“Trend” cô Ba bao giờ hạ nhiệt?

Ca sỹ hải ngoại Như Quỳnh trong áo dài hơi hướng “Cô Ba”.
Ca sỹ hải ngoại Như Quỳnh trong áo dài hơi hướng “Cô Ba”.
TP - Mới rồi, nữ ca sỹ hải ngoại Như Quỳnh trong buổi đầu tiên ngồi ghế nóng gameshow “Thần tượng Bolero” đã diện bộ đầm đỏ đi kèm găng tay đỏ, cổ đeo vòng ngọc trai. Một số ý kiến bình luận phong cách thời trang của nữ ca sỹ: Sến sẩm, diêm dúa… Nhưng ít ai nghĩ rằng, trang phục ấy nằm trong xu hướng “Cô Ba Sài Gòn” đang làm mưa, làm gió.

 Vẫn là nhu cầu hoài cổ?

Cứ xem “Cô Ba Sài Gòn” sẽ thấy phong cách thời trang của Như Quỳnh giống cô ca sỹ Sài Gòn xưa hát nhạc phẩm “Mộng chiều xuân” do người đẹp Thủy Hương thủ vai. Thập niên 1960 đến thập niên 1970 là thời kỳ thăng hoa của dòng nhạc bolero. Như Quỳnh diện trang phục mang màu sắc của thời kỳ ấy khi ngồi ghế nóng “Thần tượng bolero” là có chủ ý.

 “Trend” cô Ba bao giờ hạ nhiệt? ảnh 1 Robot “Cô Ba” đang tạo thích thú cho nhiều thực khách ở quán.

Tinh thần hoài cổ, quay lại Sài Gòn của những năm 60 nóng lên bất ngờ, kể từ phim “Cô Ba Sài Gòn”. Các mỹ nhân trong làng giải trí Việt đua nhau mặc áo dài gạch bông, áo dài hoa nhí, đi kèm phụ kiện khăn turban. Đến “người đẹp Tây Đô” Việt Trinh cũng hóa thành “Cô Ba Sài Gòn” trong một bộ ảnh thời trang áo dài phong cách xưa, để “bằng chị, bằng em”. Nhà thiết kế áo dài Tường Khuê, em trai Như Quỳnh, dù ở hải ngoại, cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng trong nước, khi thiết kế cho chị gái chiếc áo dài gạch bông, khiến fan của Như Quỳnh nức nở khen thần tượng vừa đẹp lại vừa đi kịp “phong trào”. Nhiều người dự đoán mẫu áo dài “Cô Ba Sài Gòn” sẽ còn làm mưa, làm gió trong thời trang diện tết năm nay của chị em từ Nam chí Bắc.  

Có vẻ như những gì hoài cổ bây giờ thường dễ dàng được ưa? “Cô Ba Sài Gòn” là dẫn chứng gần nhất. Nhìn ra phía sau là bolero. Sau mấy năm “tái hồi xuân”  bolero vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các ca sỹ chuyên dòng nhạc được coi là “sang” giờ cũng thử nghiệm với bolero. Có rất nhiều danh hiệu bolero được dư luận phong tặng bừa bãi cho người hát bolero: Nữ hoàng bolero, ngọc nữ bolero, thánh nữ bolero…  Những cô cậu 9x, 10x mê bolero bây giờ không hiếm, cứ nhìn vào lượng thí sinh tham gia các gameshow bolero trên truyền hình cũng như lượng fan của các “sao”  bolero sẽ thấy.  Ngay cả các ca khúc nhạc trẻ để dễ ăn khách cũng “nêm gia vị”  hoài cổ, từ trang phục đến ca từ, tiêu biểu như Lạc trôi. Tình hình này, có lẽ  không cần đến “cỗ máy thời gian”, “thượng đế” vẫn thường xuyên được trở về quá khứ.  Nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân nung nấu khát vọng, xây dựng vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam. Cứ xem “Tấm Cám, Chuyện chưa kể”; “Cô Ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân, có lẽ khán giả Việt có nhu cầu hoài cổ cứ yên tâm không bị “bỏ đói”.

Hiệu ứng “Cô Ba”

Cơn sốt xưa cũ bao giờ trở về thăng bằng, một câu hỏi khó trả lời, vì sở thích của “thượng đế” đôi khi cũng “sớm nắng, chiều mưa”. Mà cái mới thỉnh thoảng mới xuất hiện, lại chưa đủ mạnh. Tác động của cơn sốt xưa cũ trong nghệ thuật khiến nhiều lĩnh vực khác tranh thủ “ăn theo”.  Thí dụ trong lĩnh vực kinh doanh. Mới rồi thấy xuất hiện cả robot mang tên “Cô Ba” chuyên bưng bê thức ăn, đồ uống tại quán cà phê, nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng robot “Cô Ba” không mặc áo dài hoa nhí hay áo dài gạch bông, cô cũng không mang gương mặt Việt. Có khán giả bình luận hóm hỉnh: Robot “Cô Ba” nói giọng miền Tây, gương mặt Tây, suy ra, đó là cô robot lai.

Nữ nhà văn trẻ Gia Hòa, người mới dành tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho tập tản văn “Đêm nay con có mơ không”, cũng vừa ra mắt cuốn tản văn “Sài Gòn thềm xưa nắng rụng”, hiện kinh doanh chăn, ga, gối... đã thẳng thắn chê phim “Cô Ba Sài Gòn” trên trang cá nhân nhưng cũng nhân cơ hội ấy quảng cáo luôn cho sản phẩm nhà làm: “Nhắn ai đang có ý định đi coi, thì đừng mang theo tình yêu Sài Gòn đến rạp. Ai mang theo, thất vọng ráng chịu… Phim không được làm bằng tình yêu Sài Gòn đâu, đừng kỳ vọng điều gì lớn lao. Giải trí thôi nhé. Trong một diễn biến khác, mình thấy nhân vật Thanh Loan lúc trẻ mặc cái áo dài quen quá trời đất (…). Cái vải áo dài ấy, chính nó, nhà mình có nhiều, để may drap gối mền. Ai đọc đến đây, nếu muốn may một bộ drap mới xài tết thì nhắn nhe, ahihi”.

MỚI - NÓNG