Mất đoàn kết vì… Dương Thụ?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Ca sỹ thị trường cấm kị hát nhạc của “Bộ tứ Sông Hồng”.
Nhạc sỹ Dương Thụ: Ca sỹ thị trường cấm kị hát nhạc của “Bộ tứ Sông Hồng”.
TP - Còn nhớ vào cuối năm 2012, khi chia sẻ về liveshow sau gần 40 năm làm nghề, Dương Thụ khiêm tốn trải lòng trên một tờ báo: “Bình dân hay sang trọng không phải cái mà tôi hướng đến. Đẳng cấp cũng vậy. Tôi làm nhạc một cách tự nhiên. Tôi chỉ biết làm đúng những gì tôi có. Còn nhận xét như thế nào là của người nghe. Chúng ta cần tôi trọng họ”.

Từ người đương thời đến người thiên cổ

Mà nay, sau 8 năm, có vẻ “họa mi hót trong mưa” cũng đã “hót” kiểu khác. Dương Thụ đầy động chạm: “Nhạc của chúng tôi cấm kị để các ca sĩ thị trường hát. Họ không thể hát được nhạc của chúng tôi. Chỉ có những ca sĩ như Tùng Dương mới hát được thôi”. Dương Thụ góp mặt trong họp báo “Tùng Dương hát Bộ tứ Sông Hồng” nên việc khen Tùng Dương là đương nhiên, ca ngợi “Bộ tứ Sông Hồng” là đương nhiên. Nhưng cái cách quảng bá cho live concert của ông thật dễ gây mất đoàn kết. Làng nhạc Việt không “nhảy dựng” mới lạ. Nhạc sỹ Hàn Châu lên tiếng công khai. Tùng Dương “vạ lây”, vừa được người này “nâng lên mây” lại bị người kia “đưa xuống đất”: “Ca sỹ nào mà không thị trường? Cả Tùng Dương bây giờ cũng đang nỗ lực hát để giữ vị trí trong lòng công chúng, được mời show đi diễn… bản thân Tùng Dương cũng thị trường đó chứ. Nếu không làm thị trường thì đừng có ra hát hò gì hết, đi hát mà không lấy cát-xê thì chẳng lẽ cho không? Cũng như Dương Thụ, ổng cũng muốn có nhiều ca sĩ hát nhạc của mình để nhận tiền tác quyền nhiều đó thôi chứ có gì đâu” v.v..

Không dừng ở Tùng Dương, Thanh Lam, Hồng Nhung cũng “được” Dương Thụ “chăm sóc”: “…Cô Thanh Lam, Hồng Nhung mà hát nhạc Trịnh thì hỏng hết. Không cô nào hát ra cái gì cả. Vì đó không phải thời của họ. Nhưng hát nhạc của chúng tôi thì lại hay…”. Thanh Lam hát nhạc Trịnh gây tranh cãi, không phải  chuyện mới mẻ. Nhưng Hồng Nhung là “Bống” của Trịnh kia mà.  Chỉ có Trịnh Công Sơn mới có quyền phán xét: Ai làm hỏng nhạc ông. Nhưng Trịnh Công Sơn hình như điềm đạm hơn Dương Thụ nhiều. Hồng Nhung từng chia sẻ ký ức về Trịnh Công Sơn, nhân 17 năm ngày mất của ông: “Tôi còn nhớ kỷ niệm được đi với anh tới một cơ quan. Ở đó chỉ có những ca sỹ nghiệp dư nhưng anh Sơn rất hạnh phúc. Kể cả khi họ hát sai một, hai nốt anh cũng chẳng vấn đề gì và thấy điều đó rất dễ thương”. Âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung, không có giới hạn cho những sáng tạo. Sau khi  dựng “tượng đài” Khánh Ly trong nhạc Trịnh cũng không có nghĩa đóng khung đó là “tượng đài” duy nhất. Nếu nói Hồng Nhung, Thanh Lam hát nhạc Trịnh hỏng hết chỉ vì nguyên do, đó không phải thời của các cô, nghĩa là đã mặc định thế hệ sau này rồi cũng làm hỏng hết nhạc Trịnh mà thôi. Trong khi nhạc Trịnh có những nhạc phẩm vượt qua ranh giới một thời, chúng ám ảnh người nghe ở tình yêu và thân phận, những vấn đề của loài người muôn thuở. Tại sao cứ phải người thời ấy mới hát được nhạc thời ấy?  Nếu thế, cớ gì  Dương Thụ mạnh dạn tham gia “Chat với Mozart”? Còn dở hơn, khi bỗng dưng Dương Thụ lại đưa Trần Tiến vào thế ái ngại, khi so sánh tác giả “Sao em nỡ vội lấy chồng” hoàn toàn nổi tiếng ngang Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Chẳng hiểu Dương Thụ mang độ nổi tiếng ra so để làm gì? Để ngầm khẳng định Trần Tiến “lớn” ngang Trịnh Công Sơn, Phạm Duy chăng? Dân gian có câu: “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.

Mất đoàn kết vì… Dương Thụ? ảnh 1 “Các cô” Hồng Nhung, Thanh Lam hát nhạc Trịnh thì “hỏng hết”? Ảnh: Nguồn Internet.

“Tấn công” Bolero?

 Dương Thụ thẳng thắn nói: “Chúng ta đang bị vùi dập, đẩy lùi trong xó. Bây giờ toàn những bạn teen teen hát bolero rồi phong thánh nọ, thánh kia, chẳng ra sao cả”. Ông không quên phê bình đài truyền hình “thiếu tử tế khi chạy theo bolero”. Tiếng nói của Dương Thụ trong tình hình bolero trở lại hưng thịnh đến mức đáng ngại như hiện nay là điều cần thiết. Tác giả “Bay vào ngày xanh” trải lòng: “Tôi rất buồn khi các ca sỹ ngày nay cứ chạy theo nhạc xưa, giờ là chạy theo Bolero”. Nhưng có lẽ Dương Thụ cũng không nên buồn làm chi. Biết đâu rồi những “Vẫn hát lời tình yêu”, “Tháng tư về”, “Họa mi hót trong mưa”… của ông lại chẳng có cơ hội trở lại rộn ràng như bolero, nhờ trào lưu “cover” đang bắt đầu chứng tỏ uy lực, cứ quay sang Hà Anh Tuấn sẽ thấy.

Cách đây hơn mười năm khi mới bước vào nghề, người viết bài có dịp được phỏng vấn Dương Thụ ở một quán cà phê tại Hà Nội. Tôi nhớ ông nói, đại ý: Các cô chỉ thích “ồn ào, óng ánh” mà không biết rằng “êm dịu” mới là hay. Thế nên mới có: “Mặt trời mùa xuân xanh thắm/ Vầng mặt trời của em/Rạng ngời mà vẫn không chói lóa/ Thật hiền mặt trời của em…” (Mặt trời dịu êm). Dương Thụ từng là giáo viên dạy văn nên ca từ của ông khá đẹp, một vẻ đẹp mượt mà, gần gũi.  Nếu để ý sẽ thấy ông chuộng những gì bé xinh: “Mơ, em mơ, mơ về con đường nhỏ/ Quanh co lối mòn hoa dại nở/Chỉ mình em bên anh, bên anh” (Tháng tư về). Hay “Con chim bồ câu bé nhỏ/Bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân/ Tia nắng từ đâu đến ở/Long lanh từng ô cửa, ô cửa mùa xuân…” (Hơi thở mùa xuân).Giá như Dương Thụ cứ âm thầm là “con chim bồ câu bé nhỏ” hay “con đường nhỏ” hoặc là “mặt trời dịu êm” cũng được… thì ngày hôm nay đâu đến mức khiến đồng nghiệp phải bực mình lên tiếng: “Lớn tuổi rồi phát ngôn vừa phải để người ta còn thương”.

Dương Thụ đã đính chính về phát ngôn của mình trên một trang báo. Nhưng càng đính chính lại càng “vấn đề”: “Còn thời nay những Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương không ai nhớ vì người ta đổ xô hát nhạc xưa thôi. Thế là không ổn”. Để “người ta đổ xô đi hát nhạc xưa” cũng có một phần trách nhiệm của những nhạc sỹ đương thời. Còn nhớ dạo nhạc sỹ Phó Đức Phương đương chức giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cứ bận bịu “đòi nợ” ồn ào khắp trên các mặt báo, không ít khán giả ngao ngán bình rằng: Tiếc cái thời “Trên đỉnh Phù Vân”. Không phải khán giả chưa từng mê “Bộ tứ Sông Hồng”, đã có thời đi đâu cũng nghe “Chảy đi sông ơi”, “Chị tôi”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Vẫn hát lời tình yêu”… nhưng nghe riết cũng nhàm. Trách nhạc bolero lấn át chi bằng các nhạc sỹ hãy làm gì đó thiết thực để lấn át bolero?

MỚI - NÓNG