Một nhà có 9 người làm thơ

TP - Tại tỉnh Quảng Nam, tộc Nguyễn Nho ở làng La Qua (Vĩnh Điện, Điện Bàn), trong một chi phái cùng đầu ông có đến 9 người làm thơ, kể cũng là chuyện lạ. Người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1976, thuộc thế hệ cháu, là Nguyễn Nho Đinh Duy, mê dòng thơ haiku Việt.

Tộc Nguyễn Nho hình thành cùng làng La Qua đã hơn 500 năm, ngày nay có từ 22 đến 26 đời, tùy chi phái. Làng này được lập nên bởi 5 vị tiền hiền, thì trong đó có ba vị người Nguyễn Nho. Chi phái đẻ ra 9 nhà thơ trong thế kỷ 20 này cùng một đầu ông - nghĩa là bà con chú bác ruột thịt, ăn chạp mả cùng một nhà thờ tộc. Nguyễn Nho Đinh Duy, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nho Thùy Dương… hiện là những cây bút đang góp sức vào văn đàn đương đại của Việt Nam.

Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 1 Tập Tiếng nói giữa hư của Nguyễn Nho Nhượn
Người lớn tuổi nhất là thi sĩ tài hoa, yểu mệnh Nguyễn Nho Sa Mạc (1944-1964), tên trong họ là Nguyễn Nho Bửu. Từ lúc 16-17 tuổi, ông đã có thơ in trên nhiều báo và tạp chí, trong đó có các tạp chí thời danh như Bách khoa, Văn học, Mai, Văn... ở Sài Gòn. Với bút hiệu Nguyễn Thị Liên Phượng, Nguyễn Nho Bửu đã có tập thơ in chung vào năm 1963, đó là Chung nhau tuổi mộng. Mãi đến năm 2007, bạn hữu và gia đình mới in tập bản thảo Vàng lạnh, vốn hoàn chỉnh từ 1963.  Tuy được gọi là “thơ học trò”, nhưng đọc những câu như “mẹ dạy tôi làm người/ phải yêu thương đồng loại/ nhưng bức tường ô nhục/ còn mọc lên khắp nơi”, hoặc “mình cầm tay muốn khóc/ thương những người đi sau/ trời Việt Nam giá lạnh/ màu chiến chinh thêm sầu”, học trò Nguyễn Nho Sa Mạc quả là vượt xa tuổi tác. Tháng Giêng năm 1964, vào sinh nhật 20 tuổi, ông làm bài thơ Sinh nhật, giống như một định mệnh. “Tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắt/ Sống trên đời vừa đúng hai mươi năm/ Máu sẽ khô xin tim này đừng rụng/ Giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm”. Sau đó ông đột ngột qua đời, cái chết quá bí ẩn, nhiều người nói ông bị bạn ghen mà đầu độc, số ít nghĩ là trúng gió. Nhà thơ thứ hai là Hướng Dương, tên trong họ là Nguyễn Nho Thương (1945-2011), bác họ của Nguyễn Nho Đinh Duy. Ông ghi dấu ấn cùng hai tập thơ là Đỏ mặt trời tiềm thức và Cơn giông, với lối lục bát rớt dòng, pha trộn tinh thần u mặc và nhập thế kiểu hiện sinh. Nhà thơ thứ ba là Nguyễn Nho Nhượn (12/3/1946-24/5/1969), mất vì bệnh sạn thận tại bệnh viện Non Nước, Đà Nẵng. Làm thơ từ rất trẻ, 16-17 tuổi đã có thơ xuất hiện trên nhiều tạp chí uy tín như Văn, Bách khoa, Văn học, Nghệ thuật, Phổ thông… Từ 1962 đến 1969, ông đã hoàn thành bản thảo 6 tập thơ, gồm Những lời sương khói, Lời buồn trong tim, Hơi thở miền nhiệt đới, Nỗi buồn mọc cánh, Những khúc ca hoang, Tiếng nói giữa hư vô. Năm 1971, tập Tiếng nói giữa hư vô được xuất bản, nhân ngày giỗ lần thứ 2, với 38 bài thơ. Thơ ông thường viết về nỗi lo lắng khi thấy quê hương bị tàn phá do chiến tranh, và nỗi buồn khi biết thân mang bệnh hiểm nghèo. Nhà thơ thứ tư là Nguyễn Nho Châu (1946-2011), em ruột của Nguyễn Nho Sa Mạc. Cũng như Hướng Dương, Nguyễn Nho Châu sống đời văn nghệ nhiều hơn sáng tạo, làm thơ khá nhiều, nhưng ít bài đột phá, ấn tượng.
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 2 Nguyễn Nho Sa Mạc
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 3 Hướng Dương (Nguyễn Nho Thương)
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 4 Nguyễn Nho Nhượn
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 5 Nguyễn Nho Châu
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 6 Nguyễn Nho Cần
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 7 Nguyễn Nho Thùy Dương
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 8 Nguyễn Nho Khiêm
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 9 Nguyễn Nho Toại
Một nhà có 9 người làm thơ ảnh 10 Nguyễn Nho Đinh Duy
Nhà thơ thứ năm là Nguyễn Nho Cần (sinh 1955), em ruột Nguyễn Nho Nhượn, chú của Nguyễn Nho Đinh Duy. Nhiều người ở vùng đất Điện Bàn vẫn nhớ những câu lãng mạn, tình tứ như: “Trời mưa quạnh quẽ làng quê/ Một vành nón lá không che hết người/ Em về ướt sũng môi cười/ Bâng khuâng mưa nhuộm xanh trời tháng Giêng”. Cùng với Nguyễn Nho Toại, Nguyễn Nho Cần là cái tên ít xuất hiện trên văn đàn, dù vẫn giữ nhịp viết đều đặn, thơ cất nhiều trong ngăn kéo. Thứ sáu là Nguyễn Nho Thùy Dương, tên trong họ Nguyễn Thị Nhung (sinh 1960) - nhà thơ nữ duy nhất. Thơ đã xuất bản có Những bông ngải trắng (2004), Đường dã quỳ (2010)… Cùng với Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Minh Châu, Thương Huyền, Phan Hoàng Phương, Ngô Thị Thục Trang, giọng thơ tình của Nguyễn Nho Thùy Dương đang là một bản sắc của thơ nữ Đà Nẵng. Từ trẻ chị đã gây ấn tượng: “Thơ tình bán chẳng ai mua/ Tặng cho nhau giữ làm bùa để yêu”. Nhà thơ thứ bảy là Nguyễn Nho Khiêm (sinh 1962), em ruột Nguyễn Nho Cần, hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, tổng biên tập tạp chí Non Nước. Anh có các tập thơ như Khói tỏa về trời (1994), Bên ngoài cánh đồng (2003), Nắng trên đồi (2011)… Nhà thơ thứ tám là Nguyễn Nho Toại (sinh 1968), hiện sống lặng lẽ tại làng La Qua. Từng có ý định in thơ chung và in tập riêng nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Thỉnh thoảng độc giả gặp thơ anh ở các báo, tạp chí địa phương. Cũng theo đuổi thơ tình, viết với bút pháp quen thuộc: “Em nhón gót qua mau/ Chân quàng lên cổ tích/ Trăng bên trời vẫn thật/ Tuổi xưa lạc phương nào”. Nhà thơ thứ chín là Nguyễn Nho Đinh Duy (sinh 1976), hiện sống tại làng La Qua. Ban đầu làm thơ tự do, sau chuyển hẳn sang thơ haiku Việt, từng vào chung khảo một cuộc thi uy tín. Thơ haiku Việt nén ý nén chữ đến mức tối đa, mỗi bài ba dòng, chỉ khoảng 10-12 chữ. Ví dụ hai bài sau của Đinh Duy: “Nhắm mắt/ bóng tối/ nở hoa trắng”, “Tranh cành lau trắng/ cánh chuồn chuồn nghiêng/ tịch liêu đôi bờ”. Gần 10 năm trước anh định in một tập thơ haiku, nhưng do máy tính bị hư đột xuất, không cứu được dữ liệu, thành ra mất cảm hứng. Hiện nay Đinh Duy đang dần dần trở lại với nhịp viết, với ý định sẽ in một tập haiku toàn bài mới viết trong năm tới. Nhìn theo lẽ thường tình, làng La Qua là đất trù phú, giàu có, với truyền thống học hành, văn chương chữ nghĩa, nên sinh ra tại đây thì dễ theo đường chữ nghĩa, văn chương. Thế nhưng, để cắt nghĩa vì sao một nhà có đến 9 người làm thơ là điều không dễ dàng, vì nhiều khi chẳng có lý do nào cả. Bởi Nguyễn Nho là một tộc lớn, rất đông con cháu, trường tồn đến tận ngày nay, nhưng gần như chỉ có một đầu ông, một chi phái đặc biệt phát về thơ như vậy.

Để cắt nghĩa vì sao một nhà có đến 9 người làm thơ là điều không dễ dàng, vì nhiều khi chẳng có lý do nào cả. 

MỚI - NÓNG