Công lao âm thầm của con dâu nhà thơ Thế Lữ

Bà Phạm Thảo Nguyên
Bà Phạm Thảo Nguyên
TP - Còn nhớ, vào quãng cuối năm 2012, tôi nhận được một lời đề nghị của chị Phạm Thảo Nguyên qua email rằng chị muốn gặp tôi (đại diện cho Khoa Viết văn-Báo chí, nơi tôi công tác) để trao tặng một món quà ý nghĩa: bản số hóa toàn bộ báo Phong Hóa - Ngày Nay của Tự lực văn đoàn.

Tôi vô cùng bất ngờ và lấy làm may mắn vì nhận được món quà to lớn và vô cùng quan trọng như vậy. Ngay sau đó tôi đã mời chị đến nói chuyện với học viên Viết văn và tiến hành trao tặng món quà quý giá cho Khoa.

Món quà này quan trọng ở chỗ: trong nước chưa thấy ở đâu và người nào có đủ bộ Phong Hóa –Ngày Nay, mà thường là các bộ lẻ, thiếu khuyết, hoặc bị rách nát hư hoại ít nhiều.

Theo đó, dữ liệu để cung cấp cho những ai muốn khảo cứu về hai tờ báo này, muốn hiểu được hoạt động cũng như thành tựu và đóng góp của hai tờ báo, rộng ra là của nhóm Tự lực văn đoàn chưa khi nào được thỏa mãn. Cũng do thiếu tư liệu, không ít những tri thức, những nhận định về hai tờ báo này cũng như về nhóm Tự lực văn đoàn hoặc không chính xác, hoặc bị sai lệch, nhất là khi bị các định kiến chi phối. Công trình này do chị Phạm Thảo Nguyên trong vai trò chính cùng một số cộng sự của mình đã công phu tiến hành với một kết quả ngoài mong đợi.

Nhờ dữ liệu số hóa đầy đủ các bản Phong Hóa gồm 190 số và Ngày Nay gồm 224 số (kéo dài trong suốt 8 năm: 1932-1940), công trình đã cống hiến cho giới nghiên cứu và độc giả Việt Nam một kho tàng báo chí, văn hóa to lớn và đặc sắc. Một đóng góp hào hiệp như vậy, công lao của chị Phạm Thảo Nguyên là rất lớn.

Thấm thoắt đã đến 6-7 năm trời.

Nay, qua email, chị lại viết thư cho tôi với nhã ý muốn tặng tôi quyển sách mà chị vừa cho ra mắt: “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” (NXB Hồng Đức, 2018).

Thì ra, sau công trình số hóa Phong Hóa và Ngày nay, chị vẫn đau đáu nỗi niềm về chúng, về nhóm Tự Lực văn đoàn và các thành viên của nhóm, nơi có nhà thơ Thế Lữ, bố chồng của chị là thành viên chủ chốt.

Quyển sách được in ấn khá đẹp gồm 3 phần: Phần 1, khảo cứu về chiếc áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường  được báo Ngày Nay cổ súy và ủng hộ nồng nhiệt (cùng với việc khảo cứu về lịch sử áo dài Việt Nam nói chung); Phần 2, tập hợp một số chuyên luận khảo cứu về lịch sử hai tờ báo, về một số tác giả thành viên của nhóm, về một số chủ đề nội dung trên hai tờ báo này; Phần 3: Tư liệu tranh của một số họa sĩ Việt Nam đầu tiên in trên Phong Hóa, Ngày Nay.

Công trình này giúp cho độc giả hiện giờ một số thông tin rất quan trọng và hữu ích: Lịch sử hình thành, phát triển và số phận của hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay; con số các thành viên chính thức của Tự lực văn đoàn; họa sĩ Lemur Cát Tường và lịch sử chiếc áo dài Việt Nam; về bố mẹ chồng của tác giả: Ông/bà Thế Lữ; về lai lịch của mấy “nhân vật” biếm họa  nổi tiếng: Lý Toét, Xã Xệ. Để có được những tri thức chính xác và quý giá này, tác giả của công trình đã có một thái độ làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, coi trọng tư liệu đầu nguồn, và trên hết là một tấm lòng ân tình đối với “Những người muôn năm cũ”, đối với văn hóa, lịch sử dân tộc và đất nước.

Chị tên thật là Phạm Thị Thảo, sinh tại Hà Nội, sau theo gia đình vào Sài Gòn; tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Toán, làm nghề dạy học. Năm 1966 kết hôn với anh Nguyễn Thế Học (Tiến sĩ toán), con trai út của nhà thơ Thế Lữ. Sau đó theo chồng sang châu Âu, cùng chồng nghiên cứu và giảng dạy toán học. Hiện chị đã nghỉ hưu và dành thời giờ cho việc nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam. Chị đã từng xuất bản: “Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du” (2009).

Trở lại với cuốn sách “Áo dài Le Mur và bối cảnh Phong Hóa &Ngày Nay”, tôi xin dẫn lời của nhà thiết kế Sĩ Hoàng đánh giá về công trình này: “Tôi chỉ có thể nói một từ: Tuyệt! Không chỉ là một cuốn sách viết về tác giả tác phẩm, mà nó còn như một cuốn sử học về Áo dài phát triển trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ trước và sau chiến tranh, của một số phận tài hoa, gắn với tà áo hoa gấm cho biểu tượng văn hóa đẹp của người Việt”.

Năm nay, khi đi sắm Tết, chắc không ít người sắm món quà chữ của chị Phạm Thảo Nguyên.

Những ngày áp Tết

Công lao âm thầm của con dâu nhà thơ Thế Lữ ảnh 1 Mẫu áo dài Lemur đầu tiên
Công lao âm thầm của con dâu nhà thơ Thế Lữ ảnh 2 Hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài Lemur như các phụ nữ tân thời trong nước
MỚI - NÓNG