Đại sứ thiện chí Hoa anh đào có gì đặc biệt?

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội thường phải kéo dài ngày hơn dự kiến do đông người tham quan. Ảnh: Ngọc Châu
Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội thường phải kéo dài ngày hơn dự kiến do đông người tham quan. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Lần đầu tiên UBND TP Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tuyển chọn Đại sứ thiện chí Hoa anh đào, trong khuôn khổ Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội 2019.

ÐẠI SỨ ÐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội gây ấn tượng với công chúng thủ đô qua mấy mùa, do UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản chủ trì, phối hợp Cty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức. Năm nay, lễ hội khai mạc 20h tối 29/3 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đánh giá đây là sự kiện quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa Nhật Bản với người dân thủ đô.

Điểm nhấn của lễ hội lần 4 này là cuộc thi lần đầu lựa chọn Đại sứ thiện chí Hoa anh đào, nhằm thu hút sự quan tâm tìm hiểu và yêu mến của các bạn trẻ về những nét đẹp văn hóa của đất nước con người Nhật Bản đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu hai nước.

Một số tiêu chí chọn Đại sứ: Nữ công dân 18 đến 28 tuổi sinh sống, học tập tại Hà Nội hoặc có hộ khẩu Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, có khả năng giao tiếp tiếng Nhật trình độ N4 trở lên. Hiểu biết văn hóa con người Nhật Bản, sức khỏe tốt đảm bảo tham gia các hoạt động của cuộc thi, chưa kết hôn và chưa sinh con.

Vòng sơ khảo, thí sinh thi kiến thức dưới dạng trắc nghiệm trong 20 phút về văn hóa Nhật Bản, mối quan hệ hữu nghị hai nước. Đề thi do giáo viên trong ngành biên soạn, Đại sứ quán Nhật giám sát. BGK phỏng vấn trực tiếp thí sinh trước khi họ được kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Nhật với giám khảo Nhật Bản.

Hội đồng giám khảo chọn 15 thí sinh xuất sắc vào vòng trong dựa trên tổng điểm ba phần thi. Top 15 tham gia hoạt động đồng hành như thăm hỏi động viên và tặng quà người cao tuổi tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Sóc Sơn. Thí sinh tìm hiểu các nét văn hóa Nhật Bản như làm món ăn Nhật và thực hành trà đạo tại Trung tâm Ajinomoto Cooking Studio. Top 15 này tham gia lớp đào tạo về giao tiếp ứng xử và biểu diễn nghệ thuật, thông qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện với thành viên từng tham gia giao lưu văn hóa tại Nhật.

Vòng chung kết tối 28/3 tại rạp Đại Nam, trình diễn trang phục áo dài, thi hùng biện ngắn. Giám khảo chọn 5 thí sinh xuất sắc thi ứng xử bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Đại sứ thiện chí Hoa anh đào ra mắt tối 29/3 nhân lễ khai mạc lễ hội Hoa anh đào.

KỲ VỌNG

Ông Lê Vinh, Phó TGĐ Cty AIC-đơn vị phối hợp tổ chức - cho biết cuộc tuyển lựa Đại sứ thiện chí Hoa anh đào nên tiêu chí sắc đẹp không quá khắt khe, không cần tới vòng nhân trắc học, tuy nhiên BTC mong Đại sứ có vẻ đẹp hài hòa tương xứng với trình độ cũng như sự hiểu biết về văn hóa, đất nước Nhật Bản.

BTC tiếp cận và quảng bá cuộc thi với sinh viên 9 trường đại học có khoa tiếng Nhật và Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc. Thí sinh có thể tiếp cận thông tin về cuộc thi qua nhiều kênh như tờ rơi, banner, tìm hiểu qua trang web cuộc thi và trên một số tờ báo.

“Cuộc thi yêu cầu tiếng Nhật trình độ tối thiểu N4 nên được khoanh vùng tương đối hẹp. Có thể nói chất lượng thí sinh tương đối cao về trình độc học vấn, tri thức. Đây lựa chọn đại sứ nên BTC, BGK không đặt nặng yêu cầu hình thể và nhan sắc, nhưng ứng viên đạt danh hiệu cần có hình thức phù hợp”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nói. Độ tuổi thí sinh nới rộng tới 28 tuổi, BTC mong thu hút cả thí sinh từng học tập và lao động ở Nhật. Nhà báo Lê Xuân Sơn đánh giá cao quy mô và cách thức tổ chức. Đặc biệt hoạt động đồng hành với sự theo sát và chấm điểm của giám khảo giúp việc đánh giá sâu sát hơn.

Hội đồng Giám khảo ngoài nhà báo Lê Xuân Sơn có ông ASAZUMA Shinichi, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản, bà HASUMI Hisako, Chủ tịch Ủy ban Nữ hoàng Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản, Nữ hoàng Hoa anh đào Nhật Bản lần thứ nhất, ông Nguyễn Phú Bình, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Quánh Ninh Tùng, Đại diện Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC. Nữ hoàng Hoa anh đào Nhật Bản vốn là một hoạt động trọng tâm của Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản, tổ chức lần đầu năm 1966, sau đó là hai năm/lần để tìm người đại diện xứng đáng cho loài hoa đặc trưng cho Nhật Bản.

Hội đồng giám khảo chọn ra các danh hiệu: Đại sứ thứ nhất, nhận giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt. Đại sứ thứ hai, nhận 30 triệu đồng. Hai đại sứ có cơ hội tới Nhật theo lời mời Hiệp hội Hoa anh đào Nhật Bản để giao lưu văn hóa. BTC cũng trao thêm hai giải phụ, trị giá 5 triệu đồng mỗi giải.

Đại sứ thiện chí Hoa anh đào có gì đặc biệt? ảnh 1 Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ - Hà Nội vào ngày 29-31 tháng 3. Ảnh: Ngọc Châu 

Cty AIC đang gấp rút chuẩn bị thiết kế cho trưng bày hoa anh đào sắp tới. Khoảng 20 nghìn cành hoa vận chuyển bằng đường hàng không, hứa hẹn không thua kém các mùa lễ hội trước. “Điểm nhấn năm nay là BTC đưa vào mô hình bảy kỳ quan thế giới như Vạn Lý Trường Thành, núi Phú sĩ, tháp Eiffel bên cạnh các tiểu cảnh hoa anh đào”, ông Lê Vinh nói.

MỚI - NÓNG