Nhạc dân tộc 'thêm một liều đương đại'

Ngô Hồng Quang mời nghệ sĩ Trung Bảo biểu diễn beatbox cùng đàn nhị, chiêng dây và đàn tính…
Ngô Hồng Quang mời nghệ sĩ Trung Bảo biểu diễn beatbox cùng đàn nhị, chiêng dây và đàn tính…
TP - Ngay sau đêm diễn “Nam Nhi” của Ngô Hồng Quang và Beatboxer Trung Bảo tại L’espace vừa rồi, rất nhiều khán giả bày tỏ rằng, bởi vì cái “liều đương đại” đó, họ mới quyết định đến nghe Quang hát.

Trong số các nghệ sĩ trẻ hiện nay đang làm việc với nhạc cụ truyền thống, Ngô Hồng Quang là cái tên đã được quốc tế hóa. Quang liên tục đem âm nhạc của mình đi biểu diễn ở Hà Lan (anh tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác tại Học viện âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, trước đó Quang là giảng viên dạy đàn nhị tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam), Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan… Album “HaNoi Duo” Quang làm cùng nghệ sĩ Nguyên Lê được ACT - hãng đĩa hàng đầu thế giới chuyên về jazz phát hành toàn cầu.

Để chinh phục khán giả trong nước, Ngô Hồng Quang gần như đã đi đường vòng. Anh dùng tác phẩm dân gian đã được “đương đại hóa” chinh phục khán giả phương Tây, sau đó mới quay về Việt Nam.

Quang giải thích: “Khi ra nước ngoài mới có điều kiện nhìn lại Việt Nam và đánh giá thật chuẩn giá trị âm nhạc truyền thống của mình. Lúc trong nước có khi không để ý, không phát hiện ra có những cái đẹp ngay bên cạnh. Âm nhạc phương Tây với tôi giống như một tấm gương, để soi vào nhạc dân tộc, thấy rằng nhạc dân tộc Mông đẹp thế hay thế, quan họ mềm mại thế… phải gìn giữ nó như thế nào?”.

Quang cũng nhận xét, đối tượng nghe nhạc của anh đa số là người trẻ. Cho nên khi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc anh cũng hướng đến những tác phẩm có tính nhịp điệu. Bởi âm nhạc dân tộc bị hạn chế về nhịp điệu. Nhịp điệu khiến tác phẩm cuốn hút người nghe hơn. Và rằng bản thân nhạc cụ dân tộc có những chức năng khá đặc biệt, nếu chỉ dùng để đệm hát sẽ bị hạn chế tính năng biểu hiện. Khi mở rộng khai thác thêm về những âm thanh này, kỹ thuật kia, bản thân cái đàn đó phong phú hơn, có thể nói được nhiều thứ tiếng hơn.

Nguyễn Hoàng Hà (sinh viên Học viện Âm nhạc) cho biết: “lần này mua vé đi nghe “Nam Nhi” là vì nghe nói anh Quang sẽ kết hợp với beatbox. Tôi rất khó hình dung anh sẽ làm như thế nào, và giữa hai loại hình âm nhạc, một đặc Tây, một đặc Á đông sẽ kết hợp ra sao. Kết quả rất bất ngờ, beatbox khiến cho phần biểu diễn âm nhạc truyền thống trở nên kịch tính và sôi động hơn hẳn, nhưng nó vẫn là xẩm ấy, vẫn là quan họ ấy, không bị biến chất. Chúng tôi đứng hàng gần cuối và không ngừng hú hét sau mỗi màn biểu diễn vì quá phấn khích”.

Nhạc dân tộc 'thêm một liều đương đại' ảnh 1 Ngô Hồng Quang dùng cách “thêm đương đại” để phát triển nhạc dân tộc.

Khán giả Trần Quang Sơn viết trên trang cá nhân: “Ngô Hồng Quang đã kéo gần khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại bằng cách phối lại những bài hát tưởng đã cũ mòn theo phong cách của anh. Nhờ đó, nghe đàn nhị mà không thấy sốt ruột. Thậm chí tiết mục xẩm “Mục hạ vô nhân” còn khiến tôi phấn khích đến nỗi nhún nhảy theo”.

Một khán giả lớn tuổi, ông Nguyễn Trung Hà nhận xét: Quang biểu diễn khác hẳn những nghệ sĩ thời trước, nó trẻ trung, tự nhiên và đầy lửa. Ngô Hồng Quang và Lê Cát Trọng Lý là hai người tôi cho rằng có duyên cực kỳ trên sân khấu. Cứ đứng đó, bằng giọng hát của mình mà khiến cả khán phòng sôi sùng sục”.

Trong đêm “Nam Nhi” Ngô Hồng Quang còn khoe một bài hát đặc biệt, tên “Lông chông”, trong tiếng Mông nó có nghĩa là chim họa mi. Quang kể, nhân duyên để viết bài này là từ sự kết nối chân thật giữa anh và hai con chim họa mi ở nhà một người Mông. Khi đó, anh và nghệ sĩ Nguyên Lê ở Hà Giang quay MV “Về đồi non”, mỗi lúc đi làm về đều thấy hai con họa mi trong lồng “hót líu lo, hót vui mừng, hót sung sướng lắm. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Trả ơn hai con chim bằng cách sáng tác bài “Lông chông” cho đàn nhị solo”. Tiết mục “Lông chông” cũng gần như bản PS trong buổi diễn vì trước đó, anh và đồng đội đã chào khán giả kết thúc chương trình. Bản tặng thêm này không chỉ khiến ba người biểu diễn trên sân khấu “bay” mà ở dưới, toàn bộ khán giả đều bị lây lan cảm xúc. Đến mức, suốt hai tiếng đồng hồ nghe ngũ cung, người ta vẫn thấy chưa đủ.

Công trình “đương đại hóa nhạc dân tộc” của Quang không chỉ được giới trẻ hưởng ứng. Mới đây nhất, Quang kể, các thầy then ở Lạng Sơn, Cao Bằng liên hệ qua facebook cám ơn anh vì đã đưa đàn tính ra thế giới, và bày tỏ mong muốn học từ anh. Họ nói rằng, bản thân chỉ dùng đàn tính đệm hát, bây giờ họ muốn học cách chơi solo như Quang, họ thích chất hiện đại mà anh phổ vào đàn tính.

MỚI - NÓNG