Nguyên Lê - 'Phù thủy' ghi ta

Nguyên Lê có thể hòa mình vào nhiều dòng nhạc và nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Trong ảnh là hòa tấu với nghệ sĩ kèn Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Nguyên Lê có thể hòa mình vào nhiều dòng nhạc và nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Trong ảnh là hòa tấu với nghệ sĩ kèn Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Nghệ sĩ ghi ta nhạc Jazz Nguyên Lê là người gần gũi, dễ hòa đồng mặc dù ông không nói được tiếng Việt và phải qua thông dịch là nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Trong một buổi sáng tại TPHCM, hàng trăm nghệ sĩ tới nghe anh truyền thụ kỹ năng sáng tác, một cuộc họp mặt đông đủ hiếm có mà ngay cả khi các nghệ sĩ lớn của thế giới tới TPHCM cũng không thu hút được đông người đến thế.

Người tiên phong

Những năm 1990, khi tôi còn ở Hà Nội viết báo về lĩnh vực âm nhạc, tôi được nghe các nghệ sĩ và bạn bè truyền tụng nhau câu chuyện về huyền thoại nhạc jazz Việt Nam vừa xuất hiện, đó chính là Nguyên Lê, một nghệ sĩ gốc Việt tại Pháp. Lúc đó, thời kỳ mở cửa, Hà Nội có nhiều người theo đuổi nhạc jazz, tài liệu rất hiếm, mọi người cũng cảm thấy nhạc jazz hấp dẫn nhưng cũng xa lạ. Nghệ sĩ kèn Trần Mạnh Tuấn kể: “Năm 1996, khi tôi đi học ở Mỹ tôi đã đi tìm nghe những tác phẩm được anh Nguyên Lê biểu diễn và những tác phẩm ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi”.

Gặp gỡ các nghệ sĩ tại TPHCM tháng 5/2018, với mái tóc trắng bồng bềnh và cây đàn quen thuộc, Nguyên Lê tiết lộ: “Chính mẹ tôi đã hướng tôi về với âm nhạc Việt Nam. Khi tôi học nhạc, mẹ tôi bảo con hãy phát triển âm nhạc Việt Nam. Tôi nói rằng tôi chỉ thích chơi nhạc jazz thôi. Cho đến khi làm CD đầu tiên, tôi mới nhận ra rằng mình cần phải làm một điều gì đó thật đặc biệt mà chưa ai làm, khi đó tôi hiểu mình phải trở về với cội nguồn văn hóa của mình”.

Album Tales from Viêt-Nam của Nguyên Lê được giới âm nhạc Việt Nam quan tâm hơn cả, trong đó nhạc sĩ đã ngẫu hứng jazz dựa vào chủ đề là các bài bản cổ nhạc và dân ca Nam bộ với giọng hát của ca sĩ Hương Thanh (em gái ca sĩ Hương Lan) cùng là vợ của Nguyên Lê. Thời điểm đó, nhạc jazz của Pháp có vai trò tiên phong ở châu Âu và những tác phẩm của Nguyên Lê không chỉ đánh thức người ta một nền văn hóa Đông Dương bị quên lãng mà còn mở ra những hướng đi mới.

Luyện tập cuồng điên trong 3 năm

Nguyên Lê tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết học và âm nhạc như một lối rẽ hoàn toàn bất ngờ, ngoài dự tính của anh và có lẽ của cả gia đình. Lúc nhỏ anh thích vẽ, năm 12 tuổi anh mới thấy thích thú với âm nhạc. Anh có những người bạn nghe nhạc rock và anh cũng nghe theo như một trào lưu. Năm 15 tuổi Nguyên Lê chơi trống. “Các bạn rủ nhau chơi ban nhạc và tôi xung phong chơi trống, đó là một cách để gây ấn tượng với các cô gái mà thôi” – Nguyên Lê cho biết. “Cậu bạn chơi ghi ta trong ban nhạc đến nhà tôi tập, để cây ghi ta ở nhà tôi, thế là tôi dò chơi”. Sự tình cờ đã mở ra cả một niềm say mê và anh đã điên cuồng tập ghi ta trong 3 năm. Tự học, tự mày mò. Không có ai dạy và cứ ngẫu hứng. “Tôi không thích tác phẩm, không thích hợp âm, cứ ngẫu hứng”. Năm 18 tuổi,  người bạn có học nhạc jazz dạy cho anh hợp âm nhạc jazz đầu tiên và anh vô cùng ngạc nhiên trước màu sắc của nhạc jazz. Anh nghiên cứu, phân tích. “Đằng sau những cái đẹp đều có quy luật riêng của nó” – nhạc sĩ chia sẻ.

Nguyên Lê tự học các hợp âm và cách sử dụng chúng từ các cuốn sách số. Song anh vốn lớn lên trong gia đình mô phạm. Được biết bố anh là  giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội lấy bằng tiến sĩ về kinh tế học năm 1949 tại Paris, Pháp. Mẹ anh là bà Thẩm Thị Hồng Anh, con gái của Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín nguyên Thị trưởng Hà Nội. Tác phẩm Le Viet Nam: Histoire et Civilisation (Việt Nam: Lịch sử và văn minh) của giáo sư Lê Thành Khôi xuất bản năm 1955 tại Paris, được các nhà nghiên cứu quốc tế xem là cuốn sách tham khảo căn bản khi họ nghiên cứu về Việt Nam.

Năm 1983 Nguyên Lê thành lập ban nhạc Ultramarine, album của nhóm, được tờ Libération chọn là đĩa World Music hay nhất năm 1989 tại Pháp. Từ năm 1987 tới 1989, Nguyên Lê được chọn chơi guitar điện cho Dàn nhạc Jazz quốc gia của Pháp (Orchestre National de Jazz), làm việc với các ca nhạc sĩ jazz nổi tiếng như Didier Lockwood, Carla Bley, Dee Dee Bridgewater, Gil Evans, Quincy Jones... Theo nhạc sĩ tâm sự thì “Nhiều bạn bè tôi trong thời điểm đó, giờ đang trở thành các nghệ sĩ nổi tiếng khắp thế giới”.

Âm nhạc là thế giới vô tận

Nguyên Lê xuất bản khá nhiều đĩa nhạc và các đĩa nhạc của anh được đánh giá bán rất chạy tại châu Âu, thậm chí có những đĩa là best-seller tại thị trường châu Âu. Thật nhầm lẫn nếu cho rằng Nguyên Lê chỉ chơi nhạc Việt Nam theo phong cách jazz. Tại buổi giao lưu với các nghệ sĩ tại TPHCM, Nguyên Lê giới thiệu rất nhiều âm hưởng âm nhạc khác nhau, từ châu Âu, Mỹ, châu Á. Anh làm việc như một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian vậy! Nguyên Lê đưa người nghe từ nền âm nhạc này qua nền âm nhạc khác chỉ trong một cái luyến láy. Vừa chơi một đoạn nhạc La tinh, anh đã chơi một khúc nhạc đồng quê Đông Âu thanh bình, vòng qua xứ Ấn Độ huyền bí lại vòng ngược lên Tây Nguyên mạnh mẽ. Người nghe thán phục: “Tiếng đàn của anh không chỉ nói lên tiếng nói của chủ nhân mà nó còn nói được đủ thứ ngôn ngữ âm nhạc trên thế giới này”.

Nhạc sĩ jazz kỳ cựu cũng có cái nhìn khá rạch ròi đối với âm nhạc dân tộc, khi anh gọi những sản phẩm thuần chất Việt Nam là “Vietnamese albums”, Nguyên Lê có đam mê không nguôi với các làn điệu dân ca Việt Nam, bao gồm cả đồng bằng lẫn rừng núi. “Những giai điệu Tây Nguyên rất độc đáo” - nhạc sĩ chia sẻ.  “Chiếc khăn piêu” một tác phẩm mang hơi hướng nhạc Tây Bắc được anh phối khí, sáng tạo theo phong cách jazz được người nghe Việt Nam yêu thích. Trong Giải Âm nhạc Cống hiến năm 2014, nhạc sĩ đã đoạt giải cống hiến ở ở hạng mục Chương trình của nămAlbum của năm.

Kết nối các nghệ sĩ

Nguyên Lê lần đầu tiên kết hợp với Trần Mạnh Tuấn trong chương trình “Âm hưởng phương Đông” tại TPHCM tháng 5/2018. Jean Sebasiten, nghệ sĩ tham gia chương trình chia sẻ: “Nguyên Lê không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, khi làm việc Nguyên Lê luôn hòa đồng cùng mọi người, nâng mọi người lên, tạo cảm hứng cho mọi người làm việc. Anh không bao giờ coi mình là ngôi sao lớn trong ban nhạc”.

Là một nhạc sĩ sống ở Pháp và biểu diễn rất nhiều nước, nhưng người nghệ sĩ gốc Hà Nội lại rất cởi mở trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Mỗi lần anh về Việt Nam, lại kết hợp biểu diễn với một nhóm nhạc, với những nghệ sĩ khác nhau. Đặc biệt trong số họ, nhiều nghệ sĩ trẻ, ít người biết tới. Anh như một vị đại sứ của nhạc jazz luôn đem tới cho mọi người sự hứng khởi, những dự án và cả kiến thức nữa.

Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: “Nguyên Lê thường sử dụng gân và láy của đờn ca tài tử, mặc dù anh là người gốc Bắc. Hình như toàn thế giới không ai chơi như vậy”. Đàn cải lương là đàn phím lõm, để chơi được trên một cây đàn ghi ta bình thường là điều xưa nay chưa ai làm được ngoài Nguyên Lê. “Không có gì là sai trong nhạc jazz, mà chỉ là màu sắc mà mình thích và sở thích của mình khi hòa âm, mỗi nhạc sĩ thích một màu sắc khác nhau” - Bậc thầy được ví như “phù thủy” ghi ta Nguyên Lê nói. Khán giả Việt Nam bày tỏ sự nể phục Nguyên Lê vì anh “ở nước ngoài nhưng lại là người am hiểu âm nhạc Việt Nam và đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới”.

Nhạc sĩ jazz Nguyên Lê đã vinh dự được Giải Django Reinhardt là giải thưởng âm nhạc được tổ chức hằng năm (lần đầu tiên vào năm 1955) của Viện Hàn lâm Jazz (Pháp) dành để vinh danh những nghệ sĩ guitar có đóng góp, sáng tạo cho thể loại nhạc jazz trong năm. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ ghi ta nhạc jazz hiếm hoi có lượng đĩa in ra tiêu thụ rất lớn. Nguyên Lê chia sẻ: “Tôi chơi nhiều thể nhạc jazz kể cả việc chơi lại các tác phẩm của những nghệ sĩ bậc thầy và điều quan trọng là tôi chơi chúng theo cách của tôi”.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.