Cũ và nhạt

Cũ và nhạt
TP - Thế là Táo Quân đã tròn 15 tuổi và lình xình với thư ngỏ phản đối  của những  tổ chức bảo vệ quyền con người. Họ cho rằng chương trình  có những lời thoại phản cảm gây tổn thương cho những thành viên của cộng đồng LGBT.

Một người tham gia viết Táo quân bào chữa: “Nếu như cộng đồng LGBT cho rằng việc lôi hình ảnh Bắc Đẩu ra chế nhạo xúc phạm họ thì những tác phẩm kinh điển như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mô tả Thị Nở xấu xí một cách thậm tệ là xúc phạm tới phụ nữ hay sao”. Một “bào chữa” khó thuyết phục. Dù là tác phẩm kinh điển chăng nữa thì miêu tả Thị Nở thậm xấu không phải là “thành tích” của Nam Cao trong “Chí Phèo”, điều này có lẽ không cần tranh luận thêm.

Thực ra, cái sự nhảm và nhạt là điều không thể tránh khỏi ở một chương trình đã kéo dài tới 15 năm. Một trong những gương mặt quen thuộc tham gia ê-kip viết kịch bản Táo Quân, “giáo sư Cù Trọng Xoay” đã từng thú nhận: “Táo quân với tôi như một kì thi cuối năm. Nguyên liệu để tạo nên nội dung thực sự không nhiều (…). Tình trạng “bí” ý tưởng diễn ra mọi lúc, mọi nơi”. Rồi chủ xị chương trình Táo quân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng đã lường trước: “Táo quân 2018 sẽ tạo ra nhiều luồng ý kiến”. Nhưng tạo luồng ý kiến bằng văn bản phản đối hẳn hoi chắc là điều không ai trong ê-kíp thực hiện Táo quân mong muốn. Để chương trình đến mức khiến một cộng đồng người cảm thấy bị tổn thương là điều đáng phải suy nghĩ nghiêm túc. Phải chăng sự bí đề tài, bí ý tưởng sáng tạo đã khiến những người “nhào nặn” Táo quân luống cuống nên “sa chân”? Điều đó càng chứng tỏ, người ta đang thiếu kịch bản hay cho “món ăn không thể thiếu” trong đêm giao thừa của nhiều khán giả truyền hình Việt.

Từ sự khó khăn trong sáng tạo kịch bản Táo quân, nhìn sang các lĩnh vực văn nghệ khác cũng thấy tình trạng tương tự. Nhà làm phim điện ảnh than thiếu kịch bản hay, nhà làm phim truyền hình bây giờ cũng thường xuyên vay mượn kịch bản nước ngoài rồi dùng biện pháp Việt hóa. Từ “Sống chung với mẹ chồng” đến “Người phán xử” tưng bừng là thế, đều là những “đứa con” có nguồn gốc ngoại lai. Lĩnh vực văn học về mặt sản lượng không có gì phải xấu hổ so với quá khứ. Sách văn học ra đời mỗi tháng, mỗi năm tơi tới. Vấn đề cần bàn là chất lượng. Ngày càng nhiều tác phẩm văn học bị nghi ngờ “đạo”, ngoài đánh giá tư cách, còn chứng tỏ sự loay loay, bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật của người viết. Riêng giải thưởng văn chương ở ta hiện nay cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng nói. Thí dụ, không ít người ngạc nhiên khi giải thưởng sông Mê kông 2017, lại trao cho tác phẩm được xuất bản từ năm 1990. Điều đó cho thấy những tác phẩm đáp ứng tiêu chí của giải thưởng này thời gian gần đây kể như cạn kiệt hoặc không đạt chất lượng.

Cuối cùng, vẫn cần một sự mạnh dạn. Như đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng nói về chương trình Táo quân: Có bắt đầu thì cũng có kết thúc. Mạnh dạn khép lại một cánh cửa, cũng là cách tạo  cho mình một cơ hội hướng tới tương lai. Khép lại Táo quân khán giả biết đâu lại được thưởng thức một món ăn khác mới mẻ và hấp dẫn hơn? Khép lại một giải thưởng văn chương có khi cũng giúp cho nhiều nhà văn không  mất thời gian hi vọng vào một mảnh đất mà mình không có khả năng cày xới.

MỚI - NÓNG