sĩ hơn cán bộ thì đóng góp cho mỹ thuật của họ sẽ nhiều hơn(?) Thực ra vẽ gì không quan trọng bằng vẽ như thế nào, với tâm thế gì. Giá trị lịch sử thậm chí còn làm cho những đóng góp nghệ thuật của họa sĩ khóa kháng chiến thêm phần độc đáo.

Trẻ khỏe nhất khóa

88 tuổi, họa sĩ Ngọc Linh vẫn ra phố bằng xe đạp mini. Ông là học viên duy nhất đủ sức khỏe hộ tống Đào Mai Trang đi nhiều nơi lấy tư liệu cho sách. Ông có 10 lần bày triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng. Lần nào, ông kể, cũng đều có các lãnh đạo cấp cao: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh... đến dự khai mạc.

Là cháu nội tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định, sở trường của Ngọc Linh là đề tài miền núi. Bức lớn nhất dài 22m, cao 7m ông vẽ 54 dân tộc Việt Nam từng được bày ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Vẽ căn cứ địa Bắc Cạn hay Côn Đảo trên khổ tranh 10m với ông là thường. Hiện ông vẫn vẽ tranh 2-3m. Ông đã ra sách chân dung nhà khoa học, văn nghệ sĩ và đang ấp ủ xuất bản tập tranh sơn dầu về Hà Nội xưa.

Ngọc Linh góp phần quan trọng trong việc trả lại tên cho tác giả quốc huy Việt Nam Bùi Trang Chước (1915-1992). Ông Chước chính là một trong những người thầy của khóa mỹ thuật kháng chiến, cùng với Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc… Ông Linh cho hay đã kiên trì trong 16 năm gửi tổng cộng 48 cân đơn từ, tài liệu tới các cấp lãnh đạo để làm rõ nỗi oan của thầy. Ông cho hay vừa lên thành phố “đấu tranh” để có phố mang tên thầy.

Về thời mẩu chì than cũng quý như vàng, Ngọc Linh kể: “Chúng tôi mơ ước có giấy để vẽ. Khi hòa bình về vẽ trên tờ giấy học sinh thấy thích quá. Chứ hồi xưa chỉ có giấy bản, giấy báo, vẽ bột màu không cẩn thận thủng ngay”. Các học viên phải cắt lông đuôi ngựa buộc vào đầu đũa thay bút. Màu vẽ lấy từ đít chảo hoặc gạch vụn. “Hồi kháng chiến thì gian khổ nhưng vẽ rất nhiều. Lớp tôi vẽ ký họa nhanh lắm. Vì lên lớp xong lại xuống dân vẽ suốt ngày,” ông kể.

Chuyện danh họa bán vàng nuôi khóa Mỹ thuật Kháng chiến ảnh 2 Họa sĩ Thục Phi, họa sĩ Ngọc Linh cùng tác giả Đào Mai Trang. Ảnh: N.M.Hà.

Ngọc Linh có nhiều đóng góp cho mỹ thuật điện ảnh. Ông làm 25 phim từ Biển động, Chung một dòng sông (cùng Đào Đức) đến Vợ chồng A Phủ, Sao tháng Tám, Kim Đồng, Ông tiên trong tù, Tội và tình, Vụ án hồ Con Rùa… Ngành điện ảnh xem ra cũng không đến nỗi bó buộc chất nghệ sĩ. “Tôi đại tự do, không phải đến cơ quan,” ông khoe. “Cứ ở nhà, khi nào có phim, ô tô đến đón. Nhưng tôi đã làm là đến nơi đến chốn. Nhiều đạo diễn muốn mời tôi. Nên có diễn viên vô kỷ luật, tôi yêu cầu, đạo diễn cũng phải thay luôn”.

Những ngày xưa... sung sướng

Sự cương nghị vẫn ánh lên trong mắt bà Thục Phi- một trong hai nữ học viên của khóa. Hỏi “thân gái” đi học xa có gì thiệt thòi, bà đáp: “Hồi đấy sống đơn giản. Mỗi người đều rất tốt. Anh chị em nói chung hoàn cảnh giống nhau, ước mơ giống nhau, cùng nhau chịu gian khổ, chia sẻ tất cả. Thành ra đối với nhau rất thương yêu. Ít tuổi, có nam có nữ thì tất nhiên cũng có khi người này yêu mến người kia hoặc cảm thấy hình như là yêu mến đấy. Đó là những chuyện bình thường của mọi tập thể. Nhưng không có cái gì gọi là thiệt thòi”.

Trường lưu động từ Thái Nguyên đến Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ. Chủ yếu ở nhờ nhà dân, nhưng nhiều khi các học viên cũng phải tự làm lán, rồi đi kiếm củi, thay phiên nhau phụ cấp dưỡng nấu cơm. Lần đầu nấu cơm, Phi tưởng không vần nổi cái nồi nấu cho hai chục người. “Nghĩ mãi, xong tôi mới kê ghế ngồi áp hai chân vào cái nồi, xoay,” bà nhớ lại. “Đi như thế tức là xác định phải tự rèn luyện. Cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được. Tất nhiên phụ nữ yếu hơn, nhút nhát hơn, ra ngoài cũng dễ bị bắt nạt. Nhưng bà con tốt lắm, người ta thương yêu mình như con cháu, nên chả vấn đề gì”.

“Ngày xưa khổ thì khổ thật. Trong lòng nói rằng, thôi bây giờ chúng mình chịu khổ để sau này cho con cháu mình hưởng độc lập được sung sướng,” bà Phi nói. “Nhưng quả thật bây giờ các con cháu không có được những điều sung sướng như ngày xưa. Tình người, tình đoàn kết, tình đùm bọc của nhân dân lúc bấy giờ nó khác…”.

Nhìn lại những cống hiến của bản thân: “Tôi không nghĩ gì đến việc người ta đánh giá mình như thế nào. Tự mình biết. Thứ nhất, mình đã đem hết tấm lòng, hết sức lực ra đóng góp. Thứ hai, cũng có hiện vật, tác phẩm để lại. Tôi không bao giờ tự cho mình là một họa sĩ có tài. Tất nhiên có năng lực để làm việc, cũng có nét riêng, nhưng tôi không bao giờ cho rằng đóng góp của mình phải được ghi nhớ. Tôi cũng chỉ là một người bình thường”.

Có vẻ như ám ảnh lớn nhất của các học viên là cái đói. Họa sĩ Ngọc Linh cho biết: “Mỗi tháng được 12 cân gạo, ăn cơm độn sắn khoai. Nhưng mình cứ đến nhà bà con vẽ chân dung, họ có trứng gà hay sắn cho mình ăn. Học sinh cứ đi lang thang thế, dân nuôi là chính”. Chính Ngọc Linh từng bị xếp vào danh sách “giảm biên chế”, nhưng ông vẫn xin ở lại học và đi kiếm củi bán để bù vào phần học bổng bị mất.

Thục Phi có thời gian ngắn làm họa sĩ trình bày báo Tiền Phong, rồi về gây dựng tờ Thiếu Niên. Bà lập nên Xưởng tranh Cổ động thuộc Tổng cục Thông tin năm 1966. Theo bà cuốn sách của Đào Mai Trang làm trong 2 năm vẫn chưa nói hết các khía cạnh của khóa học: “Nhiều điều quanh khóa học sẽ còn gây tranh luận...”

MỚI - NÓNG