'Giai phố cổ viết văn'

Nhà văn Nguyễn Việt Hà. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Nguyễn Việt Hà. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Năm 1999 tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” xuất hiện trên văn đàn sau một số truyện ngắn in lẻ tẻ trên các báo. Cái tên tác giả Nguyễn Việt Hà lạ lẫm được không ít nhà văn thắc mắc. Nguyễn Việt Hà là ai? Nam hay nữ? 

Tên, đệm đích thị là nữ nhưng giọng điệu, khẩu khí văn chương rõ ràng là của một trang nam tử thậm chí còn là cực mạnh mẽ về khí chất đàn ông. Thắc mắc dần được sáng tỏ bởi sức lan tỏa của cuốn tiểu thuyết. Không mấy lạc quan về văn chương Việt nhưng nếu ai đã đọc “Cơ hội của Chúa” cũng đều có cảm nhận tích cực về tiểu thuyết này và manh nha ghi nhận một nhà văn mới đầy tài năng xuất hiện.

Quả nhiên là vậy, những hiệu ứng mang lại từ cuốn tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” với sự mới mẻ từ cách tiếp cận đời sống, văn phong độc đáo, hiện đại đến nội dung có nhiều khác biệt với các tiểu thuyết truyền thống đã đưa cái tên Nguyễn Việt Hà được văn giới tiếp nhận trong sự nể trọng. Không có gì ngạc nhiên khi sau cú hích thành công “Cơ hội của Chúa”, Nguyễn Việt Hà khuynh đảo văn đàn bằng những sáng tác kế tiếp. Tiếp nối “Cơ hội của Chúa” là những tiểu thuyết đầy ám ảnh “Khải huyền muộn” và “Ba ngôi của người”. Xen kẽ là những tập truyện ngắn và tạp văn nhuốm sắc màu phố thị với đời sống thị dân đặc sệt của những thế hệ người Hà Nội khuôn gọn trong 36 phố phường của một đô thị cũ và dần mở ra một Hà Nội hiện đại với những xô bồ không thể tránh của công cuộc đô thị hóa. Nói điều này hơi thừa, nếu không có những nhà văn phố thị như Nguyễn Việt Hà thì công cuộc đô thị hóa này khó được nhìn nhận công tâm ở những chiều kích trái ngược trong cả sự phát triển quy luật cũng như sự thụt lùi ở nhiều lĩnh vực nhất là văn hóa sống của lớp thị dân hiện đại.

Với tạp văn của Nguyễn Việt Hà, tôi đặc biệt yêu thích những phát hiện lý thú của anh về đời sống của một Hà Nội cả xưa và nay kiểu như “Con giai phố cổ” hay “Đàn bà uống rượu”. Vốn liếng đời sống của Nguyễn Việt Hà dày dặn khi bản thân anh là giai phố cổ. Phố cổ hay phố cũ cũng đã được bàn luận khá nhiều nhưng chẳng quan trọng với trường hợp Nguyễn Việt Hà (Hà Nội có phổ cổ là những phố có tên Hàng và các phố cũ, phố Tây xen kẽ, bao bọc). Chỉ biết anh là nhà văn viết gần như duy nhất đề tài về phố. Kiểu viết của Nguyễn Việt Hà cũng khác người. Thường thì viết về Hà Nội hay nghiêng về hai khuynh hướng hoặc là trải nghiệm thuần túy hay là trích dẫn cứ liệu. Lối viết đầu phụ thuộc hoàn toàn vào trí nhớ và kinh nghiệm sống. Cách viết thứ hai khô khan tôi không thích và những bài viết đó có lẽ chỉ hợp với dân nghiên cứu, tìm hiểu hoặc giản đơn nhất là du lịch chứ không phục vụ sự thưởng lãm văn chương. Nguyễn Việt Hà thiên về trải nghiệm nhưng có bổ sung những trích dẫn cần thiết làm tăng sức nặng bài viết. Những trích dẫn của Nguyễn Việt Hà do tính chính xác của tư liệu và với dung lượng vừa đủ nên không phá vỡ những gì do trải nghiệm mang đến. Điều mà người đọc rất cần ở các nhà văn trong sự khai phá này.

Miên man về tác phẩm của Nguyễn Việt Hà không phải để tôi giới thiệu tác giả này đã viết được những gì với bạn đọc. Chuyện đó nhiều người đã làm trong đó có không ít nhà phê bình tên tuổi. Điều tôi muốn đề cập nằm ở chính thắc mắc đầu bài. Nguyễn Việt Hà là ai, nam hay nữ? Đến đây thì cũng chẳng còn có gì khó hiểu nữa. Bút danh này cũng khá độc đáo bởi nó là họ tên y chang của người bạn đời Nguyễn Việt Hà. Một gã con giai phố cổ một ngày đẹp giời ngẫu hứng viết văn và lấy tên vợ làm bút danh. Điều ấy đáng kể đấy chứ. Tôi thuộc loại cực đoan trong việc ký tên tác giả. Từ một mẩu báo, dòng tin tôi bao giờ cũng lấy tên thật. Thoạt đầu nghe chuyện lấy bút danh bằng tên vợ của Nguyễn Việt Hà tôi đã cười cười. Lại thêm một nhà văn lụy bóng hồng chuyên nghiệp nữa đây. Không lụy thì hà cớ gì phải lấy tên vợ đặt cho bút danh của mình. Là cười cợt vu vơ thế thôi chứ chẳng có gì nghiêm trọng cả. Đến tận bây giờ trong các cuộc gặp gỡ có Nguyễn Việt Hà tôi toàn gọi tên bút danh này và quên khuấy tên thật của anh. Trong sao lưu điện thoại cũng vậy tên Nguyễn Việt Hà chễm trệ thay cho tên thật. Mà cũng chẳng cứ tôi, trong các đối thoại giao tiếp tôi thấy những người khác chẳng cứ nhà văn đều gọi tên này. Một cái tên mượn làm mất hẳn đi tên thật hẳn cũng đã là thành công đáng kể của tác phẩm Nguyễn Việt Hà mang lại.

Tôi gặp Nguyễn Việt Hà ngay sau khi cuốn “Cơ hội của Chúa” ra đời được ít thời gian. Một nhà văn đàn anh giới thiệu Nguyễn Việt Hà với tôi và nhà văn Thùy Linh. Đều là những người mến mộ tác phẩm của Hà nên cuộc gặp khá dễ chịu và hòa đồng. Nguyễn Việt Hà có một vẻ tự tin kiểu chân thành. Ngay lần đầu gặp gỡ nhưng Hà khá cởi mở với chúng tôi. Dân văn có những kiểu gặp gỡ như vậy. Chỉ một lần thoáng qua nhưng nếu hợp tính hợp nết thì cái sự “gặp” chẳng nệ vào ít nhiều. Nguyễn Việt Hà nhanh chóng gia nhập nhóm văn tửu chúng tôi.

Nói thêm ở Hà Nội bấy giờ các nhà văn hay chia thành những nhóm chơi với nhau. Như đã nói chỉ là những điều kiện hợp tính hợp nết. Nhóm của tôi bấy giờ gồm mấy anh em thân thiết như nhà văn Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập... đều là những người thích rượu và uống rượu giỏi. Chẳng mấy hôm chúng tôi không gặp nhau bù khú. Nghề văn nghệ không bó buộc giờ giấc như công sở hành chính nên cứ tầm trưa là điện thoại í ới hẹn hò địa điểm. Nguyễn Việt Hà nhập nhóm rất nhanh bởi “giai phố cổ” này uống cũng thành thần. Có chút khác biệt là trong cuộc rượu Nguyễn Việt Hà luôn là người say mê nói. Chủ đề của Hà không bao giờ chệch khỏi văn chương, chữ nghĩa. Đã ngót nghét hai mươi năm trôi đi từ “Cơ hội của Chúa” thì Nguyễn Việt Hà vẫn giữ nguyên phong thái ấy. Sự say mê văn chương dường như đã ăn vào mạch máu, huyết quản “giai phố cổ” để rồi như một sự tuôn trào cái mạch văn ấy của Hà cả trên trang viết và đời sống thường nhật.

Nguyễn Việt Hà học và làm nghề kinh tế. Anh là công chức của một ngân hàng Nhà nước. Khi có vài cuốn sách làm lưng vốn có lẽ sự bó buộc của bộ máy hành chính cản trở đến những đam mê văn chương của mình nên Hà bỏ việc. Thời điểm ấy công chức ngân hàng là một nghề đáng mơ ước vì thu nhập cao và có vị trí giai tầng xã hội (chắc là ở những giao dịch cho vay tiền) nhưng Nguyễn Việt Hà kiên quyết bỏ. Về điểm này có lẽ chỉ những người có máu mê văn chương mới có kiểu hành xử quyết liệt như vậy. Bỏ là bỏ, thích là làm, mọi sự cứ thẳng tưng khỏi cần toan tính. Chả thế người ngoài luôn nhìn nhận mấy ông mấy bà văn veo như một thứ người lập dị, gàn dở. Tôi nhìn nhận hành động này của Nguyễn Việt Hà một cách vì nể. Nể chứ, ngay như tôi tính khí bất cần luôn bị áp lực cơ quan đè nặng nhưng bao bận tính bỏ việc về làm người viết tự do nhưng nào có thành. Cuối cùng vẫn phải đợi đến đúng ngày lĩnh sổ hưu mới thở phào khoan khoái về làm người tự do để... dưỡng già. Kể từ ngày rời biên chế Nhà nước đến nay gần hai chục năm, Nguyễn Việt Hà bằng sự viết lách vẫn cân bằng được cuộc sống của mình. Nghề viết văn chẳng có ai giầu nhưng để sống được bằng chính những con chữ của mình viết ra thì cũng ít nhà văn làm được. Đa số phải nương vào vị trí có được từ danh tiếng văn chương của mình như làm lãnh đạo hay bằng thu nhập từ một nghề khác liên quan kiểu như báo chí, truyền hình, điện ảnh... Nguyễn Việt Hà hoàn toàn có thể tự hào là một trong số ít các nhà văn sống đàng hoàng bằng nhuận bút. Dù nhuận bút ở xứ ta ngày một thụt lùi khi báo giấy hết thời trong thời đại lên ngôi của báo mạng.

Nguyễn Việt Hà có bút lực sung mãn. Không còn cơ quan trì kéo, Hà như cánh chim sổ lồng lao vào viết. Thời điểm này những truyện ngắn, tạp văn của Nguyễn Việt Hà in tới tấp các báo. Toàn những bài viết giá trị cao về văn chương. Đề tài phố thị tiếng là rộng nhưng rất kén người viết. Chẳng phải ai cũng viết nổi đề tài này nếu không có những vốn liếng hiểu biết và theo cách nói của tôi là phải có trí tuệ phố. Trí tuệ chứ sao. Sự hiểu biết kèm theo trải nghiệm sống và năng lực thể hiện là trí tuệ của một người viết chuyên nghiệp. Trong giới sáng tác, Nguyễn Việt Hà là người hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực. Đó là một nhà văn chịu khó đọc vào bậc nhất. Đa số các nhà văn khi đã thành danh trở nên lười đọc một cách khó chịu. Không tìm hiểu mở mang kiến thức đã đành còn chẳng chịu đọc của đồng nghiệp. Với Nguyễn Việt Hà thì khác. Ngày ngày như một thói quen cố hữu, Nguyễn Việt Hà vào thư viện đọc. Từ nhà ở phố Nhà Chung, Hà đi bộ ra thư viện Quốc gia đọc suốt buổi. Tôi ghi nhận Hà Nội có hai văn sĩ chăm đi thư viện là Nguyễn Việt Hà và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn. Không nói quá có lần tôi thấy nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đọc sách ở ghế đá trong sân thư viện tay cầm bánh mỳ và cạnh đó là chai nước suối. Đỗ Minh Tuấn say mê đến mức khi tôi chào, nhà thơ ớ ra một lát mới định thần được. Càng nể khi trên tay Đỗ Minh Tuấn là cuốn sách triết học dày cả gang tay. Nhờ việc đọc nhiều nên Nguyễn Việt Hà dẫn luận rất chính xác những tư liệu cần thiết phục vụ cho sáng tác cả văn học lẫn báo chí. Tất nhiên quan trọng nhất là kiến thức anh thu lượm được qua những cuốn sách những tư liệu. Nói ngoài lề một chút, Nguyễn Việt Hà chỉ đọc sách báo giấy. Anh sưu tầm tất cả từ sách chứ không nệ vào mạng internet. Nguyễn Việt Hà gần như là nhà văn hiếm hoi không facebook, blog...không luôn cả mạng xã hội. Việc thư từ bản thảo gửi email đến tòa soạn, nhà xuất bản đều thông qua cố vấn là con gái đầu đảm trách.

Phố Nhà Chung gắn liền với Nhà thờ Lớn. Không ít Noel, Nguyễn Việt Hà mời bè bạn văn chương đến nhà dự tiệc đón lễ. Anh là một người theo Công giáo. Có mặt ở những cuộc đó tôi hiểu Nguyễn Việt Hà là người ngoan đạo. Chính vì thế trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà cảm hứng tôn giáo luôn tràn ngập. Yếu tố tôn giáo làm cân bằng giữa đạo và đời trong thế giới nhân vật của Nguyễn Việt Hà. Khác với những nhà văn viết về tôn giáo dựa vào tín ngưỡng dân gian hay Phật giáo, Nguyễn Việt Hà xây dựng cốt truyện và nhân vật của mình đậm màu sắc và tinh thần Kito giáo. Đây là một điểm mạnh của Nguyễn Việt Hà đặc biệt trong tiểu thuyết. Nó nâng vị thế của anh trong hàng ngũ những nhà văn đương đại. Có không ít các nhà phê bình, nghiên cứu đã làm chuyên luận về đặc điểm tôn giáo trong sáng tác của Nguyễn Việt Hà.

Chàng trai phố cổ Nguyễn Việt Hà thấm thoắt từ “Cơ hội của Chúa” với ngót nghét hai chục năm sáng tác đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tạp văn. Con đường văn chương dấn thân của Nguyễn Việt Hà đã biến anh từ một công chức ngân hàng trở thành một nhà văn chuyên nghiệp sống bằng chính những con chữ của mình không lệ thuộc vào bất cứ hội hè hay tổ chức nghề nghiệp nào. “Giai phố cổ viết văn” theo tôi là một danh hiệu dù chỉ là cách nói vui nhưng đúng và xứng đáng với một nhà văn độc lập chuyên sáng tác về phố thị. Các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà không chỉ được độc giả trong nước đón nhận mà còn được dịch, in trong nhiều tuyển tập ở nước ngoài. “Cơ hội của Chúa” được dịch và in ấn phát hành ở Pháp. Hiếm có một tuyển văn xuôi Việt nào ở bất cứ đâu lại thiếu vắng sáng tác của Nguyễn Việt Hà.

“Giai phố cổ viết văn” Nguyễn Việt Hà đã bước qua ngưỡng “tri thiên mệnh”, tuổi ở văn chương là tuổi chín. Ngày ngày, một Nguyễn Việt Hà cần mẫn, chu chỉnh trong vai trò người chủ một gia đình nhỏ có một người vợ bị mượn tên đảm đang, giỏi giang và hai đứa con đang chớm tuổi trưởng thành ngoan hiền song hành cùng những miệt mài không ngừng nghỉ trên bàn viết. Sự viên mãn đã xuất hiện ở giai phố cổ nhưng tôi tin con đường văn chương của Nguyễn Việt Hà vẫn còn đang rộng mở, vẫy mời. Cũng như máu mê văn chương của anh còn đắm say cả trong trang viết lẫn ngoài cuộc đời.

Hà Nội 13/12/2018

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.