300 giáo viên nguy cơ mất việc: Cũ, mới... cùng một guồng quay

Nếu được lựa chọn lại, không biết những giáo viên này có chọn nghề giáo lần nữa không?
Nếu được lựa chọn lại, không biết những giáo viên này có chọn nghề giáo lần nữa không?
TPO - Tại buổi trao đổi với Tiền Phong về quan điểm của huyện Sóc Sơn trước tâm tư của giáo viên hợp đồng, bà Trần Thị Toàn, Phó phòng Nội vụ huyện đã thể hiện rất “tròn vai” khi đưa ra những khó khăn của huyện. Và mặc dù, bà cho biết đã “khóc cùng giáo viên” nhưng theo tinh thần chỉ đạo chung, giáo viên cũ (hợp đồng) với giáo viên mới vẫn phải cùng một “guồng quay”.

Bà Toàn nói: Trước đây, đúng là có chuyện thành phố giao tổng biên chế giáo viên hợp đồng. Nên khi Luật Viên chức ra đời, không thể một lúc triển khai ngay được toàn bộ việc tuyển dụng giáo viên vào biên chế.  Cuộc họp triển khai công tác năm của ngành nội vụ gần đây nhất, Sở Nội vụ cũng đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù. Trong tinh giản biên chế, Hà Nội là cơ quan đầu não nên không thể áp dụng ngay một lúc tinh giản biên chế cứng 10% như các đơn vị khác được.

Tại Sóc Sơn, trước khi có Luật Viên chức cũng được giao chỉ tiêu hợp đồng căn cứ vào nhu cầu công việc. Sau khi Luật Viên chức ra đời, huyện đã siết chặt lại vấn đề hợp đồng lao động. Từ năm 2015 mặc dù thành phố vẫn giao hợp đồng nhưng huyện đã chủ động không thực hiện với người lao động nữa.

2 năm học gần đây, huyện chỉ giao cho hiệu trưởng các trường hợp đồng một số nội dung một số trường hợp như giáo viên và nhân viên. Số hợp đồng 2 năm gần đây chỉ kéo dài 9 tháng thôi, ngoài 256 trường hợp kia, vẫn còn hơn 100 số lao động hợp đồng có thời hạn 9 tháng nữa để phục vụ cho việc dạy học, vì số học sinh liên tục tăng.

Sắp tới, người 53 tuổi thi với người vừa ra trường, bà nghĩ sao?

Dưới góc độ cá nhân, tôi rất  thương các giáo viên, nhưng bây giờ cơ chế chính sách như vậy, huyện đã làm hết các bước theo khả năng của mình như rà soát, xin ý kiến thành phố, xem có cơ chế đặc biệt xét tuyển không. Lãnh đạo  huyện đã giao cho phòng nội vụ làm việc trực tiếp với sở, các chuyên gia, xem có phương hướng, cách nào để tạo điều kiện cho các thầy cô không?

Nhưng theo Nghị định 161 thì không có đặc cách, vì những năm trước, chúng ta thực hiện Nghị quyết của hội đồng nhân dân thành phố việc xét tuyển đặc cách chỉ áp dụng đối với giáo viên mầm non để thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi.

300 giáo viên nguy cơ mất việc: Cũ, mới... cùng một guồng quay ảnh 1 53 tuổi, giáo viên có còn cơ hội để làm việc khác nếu không thi đỗ không?

Do vậy, chúng tôi vừa động viên, vừa nghe ý kiến thắc mắc của các cô và có sự động viên chia sẻ. Chúng tôi cũng đề nghị tối đa để các thầy cô tham dự kỳ thi để đạt kết quả tốt nhất. Trong cuộc thi đương nhiên phải có người đỗ người trượt. Bản thân tôi cũng trải qua rất nhiều kỳ thi, nói về tuổi tác, mình cũng có tuổi rồi nhưng cũng không có con đường nào khác là mình phải học tập và phấn đấu.

Tại sao suốt thời gian qua huyện không tuyển dụng hoặc chuẩn bị cho họ một lộ trình cụ thể?

Khi ký lại hợp đồng, chúng tôi thông báo trong hợp đồng từng lao động: phải tham gia kỳ thi tuyển gần nhất, nếu không thi hoặc không trúng sẽ chấm dứt lao động hợp đồng, để tránh hiểu nhầm hợp đồng như biên chế.

Người không học mà lại thi ngoại ngữ, làm sao lại đấu nổi với các em vừa ra trường?

Vấn đề này hoàn toàn đúng, cũng có thể thầy cô có tuổi còn không cập nhật được kiến thức ngoại ngữ, chứng chỉ cơ bản. Dưới góc độ làm tham mưu, tôi nhận thấy nghị định 161 có nhiều điểm mới mang tính mở và yêu cầu phải có trình độ chuẩn nhất định.

Cá nhân tôi nghĩ đang siết chặt số lượng để tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng. Những năm gần đây, thành phố tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, cho thấy rằng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức ngày càng nâng cao.

300 giáo viên nguy cơ mất việc: Cũ, mới... cùng một guồng quay ảnh 2 Trung vận và hậu vận sao chúng tôi lại  khổ vì nghề?

Huyện cũng tổ chức cho 100% cán bộ đi học lớp công nghệ thông tin, dù có thể đã có chứng chỉ. Chúng tôi cũng yêu cầu nâng cao chất lượng toàn diện với đội ngũ lao động hợp đồng. Cũng có thể có ý kiến cho đó là bất cập, nhưng cá nhân tôi hiểu, trong thời đại công nghệ 4.0 này, người cán bộ công chức viên chức không thể dừng lại ở việc không biết máy tính, hay biết tậm tịt mà phải nâng lên một bước cao hơn.

Người có kinh nghiệm nhiều năm, cống hiến nhiều năm như vậy mà không được ưu tiên gì, có phải thiệt thòi không? Nếu họ trượt thì sao? Lúc khó khăn cần họ, giờ thì lại không khác nào vắt chanh bỏ vỏ?

Đây là vấn đề thực sự nhân văn. Với vai trò tham mưu, tôi rất trăn trở câu hỏi này, tôi đã báo cáo lãnh đạo huyện, và tính đến phương án này, còn giải pháp cụ thể thế nào chúng tôi không được phép tiết lộ với cơ quan báo chí. Lúc đó có thể có những giải pháp cụ thể, thậm chí sẽ phải báo cáo xin ý thường trực huyện huyện ủy, thành phố.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.