Nguyễn Hữu Bảo: Người trông coi ký ức Hà Nội

Nguyễn Hữu Bảo: Người trông coi ký ức Hà Nội
TP - Không biết tự bao giờ, anh đã gắn bó với cái máy ảnh như một vật bất ly thân. Anh chụp về Hà Nội, cũng như anh kể về Hà Nội, mỗi bức ảnh là một câu chuyện và một chùm ảnh là một chùm những ký ức với những góc phố những phận người...  

Tôi gặp lại anh Nguyễn Hữu Bảo trong một ngày mưa bên hồ Gươm. Chúng tôi ngồi quán cóc trước nhà hát múa rối. Đang trò chuyện râm ran về người Tràng An xưa nay thì bỗng anh Bảo nhổm dậy, lôi cái máy ảnh không biết giấu trong người chỗ nào, chụp toạch toạch hai cái, cảnh người lính trẻ được cô bạn gái cầm ô che mưa đi trước đền Ngọc Sơn. Xong cái, anh lại trò chuyện tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Hà Nội trong anh, đời thường, dung dị là vậy.

Cà phê Quỳnh

Tôi biết anh Bảo từ những năm 1990, hết sức tình cờ trong ngày tháng tôi mới từ Vinh ra Hà Nội làm báo, sống trong nhà bác tôi ở phố Quán Thánh, thường lang thang lên phố Bát Đàn uống cà phê trong quán cà phê ảnh tên là Cà phê Quỳnh. Con phố nhiều nhà cổ, quán cà phê cũng khá cũ với những tấm ảnh đen trắng treo trên tường. Người chủ quán buổi chiều muộn thường ra ngồi với khách nói chuyện về Hà Nội. Sau này tôi mới biết đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, chồng của diễn viên điện ảnh nổi tiếng Như Quỳnh.

Nguyễn Hữu Bảo: Người trông coi ký ức Hà Nội ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Tôi mới ra Hà Nội, rất thích những câu chuyện về Hà Nội, lại gặp người thích nói về Hà Nội, bởi vậy hầu như chiều nào chúng tôi cũng ngồi ở quán Quỳnh cho tận tới khi quán bị đập bỏ đi. Hà Nội những ngày tháng ấy điện ảnh vẫn còn các dự án lớn, chị Như Quỳnh đóng phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”, anh Nguyễn Hữu Bảo thì đi chụp ảnh cho đoàn làm phim quốc tế quay bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”. Con của anh chị rất nhỏ nhưng đã là người mẫu cho một nhiếp ảnh gia tiếng tăm chụp triển lãm ở phố Hàng Bài.

Anh Bảo thường tham gia những dự án hiện đại, với các tác giả cách tân, nhưng anh vẫn luôn nhớ về một Hà Nội xanh khi ấy vẫn còn đâu đó ven đê. Anh kể: “Những năm 1950, khi bay trên bầu trời Hà Nội, người ta nhìn thấy và chụp được một Hà Nội tràn ngập cây cối, những phố xá với các ngôi nhà thấp nhỏ thường nằm khuất dưới tán lá, bởi vậy mà ấn tượng của Hà Nội khi đó là một thành phố tràn ngập màu xanh”.

Anh cũng kể cho tôi về những gánh hàng rong rất Hà Nội: “Khi xưa, các cô mà mặc áo dài thì không bao giờ ngồi ăn quà ven đường, họ thường gọi phở gánh vào trong nhà để ăn”. Anh cũng kể cho tôi một Hà Nội hào hoa, sang trọng mà chứa đựng trong mình những ký ức kháng chiến. Là một gia đình tư sản ở phố Hàng Đào, nhưng bố mẹ anh âm thầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng. Khi quân ta về giải phóng thủ đô, nhiều vị lãnh đạo văn hóa ghé nhà thăm chúc Tết.

Không biết tự bao giờ, anh đã gắn bó với cái máy ảnh như một vật bất ly thân. Anh chụp về Hà Nội, cũng như anh kể về Hà Nội, mỗi bức ảnh là một câu chuyện và một chùm ảnh là một chùm những ký ức với những góc phố những phận người.

Hà Nội không son phấn

Hà Nội dấu yêu (NXB Thế giới, 2016) là cuốn sách ảnh 200 trang với 198 bức ảnh về Hà Nội giai đoạn từ 1978 đến 2015 có thể nói là đã đem ta đến một Hà Nội rất riêng của Nguyễn Hữu Bảo, một Hà Nội nhìn gần hàng ngày, không lễ lạt không để đi thi thố, không nhằm giành giải thưởng, một thủ đô ngày thường. Hà Nội trong anh, như người con gái Hà Nội xưa, vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp tỏa ra từ tâm hồn, không cần trang điểm, hoặc trang điểm kín đáo đến mức như không trang điểm vậy. Một sự cầu kỳ đến mức không ai biết đó là sự cầu kỳ. Hà Nội của những ngày nước ngập như thể một đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi, mọi sinh hoạt đều trên mặt nước, từ trò chuyện đến di chuyển, lễ bái, tâm tình. Nước của hồ và nước từ sông Hồng pha lẫn nước trời.

Nguyễn Hữu Bảo: Người trông coi ký ức Hà Nội ảnh 2

Trong công viên Lê Nin – 1980. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo.

Sinh trưởng trong một gia đình tư sản thành đạt, nhiều người nổi tiếng, bản thân chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Bảo cũng được đi học ở châu Âu trở về, nhưng thay vì trở thành ông nọ bà kia hay một thương gia, anh đã gắn bó với nhiếp ảnh như một định mệnh vậy. Nói như thế bởi, thời điểm tôi gặp anh những năm 1990, khi ấy anh Bảo tóc cũng lốm đốm bạc rồi nhưng vẫn chưa in sách ảnh, chưa làm triển lãm nào, chẳng tham gia một hoạt động nghệ thuật gì lớn cả. Triển lãm đầu tiên của anh lại được chụp từ một chuyến đi Úc mà anh mô tả là “vừa chạy vừa chụp”, có cái chụp rồi, về Việt Nam phóng ảnh ra mới nhìn thấy rõ từng chi tiết. Nhìn cái này, lại hóa ra cái kia. Tôi nhớ mãi từng cái chú thích ảnh rất hóm của anh cho cái triễn lãm ấy.

Tôi vẫn thấy trong các triễn lãm hay cửa hàng bán tranh ảnh ở Hà Nội bày bán những bức ảnh các cô gái đẹp, nhưng anh Bảo lại ít khi chụp ảnh để làm lịch như các tác giả kia. Anh thường khoe với tôi các bức ảnh chụp những bà cụ già nghèo xơ xác, chân ống thấp ống cao, ánh mắt nhìn tác giả như vừa giận dữ lại vừa thương hại. Anh kể rằng “những năm tản cư kháng chiến, anh đã được sinh ra ở Thái Nguyên, có một người vú nuôi thương anh như con đẻ. Anh lớn lên, bên cạnh mẹ mình, vẫn nhớ không nguôi người vú em vô danh ấy, bao lần anh đi tìm mà không gặp”. 

Anh Bảo cứ đi, cứ chụp, những bức ảnh không in báo, không triển lãm và không gửi dự thi. Anh lặng lẽ ở Cà phê Quỳnh, bên những tấm ảnh trắng đen, bên ly cà phê, cần mẫn và kiên nhẫn, bên dòng đời phồn hoa ồn ào và nhiều màu sắc. Những bức hình anh chụp, như giấc mơ đêm qua về Hà Nội, nơi làng đào vừa bị xóa bỏ, hay một ngôi nhà cổ đã bị đập bỏ đi, tất cả chúng, thoáng giật mình đã không còn nữa. Những ngày ấy, anh cũng không cô đơn. Nhà báo Xuân Bình, một nhiếp ảnh gia cách tân, khi đó nói với người viết bài này: “Với tôi, anh Bảo vẫn là nhiếp ảnh gia mà tôi yêu thích nhất”.

Sách về Hà Nội nhìn từ ống kính của người dân

Có lẽ Nguyễn Hữu Bảo là mẫu người nổi tiếng ở nước ngoài trước khi nổi tiếng ở Việt Nam chăng? Triển lãm đầu tiên của anh chụp từ nước Úc và gần đây triển lãm cá nhân của anh tại Pháp sau đó được anh tuyển chọn để in thành sách ảnh. Anh cũng mưu sinh bằng công việc chụp ảnh cho những đoàn làm phim nước ngoài được thực hiện dự án tại Việt Nam và thậm chí ảnh Nguyễn Hữu Bảo chụp được dùng làm hình ảnh quảng bá cho phim.

Nguyễn Hữu Bảo còn được biết đến với tư cách là người biên tập 4 cuốn sách ảnh tư liệu: Hà Nội ngày tiếp quản, Những ký ức còn lại, Thủ đô huyết lệ và Âm vang lời thề quyết tử. Anh đi tìm các bức ảnh mà người dân Hà Nội chụp trong những ngày tháng lịch sử, “họ không phải phóng viên, không phải nhiếp ảnh gia, chỉ là trong nhà có máy ảnh”. Các tấm ảnh không dàn dựng ấy, được Nguyễn Hữu Bảo tập hợp lại giới thiệu trong các cuốn sách, một Hà Nội lịch sử nhìn từ ống kính của người dân.

Gặp lại anh Nguyễn Hữu Bảo sau nhiều năm tôi rời xa Hà Nội, anh Bảo kể: “Anh làm triển lãm thì mấy cái rồi, nào ký ức làng, ký ức phố, nhưng cuốn sách ảnh đầu tiên của anh là do mình tự bỏ tiền túi ra in thôi. In xong đem đi tặng đấy chứ chẳng kinh doanh gì. Sau đó, bên nhà sách mới in cho anh một cuốn sách ảnh nữa”. Thật ra, với một nhiếp ảnh gia, có cả chục triển lãm và vài cuốn sách ảnh in rất đẹp cũng đáng gọi là may mắn và “hoành tráng”, dù rằng có khi là do tằn tiện chắt bóp tiền bạc mà in sách ra để tặng “vu vơ” thôi. Tôi cảm kích khi anh nói: “Anh vẫn để dành một cuốn tặng em”.

Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” được trao cho Nguyễn Hữu Bảo năm 2017 như sự “phát hiện” khá muộn mà còn hơn không với một người đã ghi lại từng ngóc ngách của Hà Nội suốt 40 năm trời trong lặng lẽ và cũng khá cô độc. Khi nhận giải thưởng, anh thổ lộ với báo chí: “Tôi sẽ tiếp tục chụp ảnh Hà Nội. Nhiếp ảnh về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là “hơi thở” đối với tôi, không thể sống thiếu được. Đó không phải công việc mà là một nhu cầu sống”.

Trong thời đại kim tiền như ngày nay, thử hỏi có mấy ai còn chụp Hà Nội rong rêu mỗi ngày và kể những câu chuyện bằng hình ảnh về một hồn cốt Hà Nội trong cái thời buổi đô thị hóa, người người đổ về Hà Nội làm ăn, ra phố đông chợt nghe một giọng Hà Nội gốc thì ai nấy không khỏi giật cả mình. Hà Nội xanh ngắt cây cối năm xưa, giờ đã mọc lên bạt ngàn cao ốc, đô thị, đường xá. Có những mái trường, những bệnh viện khang trang hơn được gọi là “phố xá mang trên mình bộ mặt mới”. Nhưng đâu đó người ta vẫn nhớ trong những bức ảnh của Nguyễn Hữu Bảo khuôn mặt mẹ già em nhỏ gầy guộc, đôi mắt mở to, họ đi ra từng những cái ngõ tối chật hẹp tới mức mà đi đứng vội vàng sẽ va vào nhau. Anh Bảo nói với tôi: “Anh vẫn chụp ảnh mỗi ngày! Không chụp thì ngày hôm sau có khi không còn nhìn thấy hình ảnh ấy nữa, vì thành phố đã đổi khác rồi”.

8/2018 

“Nếu một bức ảnh mọi thứ đều đẹp, nhưng chỉ là sản phẩm dàn dựng, giả tạo về cuộc sống thì nó có đem lại nhiều cảm xúc cho người xem hay không?”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo

MỚI - NÓNG